Thế hệ trẻ tự hào truyền thống, tiếp bước cha anh

Thứ Tư, 24/07/2019, 20:21
Chiều 24-7, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tổ chức chương trình Gặp mặt, giao lưu giữa thế hệ trẻ với thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 “Tự hào truyền thống - Tiếp bước cha anh”.

Dự buổi giao lưu có các đồng chí: Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ lao động - Thương binh và xã hội; Nguyễn Ngọc Lương, Bí Thư BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng gần 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc; thanh niên, thiếu niên, thiếu nhi tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.

Chương trình là dịp để thế hệ trẻ hôm nay được tri ân, tiếp bước thế hệ cha anh đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình để giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Qua đó, góp phần giữ truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa trong thế hệ trẻ.

Thanh niên giao lưu với các thương binh nặng tại chương trình.

Với chủ đề “Khát vọng hoà bình và niềm vui chiến thắng”, thế hệ trẻ có mặt tại chương trình được dịp gặp gỡ, giao lưu, trực tiếp nghe những câu chuyện sống động thời chiến tranh, để được cảm nhận sâu sắc hơn và tự hào hơn về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc.

Phát biểu tại chương trình gặp mặt, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương cho biết: Thế hệ trẻ ngày nay được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình. Có được điều đó, thế hệ cha anh đi trước đã phải đổ biết bao xương máu “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. 

Theo truyền thống gia đình, cha đi theo kháng chiến từ trước năm 1945, ngày ngày theo mẹ đi đào hầm nuôi bộ đội, ngay khi mới 11 tuổi, bà Trương Hồng Dân (SN 1948), thương binh hạng 1/4, ở xã Nam Hải, huyện nam Trực, tỉnh Nam Định đã tham gia cách mạng. Năm 16 tuổi bà bị địch bắt khi đang chuyển quân báo. Sau 50 ngày bị tra tấn dã man nhưng nhất quyết không khai, người lịm đi, chân tay không còn cảm giác. Sau này, bà trở thành một nữ pháo binh, tham gia nhiều trận đánh ác liệt đến khi nước nhà giành được độc lập.

Ông Phạm Xuân Lai (SN 1949), thương binh hạng 1/4, ở thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An bị thương nặng khi tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975. 

Ông rưng rưng khi nhớ đến đồng đội, nhớ lại kỷ niệm của năm 1968 khi chiến đấu ở miền Tây Quảng Trị, tiếp tế không vào được, hậu phương bị địch phong toả, bộ đội không có cơm ăn, đơn vị bị thương thì ít nhưng đói thì nhiều, cả tháng chỉ ăn rau rừng, khoai lang. Vì vậy, nhiều người đã chết vì đói. Sau đó là những trận mưa bom, bão đạn của địch dội xuống cao điểm…

Mang trên mình thương tật suốt đời, nhưng như lời Bác Hồ kính yêu đã căn dặn “thương binh tàn mà không phế”, những người lính năm xưa tiếp tục trở về quê hương, lao động và cống hiến sức mình, xây dựng cuộc sống mới.

Trở về với thương tích nặng nề, ông Đào Viết Thoàn (SN 1959), thương binh hạng 1/4, tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới năm 1979, ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã mở cơ sở và khám chữa bỏng miễn phí cho người hàng chục ngàn đối tượng chính sách, người nghèo và trẻ em. Ông nhớ, những ngày điều trị vết thương tại bệnh viện, mỗi khi các y tá thay băng là lúc ông cảm nhận rõ nhất sự đau đớn. Hôm nào thay băng thì bữa đó không ăn nổi cơm, thay buổi sáng thì đến chiều con đau mới dịu.

Kế thừa những kiến thức đã được truyền đạt, ông tìm tòi, bào chế và bảo vệ thành công đề tài khoa học cấp Nhà nước về một loại thuốc được gọi là “Mỡ sinh cơ” có tác dụng chữa bỏng, vết thương lâu liền cho người bệnh. “Khi ngồi đây, tôi cảm thấy tự hào, vinh quang khi được làm người lính bộ đội Cụ Hồ; biết ơn Đảng, Nhà nước, nhân dân, đồng chí đồng đội đã hi sinh, tạo động lực giúp ông vượt lên hoàn cảnh, chiến thắng bệnh tật, giúp ích cho đời”, ông Thoàn tâm sự.

Vũ Linh
.
.
.