Nhiệt điện Mông Dương I lo đóng cửa vì không có bãi chứa xỉ thải

Thứ Ba, 29/08/2017, 16:05
Chỉ còn 8 tháng nữa, bãi thải xỉ của nhà máy này sẽ đầy, dẫn đến nguy cơ phải đóng cửa. Nếu điều đó xảy ra, ngoài mỗi ngày mất 800 tỷ đồng lãi vay và khấu hao nhà máy, còn kéo theo khả năng Chính phủ phải đền bù cho Nhiệt điện Mông Dương II 600.000 USD/ngày.

Tại hội thảo Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam do Ủy ban Khoa học, công nghệ & Môi trường của Quốc hội phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam tổ chức, đại diện nhà máy Nhiệt điện Mông Dương I đã nêu vấn đề này, đề nghị được tháo gỡ. 

Theo vị này, Quyết định 1696 của Chính phủ quy định: Các nhà máy nhiệt điện chỉ được cấp diện tích bãi thải xỉ đủ cho 2 năm. Diện tích bãi thải xỉ của nhà máy Nhiệt điện Mông Dương I có dung tích là 2,25 triệu m3, nếu theo đúng thiết kế, mỗi năm nhà máy thải ra 1 triệu m3 xỉ thải, thì đến nay nhà máy đã phải ngừng hoạt động vì quá tải bãi thải.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, để gỡ thế khó, nhà máy này đã tìm được giải pháp tiêu thụ 400.000 tấn/năm để làm xi măng và dùng để đổ bê tông tươi thay cát. 

Toàn bộ  số tro bay 600.000 tấn/ năm chưa có đơn vị nào sử dụng được do có lẫn vôi, có màu đỏ, do đặc điểm lý hóa của tro bay lò hơi CFB, nên hiện tại chưa có phương án, công nghệ tái sử dụng tro bay.

Nếu nhiệt điện Mông Dương II phải đóng cửa, Chính phủ sẽ phải đền bù 600.000 USD/ngày cho doanh nghiệp

“Chính phủ đang giao cho Viện Khoa học Vật liệu xây dựng nghiên cứu tiêu chuẩn và hướng dẫn dùng tro xỉ để san nền. Công ty Nhiệt điện Mông Dương I cũng đã phân tích mẫu, kết hợp với các đơn vị làm đường để có thể sử dụng tro bay của nhà máy. Tuy nhiên, sau khi thử mẫu thì độ đầm chặt của tro xỉ là 0,95, trong khi yêu cầu làm đường là 0,98 nên họ từ chối sử dụng tro xỉ của nhà máy”.

“Mặt khác, theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, san lấp mặt bằng có quy mô từ 100.000m3 trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Khu vực Quảng Ninh là miền núi, xung quanh là vịnh Bái Tử Long, liên quan đến rừng ngập mặn, nên tìm kiếm công trình san nền hết sức khó khăn” – đại diện Công ty cho biết.

Do đó, đến nay, bãi thải xỉ của nhà máy này đã sử dụng khoảng 1,8 triệu m3, chỉ còn khoảng 8 tháng nữa sẽ đầy, nhà máy có nguy cơ phải đóng cửa.

“Công ty nhiệt điện Mông Dương đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép xây dựng một bãi thải xỉ mới, đang triển khai lập quy hoạch. Tuy nhiên, nếu UBND tỉnh Quảng Ninh có phê duyệt quy hoạch, thì khi khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng khó có thể phê duyệt, vì không phù hợp với Quyết định 1696 và Quyết định 452 (dung tích bãi thải xỉ chỉ cấp đủ 2 năm vận hành).

Nếu nhà máy này phải đóng cửa, vốn đầu tư 37.000 tỷ đồng của nhà nước sẽ bị lãng phí. Mỗi năm phải vừa trả lãi, vừa khấu hao nhà máy đã lên đến 800 tỷ đồng.

Thêm vào đó, theo quyết định của Thủ tướng, 11 hạng mục hạ tầng dùng chung của Nhiệt điện Mông Dương I và Mông Dương II do Mông Dương I đầu tư và chịu trách nhiệm quản lý vận hành. Do đó, Mông Dương I đóng cửa dẫn đến Mông Dương II cũng phải đóng cửa theo. Đây là nhà máy BOT, nên mỗi ngày Mông Dương II đóng cửa, Chính phủ sẽ phải trả tiền cho nhà đầu tư AES- Mỹ khoảng 600.000 USD/ngày.

Theo PGS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt, đây là nhà máy nhiệt điện BOT đầu tiên và duy nhất đã đi vào hoạt động, còn lại đều đang chậm tiến độ hoặc đang trong quá trình xây dựng.

Do đó, Công ty nhiệt điện Mông Dương đã tha thiết đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ & môi trường, Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam có ý kiến đến các Bộ, ngành, Chính phủ cho phép Công ty nhiệt điện Mông Dương được đầu tư xây dựng bãi thải xỉ số 2 để tích trữ tro bay cho đến khi có công nghệ tái sử dụng tro bay.

Đại diện Công ty này còn kiến nghị thêm việc đưa chi phí xử lý tro bay vào xác định giá điện cho các đơn vị có chi phí này.

Vũ Hân
.
.
.