Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Thứ Hai, 10/08/2020, 07:15
Là người lính dày dạn trận mạc, đi qua ba cuộc chiến tranh, từ cán bộ trưởng thành từ cơ sở và trong quân đội, kinh qua rất nhiều chức vụ đến Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị rồi Tổng Bí thư của Đảng, có thể nói, cả cuộc đời của đồng chí Lê Khả Phiêu làm công tác chính trị-xây dựng quân đội, xây dựng Đảng.


Đặc biệt, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng (từ 12-1997 đến 4-2001), đồng chí đã dành toàn bộ tâm huyết của mình cho công tác xây dựng Đảng để Đảng xứng đáng là đội tiên phong, lãnh đạo đất nước tiến hành thắng lợi sự nghiệp đổi mới trong giai đoạn lịch sử đầy thử thách.

Là người lính cả cuộc đời gắn bó với Đảng và làm công tác Đảng chuyên nghiệp, mối quan tâm thường trực của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là nâng cao sức mạnh chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng Đảng ta vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức để Đảng xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân, ngang tầm với nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2000 – 2005. Ảnh: TTX

Với cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, mối quan tâm hàng đầu của đồng chí là xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng trong lực lượng vũ trang, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân đội, phát huy bản chất, truyền thống cách mạng của quân đội.

Từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng bộ Quân đội, đồng chí rút ra nhiều vấn đề lớn, đó là: Công tác xây dựng Đảng phải thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị-tư tưởng và phải kết hợp chặt chẽ với xây dựng tổ chức, nhất là việc nâng cao chất lượng sinh hoạt ở tổ chức cơ sở Đảng; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ công tác phát triển Đảng với giáo dục, rèn luyện và quản lý đảng viên; kết hợp chặt chẽ xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên.

Từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng (tháng 1-1994) trở đi, là Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí đã dành toàn bộ tâm lực của mình cho công tác xây dựng Đảng.

Trước sự tấn công xảo quyệt của chủ nghĩa đế quốc âm mưu xóa bỏ sự lãnh đạo của các Đảng Cộng sản cầm quyền, có người trong đội ngũ tỏ ra hoài nghi, dao động; giữa lúc khó khăn đó, đồng chí tuyên bố: “Kiên định thì tồn tại" - kiên định mục tiêu lý tưởng, kiên định con đường Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn - đó là con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước giàu, mạnh, xã hội công bằng, văn minh; kiên định mục tiêu, lý tưởng để đổi mới thành công.

Theo đồng chí, “Dù phong ba bão táp, khốc liệt và hiểm nghèo, phức tạp và quanh co thế nào, kiên định mục tiêu và lý tưởng thì tồn tại; kiên định thì phát triển”. Mà muốn vậy, cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng và toàn Đảng phải nâng cao năng lực trí tuệ để hoạch định và tổ chức thắng lợi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Cuối tháng 12-1997, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã thông qua nghị quyết rất quan trọng về tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, cần kiệm để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội đến năm 2000; kiện toàn một bước cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng như một sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới. Tư tưởng xuyên suốt của Nghị quyết hội nghị chính là phương châm hành động, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ với những giải pháp lớn.

Để thực hiện thắng lợi nghị quyết của Trung ương, phát biểu bế mạc hội nghị trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đề nghị: “Lúc này, từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất, các đồng chí Trung ương đến mỗi người dân phải chống xa hoa, lãng phí, phải hạn chế những nhu cầu chưa thật cần thiết, phải soát xét lại những việc xây dựng trụ sở, mua sắm ôtô và các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, giảm bớt các lễ nghi, tiệc tùng... dồn tiền bạc, của cải cho đầu tư phát triển; kiên quyết đấu tranh với các tệ quan liêu, tham nhũng đang là những trở ngại lớn làm triệt tiêu các động lực phát triển, là nguồn gốc của nhiều tệ nạn xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng và chế độ”.

Nguồn sức mạnh vô tận của Đảng là gắn bó mật thiết với nhân dân. Cội nguồn sức mạnh của Đảng là sự tiếp nối và nhân lên những truyền thống dân tộc Việt Nam anh hùng, nghìn năm văn hiến, là nhân dân cần cù, thông minh, nhân hậu và quả cảm.

Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, Bộ Chính trị đã ra chỉ thị về xây dựng thiết chế dân chủ ở cơ sở, lãnh đạo Nhà nước luật hóa chỉ thị này để khắc phục tình trạng quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực; tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, nạn tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân vẫn đang phổ biến và có mặt nghiêm trọng chưa được ngăn chặn.

Đó là điều nhức nhối. Vì vậy, theo đồng chí, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thực chất là việc đổi mới và kiện toàn hệ thống chính trị ở nước ta; nó vừa là một mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm thắng lợi công cuộc đổi mới.

Sau khi nhận trọng trách là người đứng đầu cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương nỗ lực cao độ cho công tác xây dựng Đảng. Từ vị trí then chốt của công tác xây dựng Đảng, từ yêu cầu của thời kỳ mới, từ thực trạng của Đảng ta, theo chương trình toàn khóa, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII xác định Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) bàn và quyết định những nhiệm vụ cơ bản và cấp bách trên một số vấn đề trọng yếu của công tác xây dựng Đảng.

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), với tinh thần rất cao trước Đảng và nhân dân, đồng chí đã phân tích thực trạng của Đảng một cách đầy nhiệt huyết và sâu sắc. Chính từ Hội nghị quan trọng này, Ban Chấp hành Trung ương đã có một quyết định đặc biệt quan trọng là phải tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình.

Cho đến sau này, mặc dù đã thôi giữ những trọng trách khá lâu nhưng đồng chí vẫn là gương mặt ấn tượng trên các diễn đàn và với giới truyền thông, từ đó truyền đi những thông điệp cứng rắn, mạnh mẽ, đấu tranh quyết liệt với sự tha hóa, hư hỏng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp, dân tộc.

Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn kiên định, nhiệt huyết với sự nghiệp của Đảng, của dân; một quân nhân, một nhà lãnh đạo, một người cộng sản chân chính.

Phương Dung
.
.
.