Những babylift và hành trình “trở về quê hương hoà hợp và thống nhất”

Thứ Ba, 21/06/2005, 14:30

14h ngày 15/6/2005 là giờ khắc thiêng liêng đánh dấu cuộc trở về đặc biệt của những đứa trẻ xa quê hương khi còn quá nhỏ và nay đã trở thành người lớn đủ nhận thức đây là chuyến trở về nguồn cội thiêng liêng của mình.

Nếu quen với cách gọi thông thường và đầy đủ của cách đây 30 năm, họ là những đứa trẻ mồ côi được đưa ra nước ngoài vào tháng 4/1975, được gọi là babylift. Lúc đó, có đến 2.547 trẻ em gốc Việt được đưa khỏi miền Nam Việt Nam, trong đó có 1.945 em đến Mỹ. Những đứa trẻ ấy lần lượt được các gia đình ở Mỹ nhận làm con nuôi, một vài trẻ có cha mẹ nuôi là người Việt.

Cách đây vài năm, một vài babylift đã về Việt Nam với mục đích du lịch và cũng là bày tỏ mong muốn tìm lại người thân. Khoảng thời gian đó cũng là lúc Hãng Hàng không World Airways đang tìm cách liên lạc với những babylift mà họ đã đưa đi chuyến đầu tiên 30 năm trước. Họ đã tìm được 21 người và bắt đầu thực hiện chuyến bay đưa họ về Việt Nam.

Lần này, 21 babylift đều đã ở tuổi trên dưới 30, bên cạnh họ là những ông bố, bà mẹ nuôi. Họ cùng khóc với những đứa con của mình khi họ bước xuống máy bay, đến thăm cô nhi viện, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi... Không ít bà mẹ liên tục lấy khăn chùi nước mắt cho những cô con gái, những ông bố thì nhẹ nhàng khoác vai các cậu con trai...

Niềm vui của các babylift khi được "về nhà".

10h ngày 16/6, họ đặt chân đến Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Thị Nghè trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. Một cô gái vội vã tách đoàn chạy thẳng vào văn phòng trung tâm. Cô gái đứng sững một hồi lâu nhìn xơ Lê Thị Thành, nguyên Giám đốc của trung tâm, rồi chạy đến ôm chầm lấy bà khóc nức nở. Cứ thế, hai người ôm nhau khóc, cô gái không thể nói được lời nào nhưng qua cách cô ôm chầm lấy xơ Thành có thể đoán cô chính là đứa trẻ ra đi từ “chiếc nôi” này.

Thật ra không phải mãi đến giờ những babylift này mới có dịp về Việt Nam mà có nhiều người đã trở về với mục đích du lịch và thậm chí làm việc ở đây. Điều bất ngờ này đã được anh Nguyễn Duy Khanh, 30 tuổi, và người vợ Việt Nam mới cưới  của anh thổ lộ. Khanh không rành tiếng Việt lắm, thỉnh thoảng, Ly Kha, vợ anh phải diễn giải giúp.

Năm 2000, Khanh đi theo tour du lịch đến Việt Nam. Sau 3 tuần đi thăm thú khắp nơi, cũng là dịp để tìm hiểu về đất nước mà khi ở Mỹ anh chỉ biết qua sách vở. Trở về Mỹ, nỗi nhớ Việt Nam bắt đầu thôi thúc khiến Khanh quyết định trở về Việt Nam một lần nữa. Và lần này, anh đã ở lại, đi dạy ngoại ngữ tại một trung tâm trên đường Lê Thánh Tôn.

Đến nay đã 2 năm, Khanh cưới vợ, vợ đang có thai và Khanh bảo: “Có lẽ là mình sẽ về sống hẳn ở Việt Nam”. Bố mẹ nuôi anh đều là người Mỹ nhưng họ rất tôn trọng anh. Anh thường nghe họ  nói nhiều về Việt Nam để anh hình dung và hiểu rõ nguồn gốc của mình. Vì vậy, chuyện anh về đây sống họ rất ủng hộ. Khanh xòe bảy ngón tay, bảo không chỉ mình anh mà hiện đang có 7 người có hoàn cảnh giống anh đang vừa làm vừa học ở Tp. HCM.

Các cô gái, chàng trai lần lượt giới thiệu tên với chúng tôi với một niềm vui sướng lộ rõ trên khuôn mặt. Những cái tên không hề che giấu gốc tích nửa Việt, nửa Mỹ như Jaclyn Nhã Danh, Jason Thọ Triệu, Thạnh J. Gahr, Kim Berly Louie... Trong số họ, có 6 người nói được tiếng Việt, một vài người biết về Việt Nam và cũng có người chưa biết gì. Thạnh sang Mỹ lúc 12 tuổi, do bố mẹ nuôi là người Mỹ nên anh không nhớ tiếng mẹ đẻ. Muốn học lại tiếng của mình, anh đã làm quen và giao tiếp với cộng đồng người Việt. Khi lập gia đình, anh cũng đặt tên Việt Nam và dạy con nói tiếng Việt để luôn nhớ về cội nguồn...

Những mong muốn này đã được lãnh đạo UBND TP HCM hứa hẹn ngay trong buổi đón tiếp tại sân bay rằng sẽ tạo mọi điều kiện để tất cả những ai có tấm lòng trở  về đóng góp cho quê hương. Cánh cửa đã mở rộng sẳn sàng chào đón những babylift xa quê trở về. Trong hai ngày ở lại Tp. HCM, họ đã đi, nghe, tiếp xúc với nhiều người Việt Nam  và thấy những đổi thay, điều mới lạ ở quê hương.

Trong đoàn có một babylift nam mà tôi chưa kịp hỏi tên, anh đi đâu cũng xách theo túi, bên trong là bộ quần áo cũ mặc trên người lúc lên máy bay. Gần 30 năm, anh cất giữ cẩn thận bên mình như báu vật. Cái cách anh nâng niu bộ quần áo ấy đã đủ nói lên tình cảm anh dành cho nơi mình đã cất tiếng khóc chào đời…

Hạnh Chi
.
.
.