Mối quan ngại trước khả năng IS phát triển vũ khí hóa học

Thứ Hai, 23/11/2015, 08:47
Theo một số nguồn tin quân sự tại Trung Đông, trong thời gian gần đây, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thành lập một đơn vị đặc biệt với nhiệm vụ phát triển vũ khí hóa học để phục vụ cho mục đích khủng bố.


Tổ chức Cấm phổ biến vũ khí hóa học (OPCW) cũng đã lần đầu tiên lên tiếng xác nhận IS đã sử dụng khí mù tạt trong các cuộc tấn công hồi tháng Tám. Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng thuộc Quốc hội Iraq Hakim al-Zamili nhận xét, nếu những kẻ khủng bố phát triển được vũ khí hóa học, đặc biệt là khí độc, thì đó sẽ là “một mối đe dọa không chỉ đối với Iraq, mà còn đối với toàn thế giới”.

    IS từng sử dụng khí độc mù tạt tại Syria

    Giới chức Iraq cho rằng, việc chiếm quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn ở nước này và Syria đã tạo cho IS một loạt các cơ hội để thử nghiệm vũ khí hóa học. Theo đó, IS đã “hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn những địa điểm đặt các phòng thí nghiệm và nhà máy sản xuất, cũng như trong việc bố trí một loạt các chuyên gia, dân sự và quân sự, mà có thể trợ giúp chúng”.

    Ngoài ra, các phần tử cực đoan đã thu hút được đội ngũ chuyên gia từ nhiều nước khác nhau làm việc trong các dự án của chúng. Trong số này, có các khoa học gia tới từ Đông Nam Á. Trong khi đó, trong báo cáo được công bố hôm 6/11 vừa qua, OPCW xác nhận IS đã sử dụng khí mù tạt trong các cuộc chạm trán với lực lượng an ninh Syria hồi tháng 8. OPCW chỉ ra rằng: “Chắc chắn ít nhất hai người đã bị phơi nhiễm với chất mù tạt lưu huỳnh ở thị trấn Marea, phía Bắc Aleppo hôm 21-8. Thậm chí, vụ tấn công còn gây ra cái chết của một trẻ sơ sinh”.

    “Khí mù tạt”, hay lưu huỳnh mù tạt, tuy gọi là khí, thực chất lại ở dạng lỏng trong nhiệt độ môi trường bình thường. Chất này có màu vàng hoặc nâu, mùi như tỏi, hành tây hoặc mù tạt. Con người có thể tiếp xúc với khí mù tạt qua da, mắt hoặc đường thở nếu nó được phun dưới dạng hơi. Nó gây phồng rộp da và màng nhầy khi tiếp xúc. Khí mù tạt không gây chết người nhưng đến nay các nhà khoa học vẫn chưa điều chế được thuốc trung hòa loại chất độc này.

    Theo luật pháp quốc tế, loại chất độc này bị cấm sử dụng trong các cuộc xung đột. Mặc dù vậy, nhưng giới lãnh đạo Mỹ và châu Âu vẫn còn đang nghi ngờ về khả năng sở hữu vũ khí hóa học của nhóm khủng bố này, vì họ cho rằng, chúng thiếu công nghệ và nguồn lực.

    Giới tình báo phương Tây trong nhiều thập kỷ qua đã ghi nhận việc khủng bố sản xuất và thử nghiệm vũ khí hóa học. Một trong những nơi đầu tiên áp dụng là các trại huấn luyện khủng bố của Al Qaeda ở Afghanistan vào thập niên 1990. Theo các nhà quan sát, những vụ thử nghiệm năm xưa của Al Qaeda có mối liên hệ rõ nét với chiến lược của IS khi sử dụng khí độc trong mọi cuộc chiến của phiến quân.

    Aimen Deen, một cựu chiến binh Al Qaeda, kể lại: “Những thí nghiệm về chất này đã bắt đầu từ năm 1977 ở Afghanistan. Khi đó, phiến quân sử dụng nhiều hóa chất khác nhau, dựa trên các nguyên liệu sẵn có như phosgene, clo và hydrogen cyaniade. Thỏ và chó là hai con vật phổ biến bị đem ra làm thí nghiệm”.

    Ngày nay, các nhóm thánh chiến tại Iraq vẫn sở hữu loại chất độc chlorine và thường sử dụng trong một số cuộc chiến. Đây là loại hóa chất dễ sử dụng trong tất cả các loại vũ khí hóa học mà Al Qaeda tổng hợp và thử nghiệm, do nguyên liệu luôn có sẵn ở mọi nơi. Theo Aimen, các thủ lĩnh IS đang rất thận trọng trong việc sử dụng vũ khí hóa học vì chúng cũng lo ngại sự đáp trả mạnh mẽ của Mỹ.

    OPCW xác nhận vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria.

    Tuy nhiên, phiến quân không ngại sử dụng chất độc trong những cuộc đụng độ với các nhóm thánh chiến khác ở Trung Đông. “Đối thủ của IS ở Syria đều là các chiến binh ngoan cố và không ngại liều chết. Do vậy, giải pháp hiệu quả để đánh bại các nhóm này chính là vũ khí hóa học. Đó là sự lựa chọn chiến lược của IS mà không ngại vấp phải phải ứng của Mỹ”, ông Aimen nhận định.

    Làm sao để tiêu diệt IS?

    Đầu tiên, cần phải thiết lập một liên minh quốc tế (chống IS) thực sự. Và để làm được điều này, các bên trong liên minh cần phải vượt qua những bất đồng quan trọng về số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và về các mục tiêu không kích. Tiếp đó, các hoạt động vũ trang phải được tiến hành mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, phương Tây cũng như Nga không muốn can thiệp trên bộ, và không có bất kỳ nước Arab nào sẵn sàng đưa bộ binh đến chiến đấu chống IS. Một chiến dịch trên bộ để tái chiếm các vùng lãnh thổ bị quân thánh chiến chiếm đóng tại Syria và Iraq không thể được thực hiện nếu không có được sự thỏa thuận với Saudi Arabia và Iran.

    Bên cạnh đó, để đối phó với một tổ chức khủng bố như IS, tất cả các nhà quan sát đều cho rằng, tình báo là chìa khóa mọi thành công, hoặc thất bại. Cần phải có sự hợp tác nhịp nhàng giữa các nước đang bị bọn khủng bố nhắm đến.

    Hướng thứ hai là tăng cường ngân sách cho cảnh sát, hiến binh và cơ quan tình báo Pháp, như Thủ tướng Manuel Valls đã loan báo. Trên lĩnh vực kinh tế, tổ chức IS có nguồn tài chính hết sức dồi dào, một lợi thế vượt trội so với Al Qaeda. Theo đó, cần phải ngay lập tức cắt đứt nguồn tài chính của tổ chức này. Cuối cùng, nhất quyết phải “giải độc” chủ thuyết Hồi giáo cực đoan. 

    Hàng nghìn thanh niên ở châu Âu đã tới Syria tham gia thánh chiến trong những năm gần đây do trở nên cực đoan vì bị đầu độc bởi những diễn văn đầy thù hận trên internet, bị ảnh hưởng từ các giáo sĩ, tiếp xúc với một tên khủng bố trong nhà tù… Theo đó, cần phải giám sát chặt chẽ không gian Internet. Tuy các website cực đoan đã bị đóng, những mạng xã hội Facebook và Twitter vẫn tiếp tục đưa những thông tin tuyên truyền cho thánh chiến.


    Khổng Hà
    .
    .
    .