Chiến binh nhí liều chết - thủ đoạn tàn bạo của khủng bố

Thứ Tư, 24/06/2015, 11:38
Vụ đánh bom liều chết xảy ra chiều 22/6 tại thành phố Maiduguri, phía Đông Bắc Nigeria một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo mới về sự tàn bạo của các nhóm khủng bố cực đoan, nhất là việc chúng sử dụng trẻ em vào mục đích của mình.

Báo cáo của Liên hợp quốc hồi đầu tháng 6 cũng khẳng định, nhiều tổ chức khủng bố cực đoan đang nhồi nhét vào đầu giới trẻ những tư tưởng xấu để đảm bảo sự trung thành lâu dài từ các em và tạo ra những đội quân chiến binh coi bạo lực như một yếu tố không thể thiếu của cuộc sống.

Những trò tẩy não

Theo tin từ hãng BBC, vụ đánh bom liều chết hôm 22/6 đã làm ít nhất 30 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Quả bom được giấu trong người một bé gái tầm 14 tuổi và được kích nổ bằng một chiếc điện thoại di động. Kinh hoàng hơn là sau khi quả bom này phát nổ tại một khu vực gần nhà thờ, nơi có đông tín đồ cầu nguyện trong tháng lễ ăn chay Ramadan, những kẻ khủng bố lại tiếp tục kích hoạt từ xa quả bom được gắn vào một bé gái thứ hai đứng gần đó mặc dù em đang hoảng loạn chạy trốn.

“Đây là một hành động man rợ, tàn bạo không thể chấp nhận được”, đại diện chính phủ Nigeria đã khẳng định như vậy trong cuộc họp báo cùng ngày. Đồng thời, ông này cũng cho biết, từ đầu tháng đến nay, Boko Haram đã thực hiện 4 vụ đánh bom liều chết như vậy mà vụ nào cũng sử dụng bé gái để gài bom. 

Tổ chức Cứu trợ trẻ em thế giới (Save the children) trong một báo cáo được công bố hôm 20/6 cũng nhấn mạnh, trẻ em trong tay các tổ chức khủng bố cực đoan như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay Boko Haram không chỉ bị biến thành công cụ trên chiến trường, con tốt thí trong các cuộc đánh bom liều chết mà còn là lá chắn sống hay bình máu di động, sẵn sàng phục vụ chúng khi cần. 

Thống kê cho thấy, 60% trẻ em tham gia các hoạt động vũ trang là trẻ em bị bắt cóc hoặc ép buộc gia nhập. Số còn lại do bố mẹ tự nguyện gửi hoặc tự tìm đường gia nhập các nhóm vũ trang cực đoan bất chấp sự phản đối của gia đình và bạn bè. Số này thường là các em bị cô lập với sự phát triển cả về văn hóa và giáo dục, bị kỳ thị, là nạn nhân của ngược đãi ngay trong thời bình và tiếp tục đối mặt với nhiều thử thách khó khăn.

Trong khi đó, Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) Zeid Raad al Hussein cho hay, việc Boko Haram sử dụng trẻ em cho hành vi chết chóc này chỉ bị phát hiện vào đầu năm sau khi báo chí đưa tin về một bé gái mới 10 tuổi bị bom quấn quanh người và phát nổ ở thành phố Maiduguri, phía Đông Bắc Nigeria làm ít nhất 19 người thiệt mạng. 

Từ đây, các tổ chức nhân quyền trên thế giới mới mở các cuộc điều tra riêng rẽ và phát hiện ra rằng, trong các cuộc tấn công trường học ở Nigeria hồi năm ngoái, Boko Haram đã bắt cóc rất nhiều em nhỏ, tẩy não chúng và sử dụng chúng như một loại vũ khí mới. 

Từ hồi cuối năm ngoái, Boko Haram đã bắt cóc rất nhiều em nhỏ, tẩy não chúng và sử dụng chúng như một loại vũ khí mới.Ảnh: osbcng.org.

Báo cáo của LHQ hồi đó cũng trích dẫn lời khai của hơn 25 kẻ đánh bom cảm tử không thành tuổi dưới 17 đã bị giam trong các nhà tù thanh thiếu niên ở Afghanistan. Chúng đã kể rằng những người bảo trợ cho chúng đã trao một tấm bùa hộ mệnh chứa những câu trong kinh Koran mà người ta nói là sẽ bảo vệ chúng trong các vụ nổ và chúng sẽ trở thành anh hùng, cha mẹ chúng cũng được đảm bảo một chỗ trên thiên đường.

Nhưng có lẽ kinh hoàng nhất vẫn là những “chiến binh nhí” dưới trướng của IS. Theo tin từ tờ Telegraph, tại những vùng mà IS kiểm soát ở Iraq và Syria, trẻ em dù còn rất nhỏ nhưng đã bị tổ chức này tẩy não và huấn luyện thành những chiến binh sẵn sàng tấn công liều chết nhằm vào kẻ thù. 

Tại thành phố Raqqa (Syria), nơi IS đang kiểm soát, IS còn ép cha mẹ từ bỏ quyền nuôi con, dùng họ hàng lôi kéo và dụ dỗ các bé gia nhập đội quân nhí. Thậm chí, đối với những ông bố bà mẹ “cứng đầu”, chúng sẵn sàng bắn chết họ, biến con cái trong những gia đình đó thành trẻ mồ côi để dễ dàng nhồi nhét vào đầu óc chúng những lý thuyết về thánh chiến và kẻ thù phương Tây.

Và nỗi lo về đội quân khủng bố nhí

Một số báo cáo mới đây được chuyển lên LHQ cho hay, hiện thế giới có hàng chục ngàn chiến binh trẻ em dưới 18 tuổi, trải dài từ Nam Mỹ, châu Phi đến châu Á. Từ năm ngoái, IS và Boko Haram đã tuyên bố thực hiện chiến dịch mang tên Kony – tên một tội phạm nguy hiểm bậc nhất ở châu Phi. Joseph Kony từng bị phát hiện bắt cóc hơn 30.000 trẻ em ở phía Bắc Uganda về làm lính cho đội quân của mình và bắt các em thực hiện những hành động tàn ác, thậm chí giết chết cả cha mẹ của mình. 

Nay, tại các trại huấn luyện của IS và Boko Haram, lũ trẻ mới lớn này cũng được cho xem những đoạn băng chặt đầu, đóng đinh, ném đá vào nạn nhân hay tấn công liều chết. Sau khi trải qua quá trình huấn luyện ít nhất là 3 tháng, các chiến binh nhí này được mang súng đứng ở các trạm kiểm soát. Chưa hết, các chiến binh nhí mới tốt nghiệp này còn được giao cả nhiệm vụ canh gác trụ sở, làm gián điệp, theo dõi chính hàng xóm của mình và tham gia thực hành trong các cuộc hành quyết tù nhân…

Tình báo Mỹ xác nhận là từ đầu năm 2012 đến nay, IS và Boko Haram có khoảng 50 trại huấn luyện chiến binh và một nửa trong số đó là dành cho chiến binh nhí. Bên cạnh đó, đối với các chiến binh ở châu Á, bọn chúng còn có Học viện Abudllah Azzam. (Abudllah Azzam là tên của một nhà tư tưởng cực đoan từng là thầy dạy của trùm khủng bố Osama Bin Laden) được thành lập từ đầu năm 2014 với sự tham gia của 500 tay súng Đông Nam Á, bao gồm những người Hồi giáo đến từ miền Nam Thái Lan, người Hồi giáo Indonesia và Malaysia. 

Trên đất châu Âu, IS cũng đã bí mật thành lập một trại huấn luyện cho trẻ em dưới 10 tuổi ở Anh. Thông điệp mà các nhóm khủng bố này muốn gửi đến thế giới chính là việc đào tạo trẻ em thành những chiến binh thánh chiến nhí. 

Abu Irahim al-Raqqawi, sáng lập viên của tổ chức “Raqqa đang bị giết chết trong im lặng” (tổ chức chống lại IS ở Syria) nói: “IS lợi dụng đưa trẻ em vào cuộc chiến và gọi chúng là “những đứa con của Caliphate”. Đó là vấn đề thế hệ. IS đang huấn luyện hàng trăm ngàn trẻ em tham gia chiến đấu ở khắp nơi trên thế giới. Việc này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến khu vực Trung Đông mà là trên toàn thế giới. Nó có thể diễn ra 20-30 năm nữa và đó là một quá trình cực kỳ nguy hiểm”.

Ngọc Khuê
.
.
.