Châu Âu “phân cực” vì vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc

Chủ Nhật, 25/03/2018, 09:21
Sự chia rẽ trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) đã được thể hiện rõ trong vụ cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại thành phố Salisbury của Anh.

Phát biểu hôm 23-3 (giờ địa phương) tại cuộc họp báo diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết, EU vừa quyết định triệu Đại sứ tại Moscow, và coi đây là động thái “chưa từng có tiền lệ”. 

“Chúng tôi quyết định triệu Đại sứ Liên minh châu Âu tại Moscow. Đầu tiên là để phỏng vấn ông về kết quả diễn biến các cuộc thảo luận chúng ta đã có và thứ hai để nghe ông ấy giải thích về những gì đang diễn ra ở Nga. Đây là một quyết định bất thường. Chúng tôi chưa bao giờ làm vậy trước đây”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói. 

Lãnh đạo các nước EU tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, Bỉ hôm 23-3. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel diễn ra cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ, Paris và Berlin nhìn nhận vụ tấn công này như “một thách thức nghiêm trọng với an ninh và là một đòn tấn công nhằm vào chủ quyền châu Âu”. 

Nhà lãnh đạo Pháp cũng kêu gọi EU và các quốc gia thành viên kiên định trong cách phản ứng với vấn đề.

“Rõ ràng, những gì đã xảy ra ở Anh là chưa từng có tiền lệ và là một sự vi phạm an ninh và chủ quyền của một quốc gia đồng minh của chúng ta. Điều này đòi hỏi phản ứng của chúng ta. Đây không phải là lựa chọn của chúng ta mà là quyết định chung của chúng ta. Như Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói, chúng ta sẽ thông báo các biện pháp trả đũa. Những biện pháp cụ thể là gì thì chúng tôi sẽ thông báo sau”, Tổng thống Macron nói. 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thì cho biết, EU đang cân nhắc áp đặt thêm một số biện pháp khác từ ngày 26-3 tới. Song ông cũng thừa nhận hiện EU vẫn còn chia rẽ về các biện pháp với Nga.

Về phía Nga, cũng trong ngày 23-3, Chính phủ nước này đã chỉ trích việc Anh vận động các nước thành viên EU ủng hộ quan điểm của London liên quan vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái bị đầu độc. 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, Chính phủ Anh “đang ráo riết thuyết phục các đồng minh có những bước đi mang tính đối đầu”. 

Theo ông, London đang tập trung khiến cuộc khủng hoảng với Moscow trở nên tồi tệ hơn sau vụ đầu độc. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga một lần nữa nhấn mạnh cho đến nay Anh vẫn chưa cung cấp bất kỳ bằng chứng xác thực nào cho thấy mối liên hệ giữa Moscow và vụ việc trên. 

Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Konstantin Kosachev cùng ngày tuyên bố, châu Âu đang giải quyết những vấn đề nội bộ của mình bằng cách làm xấu quan hệ với Nga. 

Ông Kosachev kết luận tất cả những hành động chống Nga đều nhằm mục đích thực sự là giải quyết những vấn đề nội bộ như đánh lạc hướng dư luận về chi phí của Anh rút khỏi Liên minh châu Âu, tăng ngân sách quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chính sách kinh tế sụp đổ… 

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố về quyết định nói trên của EU, gọi đây là quyết định “hùa theo” chiến dịch chống Nga do Anh khởi xướng liên quan đến vụ đầu độc nói trên. 

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định EU đã “hùa theo” chiến dịch chống Nga mà Anh và các đồng minh khởi xướng nhằm mục đích tạo thêm cản trở trên con đường bình thường hóa tình hình tại châu Âu. Moscow lấy làm tiếc về quyết định của EU thể hiện cáo buộc không có bằng chứng đối với Nga. 

Còn theo Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, các quyết định trên được đưa ra dựa trên những giả thuyết xung quanh vụ việc trên mà không có bằng chứng rõ ràng.

Vụ việc tại Salisbury khiến quan hệ giữa Anh và Nga rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ việc này, trong khi Nga kiên quyết bác bỏ.

Mặc dù không đưa ra được bằng chứng, Anh đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga. Đáp lại Nga cũng đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh. 

Nhận định về những cáo buộc của Anh nhằm vào Nga, nhà phân tích chính trị người Nga Andranik Migranyan cho rằng, cựu điệp viên Skripal có thể bị Anh và Mỹ lợi dụng để “bôi xấu thêm” danh tiếng của Tổng thống Nga Vladimir và gia tăng đáng kể áp lực đối với Moscow ở thời điểm diễn ra cuộc bầu cử quan trọng của Nga. 

“Không thể can thiệp vào chính trị nội bộ của Nga cũng như tiến trình bầu cử vì hầu hết các điệp viên nước ngoài đều bị đặt trong tầm giám sát của Nga", ông Migranyan nói. 

Trong khi đó, ông Vladimir Ermakov, Người đứng đầu Cơ quan quản lý về vấn đề không phổ biến và kiểm soát vũ khí (DNKV) thuộc Bộ Quốc phòng Nga, bày tỏ lo ngại về việc London không sẵn lòng để đại diện lãnh sự Nga được tiếp cận con gái Skripal là vi phạm luật quốc tế. Nga cũng đã đề nghị giới chức Anh cung cấp mọi thông tin liên quan đến vụ việc, nhưng Nga vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin gì.

Khổng Hà (tổng hợp)­
.
.
.