Đường đến Nhà Trắng đầy gai và nước mắt của Tổng thống đắc cử Joe Biden

Thứ Sáu, 08/01/2021, 08:30
Kết quả bầu cử được Quốc hội chứng nhận, đối thủ cuối cùng cũng nhận thua và hứa chuyển giao quyền lực trong hòa bình, không còn gì có thể cản đường Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden bước tới Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới.

Trong phiên họp lưỡng viện Quốc hội Mỹ ngày 6/1 sau nhiều giờ trì hoãn vì bạo loạn, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, với cương vị Chủ tịch Thượng viện, chính thức xác nhận ông Joe Biden, ứng viên Tổng thống Mỹ đảng Dân chủ giành được 306 phiếu đại cử tri, chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống 2020. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump nhận được 232 phiếu.

Về phần mình, hơn hai tháng sau ngày bầu cử, ông Trump cuối cùng cũng ngầm thừa nhận mình đã thua, nhưng cho rằng việc Quốc hội Mỹ chứng nhận chiến thắng cho Biden "đánh dấu cái kết của nhiệm kỳ đầu vĩ đại nhất trong lịch sử Tổng thống Mỹ". Ông cũng hứa chuyển giao quyền lực trong hòa bình vào ngày 20/1, khi đội ngũ của ông Biden tới tiếp quản Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden, ông là ai?

Joe Biden, tên đầy đủ là Joseph Robinette Biden Jr., sinh ngày 20/11/1942, tại Scranton, Pennsylvania, Mỹ, trong một gia đình công giáo gốc Ireland. Cha của Biden từng làm nghề buôn bán xe hơi. Tuy nhiên, do biến cố kinh tế vào những năm 1950, cha Biden đã mất việc lúc ông mới 10 tuổi. Sự kiện này khiến gia đình Biden chuyển đến bang Delaware, nơi Biden sống phần lớn cuộc đời của ông.

Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden. Ảnh: Reuters

Theo WP, ông Biden từng có tật nói lắp khi còn nhỏ. Dù gia đình không mấy khá khẩm, nhưng Biden sớm đã cho thấy tố chất kiên cường bằng việc vượt qua khó khăn để theo học hai trường đại học là Đại học Delaware và Đại học luật Syracuse. Ra trường, ông theo đuổi sự nghiệp chính trị từ sớm.

Biden lập gia đình năm 1966, với người vợ đầu là bà Neilia Hunter. Hai người có ba con, Joseph Beau Biden III sinh năm 1969, Robert Hunter Biden sinh năm 1970 và Naomi Christina sinh năm 1971. "Mọi thứ diễn ra nhanh hơn tôi mong đợi", Biden nói về cuộc đời mình vào thời điểm đó.

Ông Biden từng thổ lộ với bà Neilia Hunter về dự định trở thành Thượng nghị sĩ liên bang khi 30 tuổi và sau đó sẽ trở thành Tổng thống. Biden làm được điều đầu tiên dưới sự trợ giúp và chứng kiến của bà Neilia vào năm 1972.

Tuy nhiên, một tuần sau khi ông Biden được bầu vào Thượng viện Mỹ ở tuổi 29, người vợ đầu tiên Neilia và cô con gái mới sinh của ông thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi thảm khốc ngay trước lễ Giáng sinh. Hai con trai Hunter và Beau bị thương nặng phải nhập viện. Biden tưởng như đã sụp đổ.

Ông Biden bên vợ đầu Neilia và hai con trai Hunter, Beau. Ảnh: Independent

"Tôi đã nghĩ đến chuyện tự tử, nhưng tôi không làm điều đó. Tôi đã tưởng tượng ra cảnh mình tới cầu Tưởng niệm Delaware, nhảy xuống và kết thúc mọi thứ", Biden kể về khoảng thời gian khó khăn với CNN. "Nhưng tôi không bao giờ bước vào trong xe và lái đến đó, hoặc làm điều gì tương tự như vậy".

Theo lời ông, các con trai Beau và Hunter chính là lí do ông tiếp tục. "Những vị cứu tinh thực sự của tôi chính là các con trai tôi", ông Biden nói.

Vượt qua bi kịch gia đình, ông Biden quyết định thực hiện cam kết mà ông đã hứa về việc đại diện cho người dân Delaware tại Thượng viện. Ông bỏ qua buổi lễ tuyên thệ nhậm chức dành cho các thượng nghị sĩ mới ở Washington và thay vào đó là tuyên thệ nhậm chức từ phòng bệnh của các con trai.

Để dành nhiều thời gian hơn cho con, ông tiếp tục sống ở thành phố Wilmington bang Delaware. Ông dậy sớm mỗi ngày bắt tàu đến Washington làm việc, thói quen mà sau đó được ông duy trì suốt nhiệm kỳ của ông tại Thượng viện.

Từ năm 1973 đến năm 2009, sự nghiệp chính trị của Biden gặt hái nhiều thành công. Trong thời gian làm việc tại Thượng viện, ông đã chứng tỏ mình là một trong những chuyên gia chính sách đối ngoại hàng đầu, thậm chí được chọn vào vị trí Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

Ông Biden tại Thượng viện. Ảnh: USAToday

Những điểm nhấn chính sách đối ngoại của ông Biden bao gồm ủng hộ việc hạn chế vũ khí chiến lược với Liên Xô, thúc đẩy hòa bình và ổn định cho vùng Balkan, mở rộng NATO sang Đông Âu và phản đối Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất...  Biden cũng là người kiên quyết phản đối cuộc chiến ở Iraq mà Tổng thống Mỹ George W. Bush phát động, cũng như việc tăng quân ở Iraq năm 2007.

Ngoài đối ngoại, ông Biden còn là người thẳng thắn đề xuất các luật chống tội phạm cứng rắn hơn. Năm 1994, ông bảo trợ Đạo luật kiểm soát tội ác bạo lực và thi hành pháp luật để bổ sung 100.000 cảnh sát và tăng hình phạt cho hàng loạt tội ác.

Trong hàng chục năm theo đuổi sự nghiệp chính trị, ông Biden từng hai lần ra tranh cử Tổng thống Mỹ, lần đầu năm 1987, thời điểm ông đang là Chủ tịch ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ.  Ông gặt hái nhiều thuận lợi ở giai đoạn đầu, song nhanh chóng hứng làn sóng phẫn nộ vì bê bối đạo văn từ khi học đại học cho đến khi tranh cử Tổng thống.

Các bằng chứng sau đó được giới truyền thông khui ra liên tục. Ông Biden thừa nhận một phần lỗi sai và rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng năm 1988. Cùng thời điểm, các bác sĩ đã phát hiện ông mắc chứng phình mạch não, buộc phải phải trải qua 9 tiếng phẫu thuật cùng quá trình hồi phục kéo dài 7 tháng, ông mới có thể khỏe mạnh trở lại và tiếp tục công việc tại Thượng viện.

Ông Biden, ông Obama và bà Clinton. Ảnh:AP

Đến năm 2007, 20 năm sau lần đầu tranh cử tổng thống không thành công, ông Biden một lần nữa quyết định ra tranh cử Tổng thống Mỹ. Nhưng những chính sách khi đó của ông không giúp ông chiếm ưu thế trước hai ứng viên lúc bấy giờ là Hillary Clinton và Barack Obama.

Khi Obama trở thành ứng viên của đảng Dân chủ trong cuộc đua 2008, vị ứng viên Tổng thống da màu bất ngờ lựa chọn ông Biden là người đồng hành. Đây cuối cùng là lựa chọn chính xác, khi Obama giành chiến thắng trước đối thủ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain.

Ngày 20/1/2009, ông Obama tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 44 của Mỹ, vị Tổng thống da màu đầu tiên, và ông Biden trở thành Phó Tổng thống thứ 47. Cặp bài trùng Obama - Biden thắng thêm một nhiệm kỳ nữa vào năm 2012.

Thêm về đời tư, 5 năm sau sự ra đi của người vợ đầu tiên, ông Biden tái hôn với người vợ thứ hai, bà Jill Biden, từ năm 1977. Hai người có một người con gái tên Ashley, sinh năm 1981. Tưởng như đời tư của ông từ đó sẽ trôi đi trong êm đềm, nhưng ngày 30/5/2015, Biden phải chịu thêm một mất mát vô cùng lớn khác khi con trai Beau của ông qua đời ở tuổi 46 vì ung thư não. Biden từng xem xét việc sẽ tranh cử tổng thống, nhưng từ bỏ vào tháng 10/2015.

Ông Biden được trao Huân chương tự do. Ảnh: Reuters

Vào ngày 12/1/2017, trước khi nhiệm kỳ thứ hai kết thúc, tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama tặng Biden Huân chương tự do và khen ông là “vị Phó Tổng thống tốt nhất mà nước Mỹ từng có” và là “sư tử của lịch sử Mỹ”. Lúc đó, ông Biden đã vô cùng ngạc nhiên và không cầm được nước mắt.

Biden từng được cho là đã “về hưu” khi chính quyền Tổng thống Donald Trump nhậm chức ngày 20/1/2017, lúc ông 73 tuổi, nhưng cuối cùng nghỉ ngơi không phải là lựa chọn của ông.

Cuộc đua đến phút chót với Tổng thống Trump

Hai lần tranh cử thất bại, hơn 40 năm làm việc ở Thượng viện cộng với hai nhiệm kỳ làm Phó Tổng thống Mỹ dưới thời Barack Obama cho Biden kinh nghiệm để ông vượt qua nhiều khó khăn, tìm được sự ủng hộ của cử tri, dẫn đến cái kết là ông đã chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020 của nước Mỹ.

Tuy nhiên, vị Tổng thống Mỹ đắc cử có lẽ chưa bao giờ nghĩ đường đến Nhà Trắng của mình lại gian truân và phức tạp đến thế.

Hai ông Biden và Trump. Ảnh: INT

Vào ngày bầu cử 3/11/2020, khi quá nửa phiếu bầu được kiểm đếm ở các bang, kết quả cho thấy ứng viên Donald Trump đã dẫn đầu tại các bang chiến trường, với sắc đỏ Cộng hòa xuất hiện khắp bản đồ nước Mỹ, giống những gì đã xảy ra vào năm 2016, khi ông Trump chiến thắng trước ứng viên Hillary Clinton.

Rạng sáng 4/11/2020, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump bất ngờ xuất hiện trước truyền thông, với vẻ mặt đầy tự tin, tuyên bố ông là người chiến thắng trong cuộc bầu cử. Phát biểu của ông Trump khi đó đã khiến nhiều người bị sốc.

Trong khi ông Trump tự nhận "thắng lớn", Biden cũng ra phát ngôn riêng khẳng định cuộc đua đang đi đúng hướng. Thật vậy, những lá phiếu đầu tiên được kiểm là phiếu bầu trực tiếp. Ở các bang chiến trường, phần lớn những lá phiếu đó được bầu cho ông Trump. Tuy nhiên, càng về sau, khi phiếu bầu qua thư được kiểm, tỷ lệ phiếu cho ông Biden tăng lên nhanh chóng.  Ông Biden lần lượt thắng các bang chiến trường quan trọng

Ngày 7/11/2020, sau nhiều giờ theo dõi và dự báo, khi gần như toàn bộ phiếu bầu đã được kiểm, các hãng tin lớn của Mỹ đồng loạt gọi Joe Biden là Tổng thống đắc cử. Lãnh đạo các nước trên thế giới sau đó lần lượt gửi điện chúc mừng ông Biden.

Ông Biden được xướng tên là người chiến thắng từ ngày 7/11/2020. Ảnh: ITN

Về phần mình, ông Trump và các đồng minh dành nhiều tuần để đệ hơn 50 đơn kiện ở khắp các bang chiến trường nhằm thách thức kết quả bầu cử. Đội ngũ của ông Trump đưa ra các cáo buộc gồm: kiểm sót phiếu, mất phiếu bầu, phiếu bầu không hợp lệ (thời gian, danh tính…), phiếu bầu không thể xác thực, máy bỏ phiếu thay đổi hoặc hủy bỏ phiếu cố ý…

Đỉnh điểm, tháng 12/2020, bang Texas kiện lên tận Tòa án Tối cao Mỹ đòi hủy kết quả bầu cử ở 4 bang chiến trường Georgia, Pennsylvania, Michigan và Wisconsin vì cho rằng các quy định bỏ phiếu mà các bang này ban hành ngay trước kì bỏ phiếu là vi hiến. Động thái của Texas được hàng chục bang ủng hộ.

Tuy nhiên, ngày 11/12/2020, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác đơn kiện của bang Texas, cho rằng bang Texas không có "vị thế tranh chấp" để kiện.  Vụ kiện này được đánh giá là đã đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực pháp lý của đội ngũ của ông Trump.

Đến ngày 14/12/2020, đại cử tri đoàn chính thức xác nhận kết quả bầu cử. Tuy vậy, ông Trump không chịu nhận thua và liên tiếp đưa ra thêm cáo buộc nhằm vào tính công bằng của cuộc bầu cử. Trong thời gian đó, ông Biden tiếp tục tìm kiếm những gương mặt cho chính quyền mới, song chưa thể tiếp cận đầy đủ nhằm chuẩn bị cho quá trình chuyển giao quyền lực.

Đám đông quá khích leo tường vào nhà quốc hội Mỹ. Ảnh: AP

Ngày 6/1, ngày mà đúng bốn năm trước, ông Joe Biden trên cương vị Chủ tịch Thượng viện đã chủ trì phiên họp tại quốc hội xác nhận số phiếu của cử tri đoàn, mang về chiến thắng cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử 2016, thì ông Biden lại không thể sớm ăn mừng chiến thắng của mình, khi đám đông ủng hộ ông Trump lao thẳng vào tòa nhà quốc hội làm loạn, khiến cuộc họp của lưỡng viện bị trì hoãn.

Sau nhiều giờ, trật tự cuối cùng được vãn hồi, với việc ít nhất 4 người đã thiệt mạng, Quốc hội Mỹ nhóm họp trở lại, giải quyết nốt những kiến nghị phản đối phiếu đại cử tri tại 5 bang chiến trường theo đòi hỏi của một số nghị sĩ Cộng hòa.

Cuối ngày 6/1, cuộc họp kết thúc, Phó Tổng thống Pence tuyên bố chiến thắng cho Biden. Ông cuối cùng đã được xác nhận sẽ trở thành Tổng thống Mỹ với lễ nhậm chức diễn ra vào ngày 20/1 tới. Trước mắt ông, một nước Mỹ bị chia rẽ đang chờ được hàn gắn.

Ông Pence tuyên bố ông Biden là người thắng cuộc bầu cử 2020. Ảnh: ITN

Trong diễn biến liên quan, theo kết quả bầu cử Thượng viện bổ sung ở Georgia, cả hai ghế đều được dự báo sẽ thuộc về đại diện đảng Dân chủ, giúp phe Dân chủ kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện. Đây sẽ là yếu tố then chốt giúp ông Biden rộng đường ban bố những chính sách trong ít nhất hai năm đầu nhiệm kỳ.

Thiện Nhân
.
.
.