Việt Nam – Hungary: “Dấu mốc mới, Động lực mới, Tầm cao mới”
- Tổng Bí thư lên đường thăm chính thức Liên bang Nga và Cộng hòa Hungary
- Thủ tướng Hungary Viktor Orban tái đắc cử - thách thức lớn cho EU
- Việt Nam - Hungary tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm
Nhận lời mời của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta sẽ thăm chính thức Hungary
từ ngày 8 đến 11-9.
Chuyến thăm chính thức Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, vì đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư ta đến một nước trong khu vực Trung Đông Âu kể từ sau thời kỳ chuyển đổi thể chế ở những nước này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong chuyến thăm Việt Nam tháng 9-2017. (Ảnh: Mạnh Hùng) |
Hungary nằm giữa Trung Âu, có đường biên giới chung với các nước Ukraine, Romania, Serbia, Slovenia, Croatia, Áo, Slovakia. Diện tích 93.030 km2. Dân số: 9.919.128 người (2016). Về kinh tế, Hungary là một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế của EU trong những năm gần đây GDP năm 2017, tăng 3,9%. Dự báo GDP 2018 sẽ tăng trên 4%. Tỉ lệ lạm phát 2,8%, thất nghiệp 3,7%, đều ở mức thấp so với các nước thành viên khác trong EU: Chính phủ Hungary xác định mục tiêu duy trì tăng trưởng GDP 4%/năm, giữ nền tảng tài chính ổn định, giảm nợ công xuống dưới 60% GDP vào năm 2020), duy trì thâm hụt ngân sách thấp, thả nổi đồng ngoại tệ; giảm tỉ lệ thất nghiệp và đảm bảo việc làm.
Chính phủ Hungary chủ trương hội nhập sâu vào EU, củng cố quan hệ với các nước láng giềng và khu vực, ưu tiên ngoại giao năng lượng, bảo vệ lợi ích của cộng đồng người gốc Hungary ở các nước láng giềng, khôi phục và thúc đẩy quan hệ với các đối tác truyền thống.
Khu vực Ðông - Nam Á ngày càng giữ vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hungagy. Nhằm đa phương hóa quan hệ đối ngoại, Hungary thực thi chính sách “hướng Đông”, củng cố quan hệ với LB Nga và các nước Trung Á, Trung Đông, mở rộng “hướng Nam” bằng cách khôi phục và thúc đẩy quan hệ với các đối tác truyền thống ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.
Việt Nam và Hungary thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 3-2-1950. Nhân dân Việt Nam không quên sự ủng hộ nhiệt tình và giúp đỡ quý báu của nhân dân Hungary đã dành cho sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước của Việt Nam. Trong phong trào “Việt Nam, chúng tôi ở bên các bạn”, Hungary đã tổ chức nhiều đợt hiến máu và quyên góp vật chất giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Hungary còn tham gia Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam, giúp nước ta đào tạo hơn 3.500 cán bộ khoa học kỹ thuật và xóa các khoản nợ từ năm 1973 trở về trước.
Trong những năm gần đây, hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao. Hungary coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất ở Đông Nam Á. Những năm gần đây, quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước tăng trưởng mạnh mẽ, kim ngạch năm 2017 lần đầu tiên đạt trên 35,5 triệu USD. Chính phủ Hungary dành cho Việt Nam gói tín dụng ưu đãi trị giá 500 triệu euro để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển trong các lĩnh vực y tế, xử lý nước, tin học, nông nghiệp. Quan hệ song phương cũng được tích cực thúc đẩy toàn diện trên các lĩnh vực lập pháp, tư pháp, quốc phòng-an ninh, y tế, giáo dục đào tạo hợp tác giữa các địa phương.
Hungary là nước duy nhất tại Đông Âu liên tục tăng số lượng học bổng dành cho Việt Nam (hiện nay là 200 suất học bổng/năm, bắt đầu từ năm học 2018-2019). Đây là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước và cũng là điểm sáng trong quan hệ thời kỳ mới.
Đảng Cộng sản Việt Nam thiết lập quan hệ chính thức với Đảng cầm quyền FIDESZ (9/2017) và duy trì quan hệ truyền thống với Đảng Xã hội và Đảng Công nhân Hungary.
Với bề dày lịch sử 68 năm, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hungary không ngừng được lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp qua nhiều thế hệ. Chúng ta tin tưởng, chuyến thăm chính thức Hungary lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thành công tốt đẹp.
Chuyến thăm sẽ tạo “Dấu mốc mới, Động lực mới, Tầm cao mới” trong quan hệ hai nước; tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt Nam và Hungary; làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt, nâng khuôn khổ hợp tác lên “Đối tác toàn diện” với Hungary nhằm tạo bước chuyển biến mới, thực chất hơn trên các lĩnh vực, qua đó củng cố và phát huy ảnh hưởng của Việt Nam mới khu vực Trung Đông Âu; khẳng định chủ trương của Việt Nam coi Hungary là đối tác truyền thống quan trọng hàng đầu tại khu vực Trung Đông Âu; đồng thời tăng cường quan hệ giữa hai đảng cầm quyền, làm cơ sở để thúc đẩy quan hệ song phương trên những lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh.