Quốc hội đồng thuận giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Thứ Hai, 07/11/2016, 18:02
Chiều 7/11, với 85,02% số đại biểu đồng ý, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 với 15 chỉ tiêu cụ thể.


Giữ mục tiêu tăng trưởng cao 

Các chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội thông qua bao gồm:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%.

Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP.

Tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55 - 57%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt 22,5%.

Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 25,5 giường (không tính giường trạm y tế xã).

Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,2%.

Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 87%.

Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%.

Đa số ý kiến đại biểu đồng thuận việc giữ mục tiêu tăng trưởng cao để phấn đấu

Về một số ý kiến đại biểu đề nghị tính toán, cân nhắc tính khả thi của chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, nhất là trong bối cảnh năm 2016 hạn hán, xâm ngập mặn, lũ lụt tác động xấu đến sản xuất trong những tháng cuối năm và cả năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Tuy năm 2016 tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, thiên tai nhiều gây thiệt hại lớn, nhưng trong bối cảnh môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, đồng thời từ năm 2017 sẽ bắt đầu thực hiện đồng bộ kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 hướng tới huy động, phân bổ và sử dụng ngày càng hiệu quả các nguồn lực trong, ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội, nên đề nghị giữ như trong dự thảo nghị quyết để phấn đấu quyết liệt, nhằm thực hiện mức cao nhất theo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đề ra chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm 6,5 - 7%/năm.

Loại bỏ những người trục lợi, gây khó cho doanh nghiệp

Tại nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đáng chú ý, nhiệm vụ thứ bảy Quốc hội yêu cầu là xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch. 

Nâng cao năng lực, kỷ luật, đạo đức và thái độ thực thi pháp luật, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; 

Quốc hội yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực và cương quyết loại bỏ những người cản trở, trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; 

Thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và cải cách tiền lương; rà soát việc bổ nhiệm cấp phó và chức danh hàm, báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2017; Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng là yêu cầu được nêu tại nhiệm vụ này.

Xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường

Tại Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; phát triển thị trường mua bán nợ, kiểm soát chặt chẽ, xử lý hiệu quả nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn hệ thống và quyền lợi người gửi tiền.

Quốc hội cũng yêu cầu quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối. Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo dự toán được Quốc hội thông qua. Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công và bội chi ngân sách nhà nước.

Yêu cầu tiếp theo là tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ đầy đủ về tài chính, tổ chức, biên chế và hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp công lập; tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, điều chỉnh giá các loại dịch vụ công theo cơ chế thị trường nhưng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; có lộ trình thực hiện giá thị trường đối với giáo dục, y tế... gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách và hộ nghèo.

Khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia phát triển, cung cấp dịch vụ công, phát triển thị trường dịch vụ công có sự quản lý, điều tiết phù hợp của Nhà nước. Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện theo quy định, nghị quyết nêu rõ.

Vũ Hân
.
.
.