Tấn công mạng đang làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm

Thứ Sáu, 01/09/2017, 15:54
Sáng 1-9, Ủy ban Quốc phòng – An ninh đã họp phiên thẩm tra sơ bộ dự án Luật An ninh mạng, một dự án luật được cho là rất khó, nhằm có hành lang pháp lý để ứng phó với một vấn đề là thách thức toàn cầu – mất an ninh, an toàn trên không gian mạng.


Tờ trình của Chính phủ do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền trình bày nêu rõ: Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thực trạng, tình hình diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Tờ trình đã đưa ra 10 điểm để chứng minh cho sự cần thiết của việc ban hành luật. Đó là nhằm phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống nhà nước, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên mạng của các thế lực phản động. 

Phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các đợt tấn công mạng, khủng bố mạng, phòng, chống chiến tranh mạng. Hiện nay, hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin Việt Nam gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, làm thất thoát, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm và là tiền đề để thực hiện các hành vi xâm nhập, thu thập thông tin, tài liệu trái pháp luật.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền trình bày tờ trình dự án luật.

Trong thời đại hiện nay, khủng bố mạng nổi lên như một thách thức toàn cầu, không gian mạng đã trở thành môi trường cho các tổ chức khủng bố quốc tế hoạt động tuyên truyền, tuyển lựa, huấn luyện và chỉ đạo hoạt động. 

Dự án luật cũng nhằm tạo hành lang pháp lý để phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ tác nhân tiến hành hoạt động gián điệp mạng, chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước... Hiện nay, tình trạng này đang diễn biến nghiêm trọng, đặc biệt là các hoạt động xâm nhập, tấn công vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Mặt khác, việc ra đời luật này cũng nhằm bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo cấp độ và áp dụng các biện pháp cần thiết, tương xứng. Đây là hệ thống thông tin của các mục tiêu, cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia, cơ quan chứa dựng bí mật nhà nước, nên hậu quả, thiệt hại sẽ lớn hơn nếu bị tấn công mạng hoặc sự cố an ninh mạng. 

Những hậu quả thiệt hại này có thể tác động ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, một số có thể gây ra thảm họa khi hệ thống thông tin điều khiển hàng không, điện lưới quốc gia, giao thông đường bộ, hệ thống điều khiển và xử lý tự động của các hệ thống phòng không, các cơ sở công nghiệp trọng yếu bị tấn công, phá hoại...

Cho ý kiến về dự án này, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh ban soạn thảo trong thời gian ngắn đã tập trung xây dựng dự án luật tương đối đầy đủ. Nhấn mạnh đây là 1 dự án rất khó, liên quan đến môi trường mạng – môi trường tương đối vô hình với nhiều nội dung mới phức tạp, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu rất kỹ, lựa chọn kinh nghiệm quốc tế để áp dụng vào thực tế Việt Nam cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tránh mâu thuẫn về chính sách. 

“Khái niệm an ninh mạng là nội dung cốt lõi cần tập trung để làm rõ. Cơ quan thẩm tra với chức năng tham mưu cần tỏ rõ quan điểm, tránh đề ra vài phương án nhưng không có phương án chọn, đá quả bóng cho Thường vụ Quốc hội”– Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phiên thẩm tra đã thống nhất tầm quan trọng của việc ban hành luật để phúc đáp yêu cầu của tình hình mới

Một số ý kiến đại biểu cũng lưu ý việc trùng lặp giữa Luật này và Luật An toàn thông tin mạng vừa được Quốc hội thông qua năm 2015, cũng như trùng dẫm trong chức năng quản lý nhà nước giữa Bộ Công an và các cơ quan chức năng khác.

Giải trình thêm về các góp ý, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ, xác đáng các ý kiến. Tuy nhiên, “về nhận thức, có thể nói hoạt động trên không gian mạng có thể tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và đặc biệt là con người. 

Theo xu hướng phát triển, chúng ta đang thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, mọi hoạt động của nền kinh tế trên hệ thống mạng, như giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, tiền ảo, tài sản ảo... Luật An toàn thông tin mạng mới được ban hành, nhưng chưa đáp ứng được đầy đủ các vấn đề đặt ra về bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. 

Thời gian qua, áp lực với công tác của lực lượng công an là rất lớn, không chỉ có tấn công mạng, xuyên tạc, nói xấu, vu khống... trên không gian mạng, mà còn liên quan đến hoạt động của tội phạm hình sự như giết người, đe dọa giết người, lừa đảo trên hệ thống trực tuyến. Do đó, việc ban hành luật An ninh mạng là rất cấp thiết”. “Khi làm, chúng tôi cũng rất băn khoăn, nhưng Luật An toàn thông tin mạng chưa phúc đáp được đầy đủ yêu cầu hiện nay về quản lý an toàn hệ thống mạng, an ninh mạng, hoặc phải sửa đổi, hoặc ban hành luật mới. Nếu chúng ta không chủ động, sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn trên mạng, rất khó đối phó” – Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận buổi họp, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh nhấn mạnh: Dù quá trình làm luật này, có nhiều ý kiến cho rằng trùng lặp với Luật An toàn thông tin mạng, nhưng nghiên cứu kỹ cho thấy mỗi luật có giá trị riêng. Thời điểm ban hành Luật An toàn thông tin mạng khác với bây giờ, luật không bịt hết được lỗ hổng, không đủ hành lang pháp lý để xử lý vấn đề. Xuất phát từ đặc điểm tình hình như 10 vấn đề tờ trình của Chính phủ nêu, cộng với thực tiễn, chúng ta thống nhất không sửa đổi luật hiện hành, mà xây dựng Luật An ninh mạng cho phù hợp với tình hình hiện nay. 

Vũ Hân
.
.
.