Nhiều nghiên cứu có tính ứng dụng, hữu ích
Sau hơn 1 năm phát động cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được hơn 400 hồ sơ sáng kiến đăng ký tham gia bình xét liên quan đến các lĩnh vực giáo dục, khoa học ứng dụng, môi trường, nông nghiệp, văn hoá-xã hội, giao thông, kinh tế, y tế…
Các đại biểu tham dự hội nghị đều có chung nhận định: Các sáng kiến tham dự năm nay đều có tính ứng dụng và hữu ích với người dân.
Mở đầu hội nghị, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản - cho biết, “Sáng kiến vì cộng đồng” là chương trình thường kỳ tổ chức 2 năm/lần với mục tiêu tìm ra những sáng kiến, ý tưởng, dự án sáng tạo, nhằm góp phần thúc đẩy và phát huy vai trò, đóng góp của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đưa ra những sáng kiến vì cộng đồng có tính ứng dụng cao sẽ được triển khai hiệu quả hơn trong đời sống và sản xuất.
Tác giả Lê Huy Tích trình bày nghiên cứu của mình tại buổi hội thảo. |
Buổi hội thảo là hoạt động nhằm gia tăng cơ hội kết nối giữa các tác giả, nhóm tác giả có sáng kiến được đánh giá cao thông qua cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ 3 tới các cá nhân, tổ chức quan tâm. Qua hai vòng thẩm định của Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo, đã có 251 sáng kiến được bình xét vòng sơ khảo, 42/251 sáng kiến được xét duyệt tham gia vòng chấm chung khảo. Kết quả Ban tổ chức đã lựa chọn được 2 giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải ba, 10 giải khuyến khích.
Là một trong hai công trình đoạt giải nhất, sáng kiến “nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động lưới điện phân phối thông minh thành phố Đà Nẵng” của nhóm tác giả Võ Văn Phương, Lê Văn Phú, Nguyễn Hoàng Nhân, Lê Hoài Sơn (Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng) có mục tiêu chính là xây dựng giải pháp kỹ thuật công nghệ, giải pháp tổ chức để xây dựng hệ thống tự động hoá lưới điện phân phối thông minh TP Đà Nẵng. Nhằm nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện phân phối theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh đã được phê duyệt gồm nghiên cứu về lưới điện thông minh và định hướng triển khai lưới điện thông minh của Việt Nam.
Đánh giá về nghiên cứu này, Ban tổ chức cho hay, đây là hệ thống đầu tiên trong cả nước được triển khai tự động hoá hoàn toàn, không cần có sự can thiệp của nhân viên vận hành trong việc xác định vùng sự cố, cô lập vùng sự cố và khôi phục cung cấp điện nhanh chóng cho các khách hàng sử dụng điện.
Cùng đoạt giải nhất, kiến trúc sư Bùi Thế Long (Hồ Chí Minh) - đại diện nhóm sáng kiến Mô hình nhà tình thương kinh phí thấp - cho biết mấu chốt của nhà tình thương là nhằm giải quyết được vấn đề kinh phí, thời gian và phương thức xây dựng nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu thiết yếu, tạo ra hình thái kiến trúc địa phương. Sáng kiến này sẽ giúp hoàn thành nhà tình thương chỉ với 50 triệu đồng.
Một trong những sáng kiến cũng thu hút được sự quan tâm của hội thảo là “Đầu kéo xe lăn dành cho người khuyết tật”. Trở thành người khuyết tật từ sau biến cố do tai nạn giao thông, tác giả Lê Huy Tích (Hoà Bình) cảm thấy rõ sự bất tiện trong việc di chuyển cũng như sinh hoạt hàng ngày. Nung nấu ý định tự sáng chế cho mình một chiếc xe lăn “hữu dụng”, ông đã mày mò nhiều ngày đêm để nghiên cứu rồi cho ra đời sản phẩm đầu kéo xe lăn dành cho người khuyết tật. Sản phẩm này đã được cộng đồng người khuyết tật đón nhận hào hứng và phản hồi tích cực bởi độ chính xác, tính ổn định cao.
“Sản phẩm hiện đã bán trên 20 tỉnh với số lượng 500 chiếc, mới bán trực tiếp cho người khuyết tật với giá 13 triệu đồng/chiếc. Trong khi trên thị trường nhiều sản phẩm công dụng chưa bằng nhưng đã bán với giá cao hơn. Tuy nhiên do chưa có vốn nên chưa nhân rộng sản phẩm được”, tác giả Lê Huy Tích chia sẻ và thông tin thêm, trong năm 2020 này, ông đã tiếp tục cho ra đời sản phẩm dịch vụ xe điện 3-4 bánh, vận tải hàng hoá, hành khách.
Tương tự, với mục tiêu hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững, “Chương trình Nhà chống lũ” của tác giả Phạm Thị Hương Giang (TP Hồ Chí Minh) cũng là điểm nhấn của cuộc thi lần này. Do đại dịch COVID-19, nhiều gia đình nông thôn nghèo ở Việt Nam ngày càng gặp nhiều vấn đề hơn khi họ vừa phải lo mưu sinh, vừa phải tiết kiệm tiền xây nhà mới sau khi không may gặp phải thiên tai bão lũ. Với ý tưởng xây những ngôi nhà kiên cố có khả năng chống chịu tốt với thiên tai, tác giả đã thực hiện hai dự án Nhà an toàn và Làng hạnh phúc.
Đối với Nhà an toàn (thực hiện từ năm 2011), dự án đã hỗ trợ 73 hộ nghèo ở 5 tỉnh (Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Quảng Trị và Huế) xây nhà kiên cố sau khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt và thiên tai. Đối với Dự án Làng hạnh phúc, trong giai đoạn 5 năm 2020-2025, mục tiêu đặt ra là hỗ trợ khoảng 122 hộ dân ở 2 cộng đồng dân tộc thiểu số tại vùng núi huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đáp ứng nhu cầu nhà ở theo các giá trị kiến trúc bản địa, xây dựng các cơ sở hạ tầng như hệ thống nước sạch, hệ thống xử lý chất thải, cụm nhà vệ sinh và xây dựng lại nhà văn hoá của địa phương nhằm khôi phục giá trị văn hoá bản địa của 2 dân tộc Xơ Dăng và Ca Dong sau khi họ phải di dời từ địa điểm làng cũ, nơi có nguy cơ sạt lở cao…
Ngoài các dự án, sáng kiến đã trình bày tại hội thảo, Ban tổ chức và các hội đồng chấm còn đánh giá rất cao nhiều sáng kiến khác như “Kinh nghiệm dạy trẻ tự kỷ trong môi trường giáo dục hoà nhập”; “Máy đo thân nhiệt từ xa”, “Nghiên cứu sử dụng tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương làm mặt đường giao thông nông thôn”; “Thiết kế cây ATM gạo tự động và tổ chức phát gạo miễn phí cho người khó khăn do dịch COVID-19 gây ra tại Lào Cai”…