Bước tiến quan trọng trong xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử

Thứ Năm, 25/02/2021, 19:24
Như CAND online đã đưa tin, chiều 25/2, Bộ Công an tổ chức trọng thể Lễ khai trương Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân tại điểm cầu Hà Nội và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến dự lễ khai trương, Thủ tướng Chính Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng, Báo CAND trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu. Tít bài do Tòa soạn đặt.


Hôm nay, trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân, chúng ta rất vui mừng đến dự Lễ khai trương Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Việc hoàn thành xây dựng hai hệ thống này thể hiện quyết tâm lớn lao, sự nỗ lực mạnh mẽ của cả Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện Luật căn cước công dân, Luật cư trú, Luật hộ tịch, đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp và cũng là kết quả thiết thực, công trình quan trọng chào mừng thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Quán triệt các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, trong thời gian qua, việc xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Thể chế chính sách và hệ thống nền tảng cho Chính phủ điện tử đã được quan tâm xây dựng; một số hệ thống lớn đã được tập trung thiết lập, đưa vào vận hành và đạt được kết quả bước đầu khả quan, bắt kịp những thay đổi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như các nền tảng do Bộ TT&TT, VPCP xây dựng trước đây và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân được khai trương hôm nay.

Sự kiện tổ chức khai trương hai hệ thống quan trọng này là kết quả của những nỗ lực to lớn của Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan; trong đó có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của đ/c Bộ trưởng Tô Lâm và các đ/c lãnh đạo Bộ Công an trong việc tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hệ thống. Có thể nói sau gần 10 năm kiên trì thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và quản lý dân cư, nhất là trong gần 2 năm gần đây, các đ/c đã hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, kỷ luật kỷ cương để quyết tâm triển khai các dự án này.

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ Công an đã quyết liệt chỉ đạo triển khai xây dựng dự án với thời gian thực hiện tính theo tiến độ từng ngày. Trong điều kiện khó khăn do tác động của dịch Covid-19, các cán bộ, chiến sỹ Công an từ TƯ tới cơ sở đã làm việc không quản ngày đêm để thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư. Đến nay, đã thu thập, chuẩn hóa dữ liệu của hơn 90 triệu dân (92% dân số), kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia và sẵn sàng đi vào hoạt động, bảo đảm các tiêu chí: hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí.

Đặc biệt, tôi hoan nghênh Bộ Công an đã triển khai song song, lồng ghép 2 dự án, qua đó giảm so với dự toán đã được phê duyệt khoảng 1.300 tỷ đồng mà vẫn bảo đảm hiệu quả, tiến độ đề ra. Đồng thời, đã cung cấp một số dịch vụ công thiết yếu như đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, khai báo lưu trú, đăng ký thuế lần đầu… cho người dân khai thác, sử dụng thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia.

Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân đi vào hoạt động sẽ cung cấp các thông tin cơ bản có đầy đủ tính pháp lý về công dân. Thay vì người dân, doanh nghiệp phải khai báo, nộp, chứng thực các giấy tờ khi thực hiện các giao dịch với cơ quan nhà nước thì các thông tin đó sẽ được trích xuất tự động khi thực hiện các giao dịch hoặc các cơ quan nhà nước tra cứu, khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ đó giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân. Đây cũng thể hiện quan điểm xuyên suốt của Chính phủ trong việc lấy người dân làm trung tâm, đồng thời lan tỏa, truyền cảm hứng đến người dân và toàn xã hội muốn làm, cùng làm và đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Tô Lâm và cá đại biểu dự buổi lễ.

Đặc biệt, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng các hệ thống phát triển Chính phủ điện tử, giúp thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại, thực hiện việc quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân, giúp giải quyết cơ bản vấn đề định danh, xác thực điện tử cho công dân trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, góp phần đổi mới công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Qua đó, càng khẳng định ý nghĩa quan trọng của 2 dự án này.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương trong việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân trong thời gian qua; biểu dương tinh thần trách nhiệm của rất nhiều cán bộ, chiến sỹ CAND đã làm việc ngày đêm, kể cả trong những ngày nghỉ Tết để triển khai dự án kịp tiến độ. Tôi cũng đánh giá cao sự tham gia, phối hợp tích cực của các Bộ, cơ quan như Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, VPCP, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội...

Tôi cũng đánh giá cao các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Bắc Ninh… đã tiên phong, phối hợp xây dựng, hoàn thiện và kết nối, chia sẻ dữ liệu vào hệ thống để triển khai thực hiện dự án. Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của các nhà thầu, doanh nghiệp CNTT Việt Nam, trong đó có Tập đoàn VNPT đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào xây dựng dự án.

Trong sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN là một xu thế tất yếu, tạo động lực thúc đẩy mọi hoạt động kinh tế - xã hội, hướng tới sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

Sự phát triển mạnh mẽ của kỷ nguyên số sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới, thúc đẩy thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh. Do đó, chúng ta cần đẩy nhanh nắm bắt và ứng dụng những thành tựu mới của KHCN trên tất cả các lĩnh vực, đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong quản lý nhà nước nói chung, trong quản lý dân cư nói riêng, tạo một hệ thống thông tin “công dân số” trong tất cả các ngành, lĩnh vực, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của thời đại mới.

Với tinh thần đó, việc khai trương Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân hôm nay mới chỉ là những bước đầu, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm phía trước. Vì vậy, tôi đề nghị các đ/c tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất; bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu.

- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan; đẩy nhanh quá trình kết nối với các bộ, ngành, địa phương góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số;

- Hoàn thành, mở rộng việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia để chia sẻ cho các bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (về xác thực thông tin người dùng, hỗ trợ cung cấp, kiểm tra thông tin công dân…). Tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quý II năm 2021.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực hiện các thủ tục liên quan đến quản lý dân cư, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Công an. Tăng cường mạnh mẽ kết nối, liên thông, tương tác và cung cấp các dịch vụ công một cách có hiệu quả giữa Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan quản lý hành chính các cấp; tổ chức chính trị, xã hội liên quan.

Thứ hai, Các bộ, ngành TƯ và các địa phương tiếp tục tích cực “đồng hành” cùng Bộ Công an trong quá trình triển khai 2 dự án, bảo đảm sự đồng bộ, kết nối trong xây dựng Chính phủ điện tử, cụ thể như sau:

- Bộ TT&TT khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử, trình Chính phủ xem xét ban hành trong quý I năm 2021 để tạo hành lang pháp lý cho vấn đề danh tính số. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để phổ cập danh tính số cho mọi người dân, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.

- Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, bảo đảm thống nhất với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xác định hộ tịch đối với các trường hợp đặc biệt.

- Các bộ, ngành bám sát tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của bộ, ngành mình; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, triển khai các ứng dụng để tích hợp vào chip điện tử trên Thẻ căn cước công dân, góp phần thực hiện quản lý ngành, lĩnh vực được phân công.

- Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an xây dựng phí, lệ phí khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm hiệu quả tái đầu tư, duy tu bảo dưỡng và khai thác dữ liệu.

- Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh làm việc trên môi trường mạng; chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, trang bị kỹ năng số cần thiết cho cán bộ, nhân viên thích ứng với môi trường mạng để vận hành, phát triển các hệ thống, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Thúc đẩy quản trị điện tử với sự trợ giúp của công nghệ thông tin nhằm tăng cường hiệu quả, chất lượng, phạm vi hoạt động của Chính phủ điện tử.

- Đẩy mạnh xây dựng thể chế, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử. Tôi đề nghị Bộ TT&TT phối hợp với VPCP khẩn trương chuẩn bị cuộc họp của UBQG về Chính phủ điện tử để sơ kết 2 năm thực hiện NQ 17 của Chính phủ trong đầu tháng 3/2021.

Thưa các đồng chí,

Lễ khai trương Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một mốc lớn, bước tiến quan trọng của chúng ta trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tạo nền tảng hình thành công dân số trên không gian mạng, giúp đổi mới quản lý dân cư theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Vì vậy, tôi tin tưởng rằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân sẽ được người dân và doanh nghiệp đón nhận, nhiệt tình hưởng ứng và ủng hộ. Chúng ta cũng tin tưởng rằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động và thực hiện Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Nhân dịp xuân mới Tân Sửu năm 2021, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, các bộ, ngành TƯ và các địa phương, cùng toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CAND của chúng ta. Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục lập được nhiều thành tích, chiến công trong năm 2021.

 

CAND
.
.
.