Tái cơ cấu nghiêm chỉnh thì đất nước sẽ khác

Thứ Năm, 16/11/2017, 08:17
“Nỗ lực của các nơi vẫn là giữ lại những điều kiện kinh doanh mà Chính phủ yêu cầu bãi bỏ”; “Hãy để doanh nghiệp tập trung vào “chiến đấu” với các đối thủ cạnh tranh, thay vì các hàng rào quy định hành chính”... Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy” do Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức sáng 15-11.

Trong bối cảnh Chính phủ rất nỗ lực cải cách để tạo động lực tăng trưởng, đối phó với khó khăn trong ngoài hiện nay, ngoài sự hiện diện của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hội thảo đã quy tụ được đông đảo các nhà quản lý, các chuyên gia hàng đầu đất nước.

Đó là nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung, đại diện World Bank... Tại đây, các chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh những “rào cản” được tạo ra bởi bộ máy hành chính, bởi những cán bộ thực thi quan liêu.

Chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết: “Trong suốt hơn 1 tháng qua tôi hỏi doanh nghiệp (DN) thì đều nhận được câu trả lời là họ thấy nỗ lực xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho DN mới chỉ ở tầm Chính phủ; còn về đến bộ, ngành, địa phương, nỗ lực ấy giảm đi nhiều. Nỗ lực của các nơi vẫn là giữ lại các điều kiện kinh doanh mà Chính phủ yêu cầu họ bãi bỏ, hơn là bãi bỏ bớt các điều kiện bất cập, bất hợp lí cho DN”.

Cũng đề cập đến vấn đề chi phí không chính thức, TS Lê Đăng Doanh cho biết: DN sợ nhất là 10 - 11h đêm có quan chức gọi đến nhà hàng để thanh toán tiền ăn cả trăm triệu đồng. Đó là những chi phí không biết kêu ai, không biết hạch toán vào đâu.

Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng nêu thực tế rằng, năm 2017 được Chính phủ chọn là năm giảm chi phí cho DN, nhưng trên thực tế chưa giảm được bao nhiêu. Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, chi phí đầu vào, hạ tầng còn rất cao, chưa kể chi phí về thuế cũng đang bị đe dọa tăng tiếp với việc sửa đổi các luật thuế. Chi phí cao nên cứ 4 DN đăng kí thành lập mới thì có 3 DN đã kinh doanh rồi phải rút khỏi thị trường.

Cho rằng, điều DN mong mỏi nhất là Chính phủ không còn phải ra thêm bất cứ Nghị quyết nào về cải thiện môi trường kinh doanh nữa, bà Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh: Mối quan tâm của DN không phải là mất thời gian đi “chiến đấu” với bộ máy để đỡ khó khăn cho mình, mà là chiến đấu với các đối thủ cạnh tranh, tận dụng thời cơ hội nhập, công nghệ mang lại…

Mong muốn nhất của DN vẫn là như vậy. Cho nên cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là vô cùng bức bách ở Việt Nam, cần quan tâm nhiều thời gian tới.

Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, dù những năm qua, chúng ta vẫn tăng trưởng, nhưng “thể trạng” của khu vực kinh tế trong nước vẫn yếu. Điều này được minh chứng bằng con số: Tỷ lệ DN có đóng thuế thu nhập DN trên tổng số doanh nghiệp hoạt động giảm mạnh từ 60-70% năm 2010 còn trên 30% năm 2015-2016.

Tỷ lệ lợi nhuận trước thuế so với tài sản cố định và đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp có xu hướng giảm đối với tất cả các thành phần: năm 2010 tỷ lệ này của DN FDI, DN nhà nước và DN ngoài nhà nước tương ứng là 16%, 7% và 5% thì năm 2015 giảm xuống còn 12%, 3% và 4%...

Trong 4 động cơ tăng trưởng của Việt Nam (kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, nông nghiệp và FDI), chỉ có khu vực FDI “ăn nên làm ra” nhờ tận dụng được những lợi thế của nền kinh tế và ít bị trói buộc bởi các thể chế, chính sách của Việt Nam. Nếu bỏ khu vực FDI sang một bên, chỉ phân tích ba khu vực còn lại, thì bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ ít tươi sáng hơn nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do ta, không phải do tác động từ bên ngoài.

Do đó, PGS. TS Trần Đình Thiên gợi ý, điều đầu tiên nên làm là công khai minh bạch – “như thắp đèn trong căn phòng để chuột không vào được. Nếu phòng tối, đánh chuột cũng khó. Chuột rất khôn, nếu đập không khéo sẽ đạp vào chân” – ông ví von.

TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, nỗ lực cải cách thời gian qua của Chính phủ tuy đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn xa với kỳ vọng. Tái cơ cấu vẫn quá chậm chạp và kết quả đạt được còn quá ít. “Bản thân các tuyên bố Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính cũng tạo cảm hứng cho xã hội rồi, nó lan toả sang các lĩnh vực, ngành khác và phải duy trì sự lan toả đó, thực thi thực chất trong 3 năm sau của nhiệm kỳ này, tức là ta phải tái cơ cấu nghiêm chỉnh, thì đất nước sẽ khác” – ông nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ một lần nữa gửi đến thông điệp của Chính phủ: Chúng ta phải phát triển nhanh hơn để rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và thế giới, để chúng ta không tụt hậu hơn nữa, nhưng chúng ta phải phát triển bền vững. 

Về mặt xã hội, tăng trưởng nhanh, bền vững phải bảo đảm tăng trưởng bao trùm, toàn diện vì con người. Nếu không huy động đông đảo người dân tham gia đóng góp cho tăng trưởng thì sự tăng trưởng sẽ không thành công. Thành quả của tăng trưởng không được chia sẻ tới các tầng lớp nhân dân thì tăng trưởng sẽ không có ý nghĩa gì, không bảo đảm được mục tiêu không một ai bỏ lại phía sau...

Vũ Hân
.
.
.