Nhiều dự án luật quan trọng sẽ được trình Quốc hội trong tuần này

Thứ Hai, 25/05/2015, 00:18
Tuần làm việc thứ hai, Quốc hội nghe tờ trình và thảo luận tại tổ một số dự án luật được cử tri quan tâm như Luật Trưng cầu ý dân, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Phí và lệ phí… Cũng trong tuần này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình Quốc hội dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội sẽ nghe tờ trình và thảo luận dự án Luật Trưng cầu ý dân (do Hội Luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo). Đây là dự luật được bàn luận khá nhiều ở các quy mô, hình thức khác nhau. Việc xây dựng dự án Luật Trưng cầu ý dân nhằm cụ thể hóa các điều khoản được ghi trong Hiến pháp năm 2013 cũng như các bản Hiến pháp trước đó nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp, tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định hơn vào những vấn đề quan trọng của đất nước.

Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân với các nội dung chính về đề nghị trưng cầu ý dân, quyết định trưng cầu ý dân, tổ chức trưng cầu ý dân; các tổ chức phụ trách trưng cầu ý dân; danh sách cử tri và khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân; tuyên truyền trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân; kết quả trưng cầu ý dân; xử lý vi phạm về trưng cầu ý dân và điều khoản thi hành. Nội dung đang còn nhiều ý kiến khác nhau là vấn đề và phạm vi trưng cầu ý dân. Nhiều ý kiến đề nghị phương án quy định phạm vi trưng cầu ý dân là việc xây dựng Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, chẳng hạn như việc xây dựng những dự án kinh tế, xã hội lớn có liên quan đến cả nước hoặc khu vực…

Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động sau khi lấy ý kiến các ban, ngành, đặc biệt từ chính người lao động, đã chỉnh sửa, bổ sung để trình Quốc hội tuần này. Dự luật được dư luận quan tâm bởi an toàn lao động đang lộ ra quá nhiều lỗ hổng, trong đó xảy ra các vụ tai nạn lao động làm chết nhiều người mà nguyên nhân trực tiếp do chủ đầu tư, các đơn vị thi công bất cẩn về an toàn lao động. Quá trình lấy ý kiến tập trung vào các nội dung còn nhiều quan điểm khác nhau như: mở rộng đối tượng áp dụng và chính sách đối với khu vực không có quan hệ lao động; chính sách bảo hiểm thất nghiệp lao động và bệnh nghề nghiệp; ban hành quy chế quốc gia về vệ sinh an toàn lao động; trách nhiệm quản lý nhà nước về vệ sinh, an toàn lao động; hệ thống kiểm soát rủi ro về vệ sinh, an toàn lao động. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động về thực hiện an toàn lao động.

Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 35. Theo ban soạn thảo, thực hiện các quy định của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004, tổ chức của cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân, của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã đi vào ổn định và hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức… Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và cải cách tư pháp; đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan điều tra, đảm bảo tính thống nhất sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 thì việc xây dựng, ban hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự là cần thiết. 

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, sau khi Hiến pháp 2013 được ban hành, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự là một trong những dự án luật quan trọng góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế. 

Theo tờ trình, trong quá trình xây dựng dự án luật, có hai loại ý kiến khác nhau về bổ sung các cơ quan: Kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Một loạt ý kiến khẳng định sự cần thiết bổ sung các cơ quan này được giao một số hoạt động điều tra do vi phạm trong các lĩnh vực này đang diễn biến phức tạp. Song loại ý kiến thứ hai không đồng ý, cho rằng nếu bổ sung sẽ gây chồng chéo trong khi năng lực điều tra của các cơ quan này chưa có cơ sở bảo đảm.

Vấn nạn “lạm phát” phí, lệ phí khiến người dân “cõng” hàng loạt khoản chi cũng được đặt lên bàn nghị sự tuần này. Dự án Luật Phí và lệ phí được xây dựng nhằm thiết lập khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ về quản lý phí, lệ phí; đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định của Luật NSNN (sửa đổi) và các văn bản pháp luật có liên quan; từng bước tập trung phản ánh kịp thời, đầy đủ nguồn thu từ phí, lệ phí; khắc phục hạn chế trong quản lý nguồn thu từ phí, lệ phí. Bên cạnh đó, dự án Luật Phí và lệ phí còn nhằm từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí nhằm đáp ứng được các yêu cầu đặt ra đối với quá trình đổi mới cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Theo Bộ Tài chính, danh mục phí kèm theo luật sẽ bao gồm 51 khoản phí, trong đó 36 khoản phí kế thừa danh mục phí hiện hành và 15 khoản phí đang được quy định tại các luật chuyên ngành. Danh mục lệ phí dự kiến kèm theo luật gồm 39 khoản. Trong đó, 30 khoản lệ phí kế thừa danh mục lệ phí hiện hành và 9 khoản lệ phí đang được quy định tại các luật chuyên ngành.

Tuần này, Quốc hội cũng dành thời gian thảo luận, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015… Cuối tuần, Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

M.Đăng
.
.
.