Điểm lại 10 cột mốc quan trọng trong lịch sử mối quan hệ Mỹ-Triều

Thứ Ba, 12/06/2018, 10:35
9h sáng ngày 12-6, tại Singapore, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra, đó là cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Cái bắt tay giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un không chỉ khởi tạo niềm tin về một trang sử mới, mà còn gợi nhớ lại những cột mốc lịch sử trong quan hệ giữa hai nước.
1. Chiến tranh Triều Tiên

Mỹ và Triều Tiên đã lao vào một cuộc chiến tranh trực diện kéo dài suốt 3 năm, bắt đầu từ năm 1950. Cuộc chiến giết chết hàng triệu người, trong đó có 36.000 lính Mỹ. Bắt đầu vào tháng 6-1950, quân đội Triều Tiên đổ qua biên giới tại vĩ tuyến 38 và tung ra một cuộc tấn công bất ngờ. Một lực lượng quân sự yếu ớt của Hàn Quốc ban đầu gần như đã bị quét sạch khỏi bán đảo Triều Tiên trước khi lực lượng do Mỹ dẫn đầu tấn công đẩy ngược quân đối phương về phía Bắc. Quân đội Trung Quốc sau đó đã can thiệp, đẩy lùi lực lượng tấn công của liên quân Mỹ. 

Cuộc chiến đã chấm dứt với một lệnh ngừng bắn vào tháng 7-1953. Cho đến nay, lệnh ngừng bắn vẫn chưa được thay thế bằng một hiệp ước hòa bình, để lại bán đảo Triều Tiên vẫn trong trạng thái chiến tranh. Khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ vẫn đang đồn trú ở Hàn Quốc. Ảnh: Getty

2. Tàu gián điệp

Vào tháng 1-1968, các tàu hải quân Triều Tiên đã tấn công và chiếm tàu USS Pueblo của Mỹ ngoài khơi bờ biển phía đông Triều Tiên. Vụ việc khiến một thủy thủ Mỹ thiệt mạng và 82 người khác bị bắt. Họ đã bị giam giữ ở Triều Tiên trong suốt 11 tháng. Họ chỉ được thả sau khi các nhà đàm phán Mỹ đồng ý ký một tuyên bố thừa nhận con tàu này đã xâm nhập bất hợp pháp vào vùng lãnh hải của Triều Tiên. Triều Tiên sau đó đã tiến hành trưng bày tàu Pueblo tại Bình Nhưỡng, khiến nó trở thành tàu hải quân duy nhất của Mỹ bị một quốc gia nước ngoài giam giữ. Ảnh: KCNA

3. 2 lính Mỹ bị đánh chết

Vào mùa hè năm 1976, hai binh lính Mỹ đã bị tấn công đến chết bởi những người lính Triều Tiên trong cuộc đối đầu mà phía Mỹ muốn chặt một cây dương tại Khu phi quân sự DMZ giữa hai miền Triều Tiên. Phẫn nộ trước hành động trên, nước Mỹ đã phản ứng bằng cách điều loạt chiến đấu cơ B-52 có khả năng mang bom hạt nhân về phía DMZ để đe dọa Triều Tiên. Sự căng thẳng chỉ dịu lại sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Il Sung, ông nội của ông Kim Jong-un, bày tỏ sự hối tiếc về vụ việc lính Mỹ thiệt mạng. Đây vẫn được coi là vụ đổ máu tai tiếng nhất tại DMZ, khu vực vẫn còn đầy những bom mìn và hàng rào thép gai. Ảnh: AP

4. Chuyến thăm của ông Carter

Tháng 6-1994, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã tới Triều Tiên thông qua khu vực DMZ và có hai vòng đàm phán dài với nhà lãnh đạo Kim Il Sung trong một nỗ lực để giải quyết cuộc đối đầu hạt nhân đầu tiên. Sau khi trở về Hàn Quốc, ông Cater đã chuyển lời đề nghị của ông Kim Il Sung về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Tổng thống Hàn Quốc khi ấy, ông Kim Young-sam đã chấp nhận. Tuy nhiên, sau khi nhà lãnh đạo Kim Il Sung qua đời vì cơn đau tim vào tháng 7-1994. Con trai ông là Kim Jong Il lên nắm quyền đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên vào năm 2000 với Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Kim Dae-jung. Ảnh: KCNA

5. Khung thỏa thuận

Tháng 10-1994, Mỹ đã ký một thỏa thuận về giải trừ vũ khí hạt nhân với Triều Tiên. Theo hiệp ước được gọi là “Khung thỏa thuận”, miền Bắc sẽ đóng băng các hoạt động nguyên tử và đồng ý sẽ tháo dỡ các cơ sở hạt nhân để đổi lấy việc xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ để sản xuất và cung cấp dầu. Song thỏa thuận này đã sụp đổ vào năm 2002, khi các quan chức Mỹ cáo buộc Triều Tiên ngầm thực hiện một chương trình hạt nhân bằng cách sử dụng uranium làm giàu. Ảnh: CSB

6. Chuyến thăm đến Mỹ

Tháng 10-2000, cánh tay phải của nhà lãnh đạo Kim Jong Il, Phó nguyên soái Triều Tiên Jo Myong-rok, đã bay sang Mỹ, trở thành quan chức cao cấp nhất của Triều Tiên thăm quốc gia đối địch kể từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Ông Jo Myong-rok đã gặp Tổng thống Bill Clinton và chuyển lá thư cá nhân của ông Kim. Chuyến đi của ông Jo diễn ra trong bối cảnh hai nước đang tìm cách cải thiện quan hệ. Ảnh: White House
7. Albright đến miền Bắc

Một vài tuần sau chuyến đi của ông Jo Myong-rok, Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đã thực hiện một chuyến viếng thăm đối ứng đến Bình Nhưỡng trong một nỗ lực nhằm sắp xếp một chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Bill Clinton. Bà đã gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Il và họ cùng thưởng thức “Arirang”. Thế nhưng, thái độ hòa giải giữa hai nước đã đột ngột “đảo chiều” sau khi Tổng thống George W. Bush nhậm chức vào tháng 1-2001 với nhiều chính sách khó khăn với miền Bắc. Ông Clinton cuối cùng đã đến Triều Tiên với tư cách cựu Tổng thống năm 2009 để bảo đảm quyền tự do của hai nhà báo Mỹ bị giam giữ ở đó. Ảnh: AP

8. Cuộc đàm phán 6 bên

Mỹ đã quay trở lại bàn đàm phán với Triều Tiên vào năm 2003 trong khuôn khổ đàm phán 6 bên với sự tham gia của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Trong các cuộc đàm phán diễn ra không liên tục cho đến năm 2008, Triều Tiên đã ngừng hoạt động hạt nhân một lần nữa và vô hiệu hóa một số yếu tố quan trọng tại khu liên hợp hạt nhân chính để đổi lấy các lợi ích về an ninh, kinh tế và năng lượng. Nhưng các cuộc đàm phán đã tan vỡ với những bất đồng về cách xác minh các bước giải trừ vũ khí. Triều Tiên chính thức rút khỏi các cuộc đàm phán vào năm 2009 để phản đối việc quốc tế lên án nước này việc thử tên lửa tầm xa. Ảnh: AP

9. Tiếp tục thử hạt nhân

Sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2011, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bắt đầu thực hiện một số lượng lớn các cuộc thử nghiệm vũ khí như một phần trong mục tiêu đã nêu của ông về việc xây dựng tên lửa hạt nhân có khả năng đến được lục địa Mỹ. Trong năm 2017, thế giới trở nên đặc biệt lo ngại về nguy cơ chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu và tuyên bố đây là vụ thử mạnh nhất, cùng ba cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có một cuộc khẩu chiến kéo dài với những lời đe dọa lẫn nhau. Ảnh: Reuters

10. Sự dịu lại

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thay đổi chiến thuật vào năm 2018, khi gửi một phái đoàn đến Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc và tham dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông Kim Jong-un cũng đã đề nghị thương lượng việc từ bỏ chương trình hạt nhân nếu như Triều Tiên được cung cấp một bảo đảm an ninh đáng tin cậy từ Mỹ. Sau một thời gian dài chuẩn bị với các cuộc gặp liên tiếp giữa quan chức Mỹ và Triều Tiên tại nhiều địa điểm khác nhau, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã diễn ra tại Singapore ngày 12-6. Ảnh: CNN

An Nhiên (Theo AP/ Ảnh: T.H)
.
.
.