Tập trung các nguồn lực để phát triển bền vững

Chủ Nhật, 29/03/2015, 20:53
Trong 15 năm tới, các Quốc hội phải xác định các nguồn lực huy động để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, xác định những thách thức của từng quốc gia thành viên về việc thay đổi thái độ của cộng đồng đối với vấn đề phát triển bền vững…
>> Khai mạc Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132

Tại các phiên họp của Hội đồng điều hành IPU trong ngày 29/3, đại biểu của nhiều nước đã có nhiều đóng góp quan trọng, tập trung thảo luận để góp phần hoàn thiện nội dung trong “Tuyên bố của IPU tại Hà Nội”.

Chủ tịch IPU Saber Chowdhury cho biết, các ý kiến đóng góp đều nêu bật ba khía cạnh: Mục tiêu phát triển bền vững; Mối quan hệ giữa IPU và Liên Hợp Quốc; Kỳ vọng của IPU về những vấn đề chung của cộng đồng toàn cầu, đưa ra những giải pháp để xử lý vấn đề.

Trong đó đáng chú ý là quan điểm của cố vấn đặc biệt, đại diện Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Amina Mohammed.

Bà Amina Mohammed nhấn mạnh, IPU-132 là dịp đặc biệt, là thời điểm đi đến giai đoạn cuối cùng của quá trình đàm phán để định ra các mục tiêu phát triển bền vững sẽ được thông qua vào tháng 9/2015. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để định ra các biện pháp làm cho thế giới phát triển bền vững hơn, có thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Theo đó rất cần đến những giải pháp mang tính toàn cầu.

Nói về 17 Mục tiêu phát triển bền vững và 169 chỉ tiêu, bà Amian  Mohammed cho rằng, cần có trách nhiệm mục tiêu này chuyển thành hành động cụ thể. Những mục tiêu, chỉ tiêu cần phải được tiến hành bởi sự hợp tác chặt chẽ của thế giới để cùng thực hiện. Trong 15 năm tới, các Quốc hội phải xác định các nguồn lực huy động để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, xác định những thách thức của từng quốc gia thành viên về việc thay đổi thái độ của cộng đồng đối với vấn đề phát triển bền vững…

Trong khi đó, Giám đốc truyền thông IPU Jemini Pandya Gillijins cho rằng, phát triển bên vững là đề tài bao trùm của Đại hội đồng.

Bà Jemini Pandya Gaillijins nói: “Từ những gì đang diễn ra trong vài năm qua ở Trung Đông và Châu Phi mà chúng ta phải trả giá vì nạn khủng bố, vấn đề này chúng ta không thể phớt lờ, bởi nếu chúng ta không thể giải quyết nạn khủng bố, mọi thứ chúng ta đang cố gắng xây dựng trong quá trình phát triển bền vững sẽ không hiệu quả. Sự phát triển bền vững và dân chủ phải đi cùng với hòa bình và an ninh”.

Sông Thương
.
.
.