Angela Merkel: Nữ tướng trị vì "biết mình biết ta”

Thứ Ba, 30/10/2018, 16:33

Michael Glos, cựu Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ của Đức, đồng thời là Phó Chủ tịch đầu tiên của CDU/CSU từng nhận xét về bà Angela Merkel như thế này: “Bà ấy biết thời điểm tốt nhất để bắn một con gà trống là khi nó ve vãn gà mái. Bằng sự kiên nhẫn của một thiên thần, bà ấy đợi đến khoảnh khắc của mình”.  

Truyền thông Đức hôm 29-10 đưa tin, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố sẽ chỉ làm tròn cương vị của mình cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2021, đồng thời khẳng định sẽ không tái tranh cử, cũng như không tranh ghế chủ tịch đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh đảng CDU do bà đứng đầu đã thất bại “đau đớn” trong cuộc bầu cử nghị viện bang Hessen hôm 28-10 chỉ với 27,6% tỉ lệ ủng hộ,  giảm 10,7% so với kết quả bầu cử năm 2013 là 38,3%. 

Tổng thống Đức Wolfgang Schäuble nhận định, các tuyên bố mà bà Merkel đưa ra đều vì một nước Đức với những "thay đổi kiến tạo". 

Đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đảng kết nghĩa với CDU cũng chịu thất bại trong cuộc bầu cử hôm 14-10 tại bang Bayern. Hồi đầu năm, bà Merkel đã phải chật vật với cuộc khủng hoảng thành lập chính phủ trong suốt một thời gian dài.

Như ông Michael Glos nhận xét, bà Merkel với tố chất và sự kiên nhẫn của mình đã chèo lái nước Đức đạt được biết bao thành quả trong gần 13 năm cầm quyền, đóng góp vào sự ổn định và phát triển cho Liên minh châu Âu (EU).

Nhiều người dân Đức hay những người hâm mộ bà trên thế giới có thể sẽ tiếc nuối vì lần này “nữ tướng” của họ không đợi đến khoảnh khắc đắc cử nhiệm kỳ kế tiếp. Nhưng có lẽ, là một người “biết mình biết ta”, bà sẽ đợi tới khoảnh khắc nước Đức tăng tốc hơn với những "thay đổi kiến tạo" và mới mẻ từ những người kế nhiệm.

Trước đó, kể từ năm 2005 khi đắc cử ghế Thủ tướng, bà Merkel đã 12 lần được tạp chí Forbes bầu chọn là người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh. Dưới đây là một số thành tựu mang đậm dấu ấn của bà Merkel, lý giải vì sao vị tiễn sĩ về hóa học lượng tử lại "quyền năng" đến vậy. 

Tỉ lệ thất nghiệp giảm kỉ lục của nước Đức thể hiện một nền kinh tế bền vững dưới sự "trị vì" của bà Merkel. 

Thứ nhất, tỉ lệ thất nghiệp ở Đức giảm một nửa, xuống mức kỷ lục. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tính đến hết quý II-2018, tỉ lệ thất nghiệp của người dân Đức là 3,5%, mức thấp kỷ lục kể từ năm 1989 khi Bức tường Berlin sụp đổ, hai miền Đông và Tây nước Đức thống nhất. Rõ ràng, đây là một trong những thành tựu lớn nhất mà Thủ tướng Angela Merkel đạt được. 

Sở dĩ gọi đây là một thành tựu là bởi vì trong bối cảnh toàn cầu hóa, các doanh nghiệp và người lao động trong nước phải cạnh tranh với các tập đoàn đầu tư lớn từ nước ngoài, nước Đức vẫn duy trì được tự do thương mại, không lâm vào tình trạng bảo hộ. 

Đặc biệt, tỉ lệ này biểu trưng cho một nền kinh tế khởi sắc. Trong khi hầu hết các lãnh đạo châu Âu những năm gần đây phải đối mặt với khủng hoàng tài chính, thì bà Merkel đã khéo léo chống lại các cuộc suy thoái bằng việc tung ra các gói kích cầu về kinh tế, đồng thời rút ngắn thời gian làm việc của người dân. Nhờ đó, người lao động làm việc ít hơn nhưng thu nhập của họ lại tăng. 

Bà Merkel từng bước chuyển đổi nền công nghiệp năng lượng của nước Đức. 

Thứ hai là cuộc cách mạng về năng lượng. Sau khi thảm họa rò rỉ phóng xạ hạt nhân tại Fukushima (Nhật Bản) năm 2011, bà Merkel đã bất ngờ thông báo sẽ đóng cửa tám lò phản ứng hạt nhân của Đức trước năm 2025 và đưa ra một lộ trình chuyển đổi dài hạn sang các nguồn năng lượng thay thế. Quyết định của bà Merkel không những được cho là vì người dân Đức, mà còn thúc đẩy các quốc gia khác thực hiện cải cách năng lượng, trong một nỗ lực để giải quyết sự nóng lên toàn cầu. 

Nhờ các khoản trợ cấp của chính phủ, hàng triệu người dân Đức đã lắp pin mặt trời trên mái nhà với số lượng nhiều hơn phần còn lại của cả thế giới. Thay cho 20 nhà máy điện đốt than, Đức đã sử dụng năng lượng được sản xuất từ hơn 1 triệu tấm thu năng lượng mặt trời đặt trên các tòa nhà và dọc theo các xa lộ, bổ sung thêm 30 TW/h vào mạng lưới điện của nước này.

Khoảng 25% nguồn năng lượng của Đức được sản xuất từ các nguồn tái tạo như gió, mặt trời, và năng lượng sinh khối, đạt tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia công nghiệp hùng mạnh. Các nhà khoa học Đức tự tin rằng, nhân loại hoàn toàn có thể tự cứu mình bằng các nỗ lực tăng thị phần của nguồn năng lượng tái sinh lên 100% vào năm 2050.

Từ quan điểm công nghệ thuần túy, nước Đức – nền kinh tế công nghiệp lớn thứ tư của thế giới, với dân số 80 triệu người, đã có cuộc chuyển đổi năng lượng thành công ngoạn mục cùng với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, để hướng đến việc xóa bỏ năng lượng hạt nhân và sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Bà Merkel là người tiên phong trong việc nối lại quan hệ với Nga. 

Thứ ba, về đối ngoại, trong khi Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt và tạo thế "căng như dây đàn" trong mối quan hệ với Nga, thì Thủ tướng Merkel khẳng định sẽ tăng cường thúc đẩy quan hệ với Moscow, tiến tới bước đột phá như trước khi trừng phạt Nga về vấn đề Crimea. 

Cụ thể, gần đây nhất là dự án đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc 2" (Nord Stream 2). Phớt lờ sự chỉ trích từ phía Mỹ rằng thay vì thực hiện nghĩa vụ tài chính với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thì bà Merkel lại ủng hộ dự án từ phía Nga, phía Đức lên tiếng khẳng định quyết định về Nord Stream 2 của nước  này là hoàn toàn hợp lý.

Trước đó, bà Merkel đã công khai cho thấy nỗ lực xích lại gần Nga nhằm tìm kiếm hòa bình ở Syria, với mục đích giúp EU giảm bớt gánh nặng người di cư. Bà cũng là người trực tiếp nối lại đàm phán với Nga và là người đã tới Moscow nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức.

Cuối cùng, Thủ tướng Đức là người không chỉ trích EU dù đã từng mạo hiểm dùng ngân sách Đức để cứu lấy đồng tiền chung Euro. Bà luôn coi EU là một trụ cột của hòa bình và thịnh vượng. Với những sáng kiến về quân sự hay hội nhập châu Âu tới từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bà luôn là người ủng hộ nhưng cũng không quên nhắc nhở "người mới" thận trọng trong từng bước đi. 

Có thể nói, Angela Merkel tạo ra rất nhiều di sản mang thương hiệu riêng của bà đối với nước Đức, EU và thế giới. Giới chuyên gia nhận định, việc bà Merkel sẽ không tái tranh cử sẽ là dấu hỏi lớn cho sự ổn định và liên kết của châu Âu trong tương lai, trong bối cảnh Mỹ vừa tuyên bố rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, vốn được coi là "bia bảo hộ" của lục địa già. 

Linh Đan
.
.
.