Quốc hội thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi)

Thứ Sáu, 16/06/2017, 14:39
Với 397/403 đại biểu có mặt tán thành, chiều 16-6, Quốc hội đã thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi).

Về một số ý kiến còn khác nhau của các ĐB, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có giải trình, tiếp thu. Về đề nghị bỏ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp kinh doanh trong hoạt động đường sắt, vì như vậy có thể tạo sự bất bình đẳng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng đường sắt là một lĩnh vực rất đặc thù, đầu tư rất lớn, việc thu lại nguồn vốn rất chậm, nên đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung về ưu đãi để tạo đột phá về các nguồn lực đầu tư, thu hút các doanh nghiệp tập trung nguồn lực để phát triển đường sắt, trên thực tế rất nhiều nước có chính sách tương tự.

Tiếp thu kiến nghị của ĐB thay cụm từ “lối đi dân sinh” thành “lối đi tự mở” cho hợp lý hơn với giải thích thuật ngữ, Ủy ban Thường vụ đã thay đổi điều này trong dự thảo luật.

Tỷ lệ ĐBQH tán thành thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi)

Có ý kiến ĐBQH đề nghị phải quy định cụ thể nguyên tắc việc xử lý các vị trí giao cắt không phù hợp với quy định của Luật và nên quy định đến năm 2020 giải quyết dứt điểm lối đi dân sinh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phòng ngừa được tai nạn giao thông đường sắt, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết: Việc xử lý cần căn cứ vào điều kiện thực tế của vị trí giao cắt cụ thể và khả năng huy động nguồn lực đầu tư, nên việc này được giao Chính phủ quy định.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị cần phải hướng tới để đưa ngành đường sắt theo cơ chế thị trường chính là chuyển cơ chế từ phí sang giá, tuy nhất trí với ý kiến này, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc chuyển từ cơ chế phí sang giá cần phải có thời gian. “Hiện nay ở nước ta, hạ tầng đường sắt còn rất lạc hậu, chi phí vận hành đường sắt rất cao là nguyên nhân chính làm suy giảm năng lực cạnh tranh dịch vụ vận tải đường sắt so với các phương thức vận tải khác. Nhà nước đang áp dụng cơ chế phí từ doanh thu vận tải đường sắt khi sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư” – văn bản giải trình nêu rõ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vẫn cần áp dụng cơ chế phí như hiện nay để duy trì ổn định hoạt động, tránh có những tác động tiêu cực không cần thiết cho ngành đường sắt; đồng thời định hướng mở cho các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt theo cơ chế thị trường. Do vậy, Dự thảo Luật đã đưa ra 2 cơ chế phí và giá là phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt hiện nay và cả trong một số năm sắp tới. Khi điều kiện cho phép sẽ chuyển hoàn toàn sang giá.


Vũ Hân
.
.
.