Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự

Chủ Nhật, 24/05/2015, 12:08
Thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự, các đại biểu Quốc hội cho rằng vấn đề án dân sự hiện nay rất phức tạp, kéo dài và ngày càng có xu hướng gia tăng nên Bộ Luật cần được thiết kế để chấm dứt tình trạng này. 

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng bản dự thảo này mới chỉ sửa những tiểu tiết, chứ chưa đổi mới căn bản về thủ tục tố tụng. “Án dân sự hiện nay rất phức tạp, bình quân xảy ra 100.000 vụ tranh chấp/năm và ngày càng gia tăng. Trước đây tranh chấp trong dân cư chủ yếu xoay quanh vấn đề bất động sản và chủ yếu là tiền bạc vay nợ; hiện nay thì tranh chấp chủ yếu là nhà đất và 90% khiếu kiện giữa anh em họ hàng, người trong gia đình với nhau, tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân. Hiện hàng chục ngàn đơn khiếu nại còn tồn đọng…”.

Đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường, ngày 23-5. Ảnh: Hoàng Long.

Nguyên nhân của tình trạng này được nhận định có lý do pháp luật chưa hoàn thiện. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp ý, dự thảo Bộ Luật phải làm sao cho người dân tham gia ý kiến, vì qua tiếp xúc cử tri cho thấy người dân khiếu nại về dân sự rất nhiều. Theo đại biểu Nghĩa, có ba điểm bộ luật cần bảo đảm mà chưa đảm bảo được, đó là phải quy định chi tiết hạn chế tối đa hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Thứ hai là kiểm soát thời hạn xét xử, không thể để nhân dân gánh chịu hậu quả việc quá tải án của toà và thứ ba là cần làm rõ các quy định khung và các khái niệm như “trái đạo đức xã hội”.

Liên quan đến quy định “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”, còn có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều đại biểu cho rằng đây là quy định rất nhân văn và toà án không có lý do gì để từ chối người dân, nhưng một số đại biểu lại e ngại không có luật làm căn cứ sẽ dẫn đến việc áp dụng tuỳ tiện và gây phức tạp tình hình.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ quan điểm đồng tình với dự thảo, bởi qua tổng hợp ý kiến của Chính phủ, Bộ Tư pháp cho thấy đa số ý kiến nhân dân góp ý đồng tình với quy định mới này vì toà án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, nhưng pháp luật không thể qui định được hết những vấn đề phát sinh trong thực tế.

Giải quyết mâu thuẫn với quy định của Hiến pháp là “Toà án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng toà án phải tuân theo tinh thần của Hiến pháp, nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, lẽ công bằng và ý thức, niềm tin nội tâm của người thẩm phán, đạo lý để vận dụng, xem xét ra phán quyết. Nếu không có sự tham gia của toà án, để dân tự giải quyết có thể xảy ra những hậu quả không mong muốn. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng ủng hộ quan điểm trên và đánh giá đây là quy định tiến bộ, đáp ứng được yêu cầu Nhà nước phải phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền của người dân.

.
.
.