Dấu ấn Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2008-2009
- Tổng kết 2 năm Việt Nam đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ
- Việt Nam hoan nghênh việc được đề cử là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ
- Nhóm các nước châu Á nhất trí đề cử Việt Nam vào chức Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ
Trước khi ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam từng là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008 - 2009 và đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 7-2008 và tháng 10-2009.
Trong lần thứ 2 ứng cử, Việt Nam cũng đã được nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương đồng thuận thông qua là ứng viên duy nhất của nhóm cho cương vị quan trọng này.
Nhận định về vai trò của Việt Nam trong LHQ, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam nói: “Trước tiên, phải nói rằng, Việt Nam là một quốc gia thành viên của LHQ ủng hộ rất tích cực cho các mối quan hệ đa phương.
Mở rộng đẩy mạnh các quan hệ đa phương cũng chính là mục tiêu của LHQ. Do đó, LHQ luôn nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia không những ủng hộ mạnh mẽ quan hệ đa phương mà còn tuân thủ rất nghiêm túc tất cả luật lệ cũng như các quy tắc của mối quan hệ này. 10 năm trước, Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.
Trong thời gian đó, Việt Nam đã đóng một vai trò rất quan trọng trong Hội đồng bảo an, đặc biệt là trong việc ủng hộ Nghị quyết của LHQ về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Đây là một nghị quyết có tính chất lịch sử của LHQ. Hiện Việt Nam cũng đang tăng cường vai trò của mình trong việc tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình.
Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam đã cử 63 sỹ quan tham gia Bệnh viện dã chiến cấp II ở Nam Sudan đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình. Việt Nam cũng tham gia Hội đồng nhân quyền quốc tế giai đoạn 2014-2016. Cuối năm 2018, Việt Nam được lựa chọn vào Ủy ban của LHQ về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL)…
Đó là bằng chứng thể hiện rất rõ ràng cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hòa nhập với cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và cam kết thực hiện các luật về kinh tế, thương mại quốc tế. Ngoài ra, còn có một số lĩnh vực khác mà Việt Nam ngày càng tăng cường sự tham gia cũng như cam kết, ở cấp khu vực cũng như thế giới”.
Trong nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã bắt nhịp nhanh, tham gia đóng góp tích cực, chủ động và toàn diện trên tất cả các vấn đề của Hội đồng Bảo an LHQ. (ảnh: UN Photo) |
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, tựu trung lại, trong nhiệm kỳ Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (2008-2009), Việt Nam đã đạt được 3 thành tựu lớn.
Thứ nhất, Việt Nam đã bắt nhịp nhanh, tham gia đóng góp tích cực, chủ động và toàn diện trên tất cả các vấn đề của Hội đồng Bảo an LHQ từ khâu phát biểu đến tham gia thương lượng, đóng góp xây dựng nghị quyết, văn kiện, làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch một số tiểu ban của Hội đồng Bảo an, 2 lần làm Chủ tịch tháng, xây dựng Báo cáo năm về công việc của Hội đồng Bảo an cũng như chủ trì soạn thảo, thương lượng giúp Hội đồng Bảo an thông qua 1 Nghị quyết về phụ nữ và hòa bình an ninh…
Trọng tâm xuyên suốt trong 2 năm nhiệm kỳ đó, Việt Nam đã triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại yêu chuộng hoà bình, đóng góp tích cực trong giải quyết xung đột, khủng hoảng trên thế giới, ủng hộ các giải pháp thông qua thương lượng hoà bình, hạn chế các biện pháp trừng phạt (như trên vấn đề hạt nhân của Iran, CHDCND Triều Tiên), dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản (như trên vấn đề Zimbawe, Myanmar), qua đó đóng góp cho hoà bình, an ninh thế giới nói chung, đảm bảo môi trường an ninh, tạo thuận lợi cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia và biểu quyết tại Hội đồng Bảo an về các vấn đề chống chiến tranh, giải trừ quân bị, chống khủng bố, hạn chế việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, đóng góp cho việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, đẩy lùi những âm mưu lợi dụng dân chủ, nhân quyền để can thiệp… đã góp phần bảo đảm lập trường nguyên tắc cũng như các lợi ích quốc gia.
Đặc biệt, việc duy trì trao đổi và tham vấn thường xuyên với các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ ở các cấp đã giúp Việt Nam xử lý tốt quan hệ với các nước lớn, các nước có lợi ích liên quan và các bạn bè truyền thống; tạo được mối quan hệ hợp tác, thẳng thắn, tin cậy.
Đến nay, Việt Nam có mối quan hệ ngoại giao với 187 quốc gia và hợp tác kinh tế - thương mại với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng là thành viên của hơn 60 tổ chức quốc tế, trong đó có LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Á – Âu (ASEM), Phong trào không liên kết (NAM)…
Là một đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, Việt Nam còn thiết lập được quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với 25 quốc gia; có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký hoặc đang đàm phán với 58 đối tác tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ và Trung Đông.
Chưa hết, hoạt động của Việt Nam tại sân chơi đa phương lớn nhất này đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ song phương, trở thành một minh chứng cụ thể giúp vững tin trong hội nhập quốc tế.
Tổng thư ký LHQ và lãnh đạo nhiều nước, đặc biệt là các nước lớn, các đối tác quan trọng và trong khu vực đều đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an và mong Việt Nam giữ vai trò lớn hơn trên các vấn đề khu vực và quốc tế. Các nước Không liên kết, đang phát triển cũng đánh giá Việt Nam có nhiều đóng góp phát huy vai trò và tiếng nói của Không liên kết tại LHQ.
“Hoạt động của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an LHQ không chỉ giúp nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế mà còn góp phần đưa các quan hệ song phương với các nước đi vào chiều sâu, mở ra cơ hội đầu tư, thương mại hay thị trường mới tại nhiều nước và khu vực”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định.
Nhận xét về sự đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008 – 2009 của Việt Nam, Ðại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Nhật Bản tại LHQ Koro Bessho cho biết: “Việt Nam có bề dày lịch sử, từng trải qua các cuộc kháng chiến, xây dựng hòa bình và phát triển kinh tế ngoạn mục. Những kinh nghiệm đó tạo vị thế cho Việt Nam, giúp Việt Nam có thể tư vấn và đóng góp hiệu quả trong nhiều vấn đề thảo luận tại Hội đồng Bảo an. Nhật Bản luôn trông đợi Việt Nam giúp chuyển tải quan điểm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tới các chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an LHQ”.
Còn cây bút chuyên về châu Á James Borton trong bài viết trên trang Geopoliticalmonitor thì cho rằng, tầm quan trọng của Việt Nam trong an ninh quốc tế đã tăng tiến kể từ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng năm 2017 và với việc ứng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ,
Việt Nam muốn thể hiện tiếng nói ngày càng có trọng lượng tại ASEAN, thể hiện các kỹ năng ngoại giao mềm và tăng cường hội nhập quốc tế. "Vị trí này sẽ đưa Hà Nội đến mức hội nhập quốc tế cao nhất", James Borton viết.
Trong khi đó, nhà báo Mỹ tại LHQ George Alan Baumgarten đánh giá: “Nếu Hội đồng Bảo an LHQ có Việt Nam là thành viên sẽ là một điều rất đáng quý bởi chắc chắn Việt Nam có thể đóng góp nhiều ý kiến, sáng kiến từ góc độ của mình đối với các vấn đề nóng, mới nổi mà Hội đồng Bảo an LHQ phải giải quyết”.