Khánh thành Thủy điện Lai Châu
- Thủy điện Lai Châu hoàn thành sớm 1 năm
- Chính thức phát điện tổ máy số 3 thủy điện Lai Châu
- Chính thức phát điện tổ máy số 2 Thủy điện Lai Châu
- Thưởng 15 tỷ đồng vì thi công thủy điện Lai Châu vượt tiến độ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tham dự và cắt băng khánh thành dự án.
Dự án Thủy điện Lai Châu với tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng là công trình xây dựng cấp đặc biệt và là thủy điện lớn thứ ba được xây dựng trên sông Đà, gắn liền với thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình.
Sau khi đi vào vận hành, sản lượng trung bình hàng năm của nhà máy sẽ đạt khoảng 4,7 tỷ kWh. Ngoài ra, với vai trò một nhà máy đa mục tiêu, thủy điện Lai Châu còn có nhiệm vụ chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
Là công trình hoàn toàn do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công, thủy điện Lai Châu cũng là công trình ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của các cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành điện, ngành lắp máy của Việt Nam.
Toàn bộ lực lượng đã thi công thủy điện Sơn La đã được chuyển lên thực hiện dự án này để phát huy được toàn bộ kinh nghiệm đã tích lũy được. Điều này đã góp phần quan trọng khiến cho công trình về đích sớm hơn ngoài dự kiến. Đập bê tông đầm lăn thủy điện Lai Châu có khối lượng hơn 1,8 triệu m3, chiều cao đập lớn nhất 137m; tốc độ thi công nâng đập theo chiều cao trung bình trên 20m/tháng, lớn nhất 27,9m/tháng - là một trong những đập có tốc độ nâng đập lớn nhất thế giới.
Việc thi công bê tông đầm lăn vượt tiến độ đã tạo điều kiện thi công sớm các hạng mục khác, do đó đã sớm tích nước hồ chứa đem lại hiệu ích phát điện cho Thủy điện Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình.
Bên trong nhà máy thủy điện Lai Châu |
Theo ông Đặng Hoàng An – Tổng Giám đốc EVN: Trong quá trình xây dựng, các đơn vị trên công trường đã gặp không ít khó khăn bởi công trình được thi công tại vùng sâu, hạ tầng giao thông không thuận lợi, điều kiện địa chất xấu…
Song bằng sự đoàn kết, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật, sự nỗ lực hết mình của toàn thể cán bộ công nhân viên trên công trường, Chủ đầu tư và các nhà thầu đã nỗ lực vượt qua tất cả để xây dựng lên một công trình công nghiệp hiện đại giữa vùng rừng núi Tây Bắc. Thành công của công trình là sự kết tinh của sự chỉ đạo quyết liệt cùng tinh thần lao động tập thể cần cù, sáng tạo, thể hiện rõ nét sức mạnh trí tuệ của con người Việt Nam.
Sự kiện hoàn thành công trình sớm 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đồng nghĩa với việc cung cấp sớm hơn cho hệ thống điện quốc gia khoảng 4,7 tỷ kWh điện năng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lai Châu nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung.
Ngoài lợi ích tăng nguồn thu ngân sách hàng năm cho tỉnh Lai Châu, việc xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu còn có ý nghĩa đã kết hợp sắp xếp và xây dựng các khu dân cư, đặc biệt là các khu tái định cư theo tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng nông thôn mới, xây dựng hệ thống cầu, đường giao thông đóng vai trò quan trọng cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu và vùng Tây Bắc.
Nhấn mạnh vai trò của ngành điện với sự phát triển của đất nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu phát triển điện luôn phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo quốc phòng an ninh và an ninh năng lượng quốc gia.
Đến nay, tổng công suất nguồn điện của nước ta đạt khoảng 40.000 MW, trong đó thủy điện chiếm gần 43%. Với sự kiện hoàn thành thủy điện Lai Châu hôm nay, cơ bản chúng ta đã khai thác được tiềm năng thủy điện trên sông Đà với tổng công suất các nhà máy thủy điện lên đến 6.500 MW và tổng sản lượng điện khoảng 25 tỷ kWh, chiếm gần 1/3 sản lượng thủy điện toàn quốc đến năm 2020.
Việc hoàn thành công trình sớm hơn tiến độ 1 năm đã mang lại nguồn lợi to lớn về kinh tế (khoảng hơn 5000 tỷ đồng doanh thu/năm), góp phần vào việc vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện Quốc gia.