Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên giám sát các dự án BOT

Thứ Hai, 02/01/2017, 14:54
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa ra nghị quyết lập đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thưc hợp đồng - xây dựng - kinh doanh- chuyển giao (BOT)”.


Như vậy, sau khi dư luận lên tiếng rất nhiều lần về những bất cập tồn tại trong hình thức đầu tư hạ tầng giao thông này (khoảng cách bất hợp lý giữa các trạm, mức phí được cho là quá cao, 100% các dự án được chỉ định thầu, chất lượng xây dựng còn bị buông lỏng...) Quốc hội đã chính thức vào cuộc. 

BOT trong giao thông là nội dung chưa từng được từng được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ tổ chức giám sát. Ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội sẽ là trưởng đoàn giám sát chuyên đề này.

Các dự án BOT giao thông gây bức xúc dư luận trong vài năm trở lại đây vì độ dày đặc và mức phí cao

Phạm vi giám sát sẽ là việc thực hiện chính sách, pháp luật về triển khai đầu tư, xây dựng và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT trên phạm vi cả nước trong giai đoạn từ năm 2011 – 2016.

Đợt giám sát có 3 mục đích chính: Rà soát, đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT; Đánh giá việc triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến nội dung trên trong giai đoạn từ năm 2011 - 2016; những kết quả đạt được, đặc biệt là kết quả sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thông qua trái phiếu chính phủ cho tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2016; những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập; Xác định trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cá nhân liên quan; đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và những giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT; kiến nghị để hoàn thiện các hình thức đầu tư khác (như hình thức hợp tác công tư (PPP), xây dựng-chuyển giao (BT)…) (nếu có).

Một số nội dung chính được tập trung giám sát bao gồm: Tình hình ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân. 

Thứ hai là tình hình thực hiện các dự án BOT trên thực tế, tập trung chủ yếu và trình tự triển khai theo các bước: chiến lược, quy hoạch; phê duyệt chủ trương đầu tư; lập tiền khả thi và khả thi; đấu thầu; đầu tư xây dựng; khai thác, vận hành (phí và lộ trình tăng phí), trong đó, chú ý tính công khai, minh bạch, hợp lý khi phê duyệt chủ trương đầu tư, lập khảo sát thực tế, lập dự toán, giám sát chất lượng thiết kế-thi công, cân bằng lợi ích các bên trong xác định mức phí, chống thất thoát thu phí. Cuối cùng là bài học kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật.

Đoàn giám sát sẽ giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề; xây dựng và hoàn thiện báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề gửi đến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017).

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện cả nước có khoảng 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ GTVT quản lý 74 trạm (45 trạm đang thu và 29 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư); 13 hệ thống thu phí trên các tuyến cao tốc, trong đó Bộ GTVT quản lý 12 hệ thống (6 đã thu phí và 6 chưa thu), thì đã có 33 trạm không đảm bảo đủ khoảng cách tối thiểu 70 km. Đơn cử, có những trạm cách nhau chỉ 10 km.

Theo lý giải của Bộ GTVT, có rất nhiều “lý do” cho việc không đảm bảo này: có 8 trạm thu phí hoàn vốn cho công trình đặc thù (cầu lớn, hầm đường bộ) là trạm Đèo Ngang, trạm Bắc Hải Vân (thu phí hầm Phước Tượng), trạm Nam Hải Vân, trạm hầm Đèo Cả, trạm hầm Cù Mông, trạm cầu Đồng Nai, trạm cầu Cổ Chiên và trạm cầu Việt Trì mới. 

Có 3 trạm do ảnh hưởng bởi phạm vi khu đô thị không thể đặt trạm đảm bảo khoảng cách 70 km là trạm Tiên Cựu thuộc dự án QL 10 cách trạm Tân Đệ 57 km; Trạm Km56+450 QL 51 (trạm T3) cách trạm Km11+000 (trạm T1) là 45km; Trạm Tam Kỳ Km998, QL1 thu phí hoàn vốn cho dự án tuyến tránh QL1 đoạn qua thị xã Tam Kỳ, lý do là “để không phải phát sinh kinh phí tháo dỡ trạm cũ, xây dựng trạm mới, Bộ GTVT giữ nguyên trạm Tam Kỳ để chuyển sang thu phí hoàn vốn cho dự án BOT”...

Trước đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có đánh giá, việc khai thác các công trình BOT thời gian vừa qua đã gây nhiều bất cập, gây bức xức trong nhân dân như: thu phí cao làm tăng giá cước vận tải, làm đường một nơi, thu phí một nơi khác bù cho dự án. Hay việc bố trí quá nhiều trạm thu phí chưa theo quy hoạch, gây ùn tắc giao thông, đặt trạm không đúng khoảng cách quy định…Việc lập, thẩm định dự án, xác định giá trị công trình, phương án hoàn vốn, kiểm soát hoàn vốn, khai thác dự án… còn bất cập, dư luận bức xúc.

Như vậy, 2017 sẽ là năm đáng nhớ của các dự án giao thông BOT, khi Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ công bố nhiều thông tin kiểm toán liên quan đến các dự án này, cùng với kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vũ Hân
.
.
.