Nghẹn lòng chứng kiến trẻ em vùng cao vượt rừng thẳm, núi cao nuôi giấc mơ con chữ

Thứ Bảy, 26/09/2015, 09:18
Nhiều năm qua, hơn 100 học sinh ở thôn H’mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk vẫn đều đặn băng rừng, lội suối đến trường trong đêm với một chiếc đèn pin nhỏ cùng chiếc xe đạp cũ kỹ… để nuôi giấc mơ con chữ.

Hành trình tới trường của những học sinh nơi đây phải băng qua những con đường mòn nằm lọt thỏm giữa rừng và lội qua nhiều con suối. Những khi trời nắng, đường khô các em di chuyển còn khá dễ dàng. Còn khi trời mưa nước các con suối dâng cao, đường trở nên lầy lội, trơn trượt và nguy hiểm gấp bội. 


Em Lù Thị Nguyệt (lớp 4D, Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi) cho biết, sáng nào em và các bạn đều phải thức dậy từ 3h sáng để đến trường. Nhiều hôm trời mưa đường lầy lội, trơn trượt còn phải thức dậy sớm hơn vì việc đi lại rất khó khăn. 

Các em học sinh lội suối tới trường.
Theo ông Hoàng Văn Páo, Trưởng thôn H’Mông cho biết: “Thôn được thành lập cách đây 15 năm khi những hộ đồng bào người Mông, Dao từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tự do vào. Tất cả các gia đình tại thôn đều chưa có hộ khẩu, đường giao thông, mạng lưới điện chưa được đầu tư.

Vượt qua quãng đường lầy lội.

Có thể nói thôn H’Mông gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài”. Cũng theo ông Páo, hiện có khoảng 150 học sinh tiểu học và THCS trong thôn hằng ngày phải băng rừng, lội suối để đến các điểm trường. Trong đó học sinh đi học gần nhất là 4km và xa nhất là hơn 17km.
  
Lội qua suối.

Còn theo ông Trương Văn Chỉ, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, huyện đã xây dựng một khu tái định cư cách đó 7km nhưng vì phong tục tập quán nên bà con thôn H’Mông chưa chịu di dời. Chính vì vậy việc tới trường trở nên khó khăn.

Vượt qua quãng đường khó khăn.

“Trong khi chờ vận động người dân thì huyện tạm thời vẫn duy trì các lớp học tại điểm trường thôn H’Mông trong rừng để dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc. Sau khi xây dựng xong cơ sở hạ tầng khu tái định cư nếu hộ dân nào không di dời, huyện sẽ báo cáo lên UBND tỉnh và Trung ương để trả họ về địa phương cũ”, ông Chỉ cho hay.

Đển đến học đúng giờ, các em phải đi từ mờ sáng.
Văn Thành
.
.
.