Đảo Guam và những lý do khiến Washington - Bình Nhưỡng "sôi sục"
Ngày 10-8, Bình Nhưỡng đã hé lộ kế hoạch phóng tên lửa tầm xa xuống khu vực xung quanh đảo Guam - vùng lãnh thổ của Mỹ tại Thái Bình Dương. Đáp lại, Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ phải hối tiếc về bất cứ hành động nào nhằm vào Guam. Vậy lý do gì khiến Bình Nhưỡng và Washington "sôi sục" vì Guam?
- Triều Tiên doạ tấn công đảo Guam của Mỹ
- Bình Nhưỡng tuyên bố toàn bộ nước Mỹ nằm gọn trong tầm bắn
- Vì sao Bình Nhưỡng lại “bơ” đề nghị đàm phán của Seoul
Đảo Guam nhìn từ trên cao |
Đảo Guam là một hòn đảo nhỏ nằm trong quần đảo Marianas ở phía Tây Thái Bình Dương, với diện tích ~337km2 và 160.000 công dân. Kể từ sau Thế chiến II, Guam được biết đến là vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ và mọi người dân sinh sống trên hòn đảo này đều được công nhận là công dân Mỹ.
Đây là khu vực đặt nhiều căn cứ quân sự chủ chốt của Washington tại Thái Bình Dương như bến đỗ tàu ngầm hạt nhân, đồn trú của lực lượng phòng vệ bờ biển Mỹ hay căn cứ không quân Andersen.
Dù Guam cách đất liền Mỹ gần 12.000km nhưng chỉ cách Bình Nhưỡng ~3.500km (tương đương với 4 giờ bay). Vì vậy, Guam chính là lãnh thổ của Mỹ gần nhất với CHDCND Triều Tiên.
Ngoài ra, với khoảng 16.000 người phục vụ trong quân đội tại Guam, thì Mỹ hoàn toàn có thể phát động bất kỳ chiến dịch quân sự nào nhằm vào Bình Nhưỡng. Giới chuyên gia quân sự nhận định, vị trí địa lý của Guam chính là lý do hàng đầu khiến CHDCND Triều Tiên muốn "nắn gân" Mỹ.
Ảnh: Express. |
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời chính quyền Barack Obama ca ngợi, Guam là một trung tâm đầu não chiến lược quan trọng của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và nơi này được bảo vệ bởi hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD, tương tự như lá chắn mà Mỹ muốn triển khai ở Hàn Quốc.
Không dự lường được hành động của đối phương
Rõ ràng, những màn "khẩu chiến" giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un mới đây chỉ là "chiêu bài" để hai bên thăm dò các hành động của nhau.
Trong khi Bình Nhưỡng muốn loan báo với cả thế giới về khả năng quân sự và giai đoạn nước rút trong việc phát triển tên lửa của mình, thì Washington luôn tỏ thái độ cứng rắn, dứt khoát khi cảnh báo sẽ "dội cơn lửa thịnh nộ" nếu Bình Nhưỡng vẫn tỏ ra "không biết điều".
Tàu tuần dương Mỹ thử tên lửa SM-3 Block IIA. Ảnh: UPI. |
Trước những đồn đoán về một cuộc xung đột giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, các chuyên gia phân tích quân sự đã dự liệu một vài kịch bản mà hai bên sẽ tiến hành trong thời gian tới.
Với những ai nghi ngờ về khả năng tên lửa của Bình Nhưỡng không thể bay tới lục địa Mỹ thì đảo Guam hoàn toàn nằm trong tầm bắn tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM) Hwasong-12 của Bình Nhưỡng.
Trước hết, Bình Nhưỡng có thể sẽ nhằm vào căn cứ không quân Andersen ở Guam. Bởi các chiến đấu cơ B-1B, B-2 hay B-52 của Mỹ thường xuyên bay lượn tới bán đảo Triều Tiên để phô trương sức mạnh, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng sau mỗi vụ thử tên lửa.
Hơn nữa, hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ tại Guam mới chỉ vận hành thử nghiệm và chưa từng được kiểm chứng trong thực chiến. Nếu lá chắn này để lọt một tên lửa phía CHDCND Triều Tiên rơi xuống khu vực gần đảo Guam, thì uy tín của quân đội Mỹ sẽ bị tổn thất nghiêm trọng.
Về phía Mỹ, căn cứ Andersen cũng là nơi đồn trú của các phi đội chiến đấu cơ và máy bay tiếp liệu phục vụ đòn đánh tầm xa nhằm vào CHDCND Triều Tiên. Trong chiến tranh, Andersen sẽ trở thành trạm chuyển tiếp của không quân Mỹ trên đường tới bán đảo Triều Tiên.
Các tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles tại Guam đều được trang bị hàng chục tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 3.100 km. Với "combo" quân sự siêu cấp như vậy, Mỹ có thể bất ngờ tiến hành chiến dịch không kích quy mô lớn "phủ đầu" ban lãnh đạo và hệ thống phòng thủ của CHDCND Triều Tiên.