Cuộc giải cứu bi thảm

Thứ Hai, 24/10/2016, 07:40
Vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Chính phủ Mỹ đã thực hiện “Chiến dịch không vận trẻ em” với mục đích đưa trẻ em từ miền Nam Việt Nam đến làm con nuôi tại các gia đình ở Mỹ, Canada, châu Âu, Australia. 3.300 trẻ em đã bị đưa ra khỏi Việt Nam, trong đó có nhiều em bị tước đoạt khỏi bố mẹ đẻ.

Nhiều năm qua, dư luận ở Mỹ không chỉ tranh cãi về động cơ chính trị của chiến dịch không vận trẻ em mà còn yêu cầu chính phủ phải có trách nhiệm trả trẻ em về với gia đình. Warhistoryonline.com ngày 18-2-2016 vừa đăng bài của H. Fishel trình bày cụ thể về vấn đề này:

“Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, chiến tranh tại Việt Nam là một trong những cuộc chiến đẫm máu và tàn bạo nhất trong số các cuộc xung đột hiện đại. Mức độ thảm khốc của cuộc chiến khiến cả thế giới phải kinh hoàng. Trong bối cảnh của khủng hoảng, tàn phá và nỗi sợ hãi, có một sự kiện không thể không nhắc đến là “Chiến dịch không vận trẻ em” - còn được biết đến với tên gọi “Operation Babylift”. 

Khi cuộc chiến tại Việt Nam đi đến giai đoạn cuối, mùa xuân năm 1975, sau gần một thập kỷ xung đột, Chính phủ Mỹ nhận ra rằng miền Nam Việt Nam đang dần trượt khỏi vòng kiểm soát vì phong trào phản chiến trong lòng nước Mỹ đang dâng cao. 

Chính phong trào này đã dẫn tới làn sóng phản đối của những người dân Mỹ, mà hệ quả là việc trốn nghĩa vụ quân sự cũng như chống lại các chính sách của chính phủ theo mọi cách có thể. Chính phủ Mỹ quyết định rút những người lính cuối cùng của nước Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Và trong khi mặc cho chính quyền Sài Gòn và người dân sở tại tự lo lấy số phận, thì họ lại quan tâm đến những đứa trẻ mồ côi. Chúng sẽ ra sao khi cuộc chiến chấm dứt? Chính phủ Mỹ tin rằng mình có câu trả lời với “Chiến dịch không vận trẻ em”.

Lúc này quân đội cách mạng đã áp sát và tiến công Sài Gòn bằng pháo binh. Chiến dịch giải phóng các thành phố vẫn đang diễn ra với tốc độ vũ bão. Vào thời điểm Đà Nẵng bị thất thủ, Tổng thống G. Ford tuyên bố trẻ em của miền Nam Việt Nam sẽ được sơ tán đến nơi an toàn. 

Chiến dịch không vận trẻ em của Chính phủ Mỹ sẽ có nhiệm vụ vận chuyển những đứa trẻ mồ côi từ một quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá đến những nơi chúng có thể sống mà không sợ hãi - như Mỹ, Pháp, Australia, Canada và các quốc gia khác; đó là những nơi đã đồng ý chào đón chúng trong vòng tay rộng mở. 

Để thực hiện chiến dịch, trẻ em mồ côi được tập hợp từ mọi ngõ ngách, vùng miền thuộc miền Nam Việt Nam.

Mặc dù chiến dịch không vận trẻ em được thiết kế để trợ giúp trẻ em mồ côi, nhưng thực tế nhiều em trong số đó đã được chuyển đi khi bố mẹ đang còn sống. Có thể nỗi sợ chết chóc, bị trả thù và những lo lắng khác đã khiến những phụ huynh này giao con cái của họ cho quân đội Mỹ để chuyển chúng đến những vùng đất xa xôi.

Ngày 4-4-1975, chuyến bay đầu tiên của "Chiến dịch không vận trẻ em" đã cất cánh. Tuy nhiên, định mệnh dường như không cho phép những đứa trẻ trên chuyến bay đó đến được nơi an toàn. Thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này, nhiều máy bay của quân đội Mỹ đang ở miền Nam Việt Nam và cũng cần được chuyển đi, do đó đám trẻ mồ côi được đưa lên những chiếc máy bay vận tải của quân đội C-5 Galaxy và C-141 Starlifter. 

Ngay trong chuyến bay đầu tiên, 12 phút sau khi cất cánh, thì chiếc C-5 Galaxy đã gặp nạn và bị nổ. Phần thân dưới của máy bay bị xé toạc, còn khoang tải không khóa lại được, cửa bị mở và máy bay nhanh chóng bị giảm áp trong khoang. Sau vài phút, chiếc C5 bị giật mạnh trong không trung, các sợi cáp bị đứt tung, điều khiển cánh cũng như một nửa hệ thống thủy lực không hoạt động và phi hành đoàn đã mất quyền kiểm soát chuyến bay. 

Trong nỗ lực tuyệt vọng, phi hành đoàn đã cố gắng dành lại sự kiểm soát càng nhiều càng tốt, và đã nhanh chóng hạ độ cao xuống 4.000 feet (khoảng 1.219 m) và quay đầu máy bay về phía đường băng. Chiếc máy bay ở tình trạng sắp vỡ tung hướng về mặt đất. 

Phi hành đoàn tiếp tục điều khiển cho máy bay tiếp đất theo góc nhẹ nhàng nhất có thể, hướng tới một cánh đồng lúa gần sân bay. Sau khi trượt đi một phần tư dặm, chiếc C-5 lại nảy lên không trung, đâm vào một con đê, vỡ tung thành nhiều mảnh và bốc cháy. 78 trẻ em đã thiệt mạng, cùng với 35 người khác thuộc Phái bộ quân sự Mỹ ở Sài Gòn.

Mặc dù đã có nhiều trẻ em được sơ tán trong chiến dịch không vận này, song không phải tất cả mọi người đều tin đây là lựa chọn sáng suốt trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Khởi đầu không suôn sẻ với chuyến bay định mệnh đầu tiên khiến chiến dịch không vận trẻ em vấp phải sự chỉ trích từ nhiều người Mỹ. Liệu đó có phải là chiến dịch được tiến hành bởi những lý do đúng đắn, theo một cách đúng đắn? Nhiều tờ báo trên toàn nước Mỹ chạy những tiêu đề cho rằng "Chiến dịch không vận trẻ em" là một hành động tàn bạo được thực hiện trong sự tuyệt vọng.

Người Mỹ tỏ ra nghi ngờ về những động cơ chính trị đằng sau chiến dịch: Tại sao Chính phủ Mỹ lại tin rằng sẽ tốt hơn cho những đứa trẻ Việt Nam khi ở một quốc gia mới, bị tước bỏ khỏi Tổ quốc và cha mẹ của mình? Một trong những điểm gây tranh cãi nhất là việc trên thực tế rất nhiều đứa trẻ trong chiến dịch không vận này không phải là trẻ mồ côi. Những người phản đối cho rằng việc cưỡng ép những đứa trẻ đến các gia đình mới, những ngôi nhà mới là trái với nguyên tắc đạo đức. 

Theo đánh giá của nhiều người Mỹ, "Chiến dịch không vận trẻ em" là một nỗ lực tước bỏ những đứa trẻ Việt ra khỏi cộng đồng, nền văn hóa và gia đình của mình. Có người biện hộ rằng Chính phủ Mỹ đã hành động trong sợ hãi; vì Tổng thống G. Ford và các cố vấn của ông sợ rằng trẻ em miền Nam Việt Nam sẽ bị người miền Bắc và Việt Cộng đối xử tệ hại, và rằng họ đang cố cứu những mảnh đời vô tội!

Chuyến bay cuối cùng của "Chiến dịch không vận trẻ em" cất cánh từ miền Nam Việt Nam ngày 26-4-1975. Trong vòng ba tuần, khoảng 3.300 trẻ sơ sinh và trẻ em đã được không vận ra khỏi Tổ quốc của mình. Chúng được đưa đến một đất nước mới, có thể là Mỹ hoặc một quốc gia khác, và được nhận làm con nuôi trong những gia đình mới. Tuy nhiên, nhiều người trong số này chưa bao giờ quên nguồn gốc Việt của mình. 

Trên thực tế, trong những năm sau chiến dịch và sau cuộc chiến ở Việt Nam, những đứa trẻ, dù sống trong những gia đình mới, những căn nhà mới ở nhiều quốc gia khác nhau, đã cố gắng tìm cách liên lạc với bố mẹ đẻ và gia đình mà họ bỏ lại đằng sau. Mặc dù đó là một quá trình lâu dài, khó khăn và đầy cảm xúc, nhiều đứa trẻ, bây giờ là người lớn, đã tìm đường trở lại Việt Nam, và khám phá gia đình của mình, gia đình mà họ có rất ít thời gian cùng chung sống”.

Điều H. Fishel viết trên đây thể hiện rất rõ trong bộ phim do nữ phóng viên C. Turner - người Australia gốc Việt đã bị đem ra nước ngoài trong chiến dịch này. Sau khi gặp F. Smith (Trưởng phòng Phân tích tình báo CIA ở Sài Gòn, là người trực tiếp thực hiện chiến dịch), C. Turner vừa khóc vừa bình luận: “Những gì ông nói thật sự làm vỡ tan niềm tin của tôi bấy lâu. Tôi cứ tưởng mục đích chiến dịch babylift là vì sự tốt lành cho các em sơ sinh, là chiến dịch nhân đạo...”!

Hà Thi (giới thiệu và dịch)
.
.
.