Lần đầu tiên tháp tùng Chủ tịch nước đến CHLB Đức: Những bất ngờ thú vị

Chủ Nhật, 07/02/2016, 09:38
Cuối tháng 11 năm 2015, lần đầu tiên tôi được tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến châu Âu, thăm nước Cộng hòa liên bang Đức. Và có lẽ là lần đầu tiên nên với tôi cái gì cũng mới, lạ, cảm xúc. Ngay việc được đi chuyên cơ đã có nhiều điều thú vị rồi. Cứ thế cảm xúc đến với tôi tự nhiên.


Tôi đã ghi nhận được nhiều điều dù chuyến đi chỉ vỏn vẹn 4 ngày, trong đó đã gần 2 ngày trên máy bay. Thời gian còn lại dưới mặt đất thì kín mít cùng các hoạt động của Chủ tịch nước với Tổng thống, Thủ tướng Đức và nhiều quan chức các cấp.

1. Trong cộng đồng châu Âu thì CHLB Đức là một trong những quốc gia sớm đặt quan hệ với Việt Nam. Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 23-9-1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Từ nhiều năm nay, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở Châu Âu. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác.

Tháng 10 năm 2011, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến thăm Việt Nam. Dịp này Thủ tướng hai nước đã ký tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên…

Trước đó Việt Nam và Đức đã có nhiều đoàn cấp cao như Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao… Đức sang Việt Nam, Việt Nam sang Đức. Chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước cùng phu nhân đến Đức theo lời mời của Tổng thống Joachim Gauck nhằm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đức. Đây cũng là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới nước Đức thống nhất và đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

Trước khi khởi hành chúng tôi đã được đại diện Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chủ tịch nước thông báo ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm. Thế nhưng cái cách mà nước chủ nhà đón đoàn Việt Nam đã cho thấy sự trang trọng, nồng nhiệt. Dù đã được cơ trưởng chuyên cơ thông báo trước nhưng ngay lúc vào đến không phận Đức, hai chiếc phản lực cơ xuất hiện hai bên hộ tống chuyên cơ đoàn Việt Nam đã khiến tất cả thành viên trong đoàn ngạc nhiên pha lẫn tự hào. Lập tức, tất cả máy ảnh, điện thoại hướng ra cửa sổ máy bay tranh thủ ghi lại hình ảnh hiếm gặp này. Hơn nửa giờ sau đó hai phản lực cơ lúc dâng cao, lúc hạ thấp làm nhiệm vụ hộ tống chuyên cơ Việt Nam về sân bay Berlin… 

Sự đón tiếp trọng thị tiếp tục được thể hiện với 21 phát đại bác và một lần nữa hai chiếc phản lực cơ của bạn lại bay ngang chào Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân. Hình ảnh hai chiếc phản lực cơ hộ tống chuyên cơ của Việt Nam là một bất ngờ. Không chỉ riêng tôi, nhiều thành viên trong đoàn cũng tấm tắc, pha lẫn niềm vui. Bởi lẽ trong ngoại giao không có nhiều kiểu đón tiếp như vậy. Và có lẽ chỉ có sự trọng thị đặc biệt nên nước bạn mới thể hiện sự chào đón đặc biệt. Điều đó cho thấy vị thế của Việt Nam được đánh giá cao trong lòng nước bạn. Tôi cảm thấy tự hào về điều đó.

2. Những ngày ở Đức, được dự lễ đón chính thức và nghe thông tin về hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang  và Tổng thống Joachim Gauck; gặp Thủ tướng Angela Markel; tiếp, gặp gỡ những người bạn Đức…, chúng tôi cảm thấy nước Đức gần gũi hơn qua những gì mà bạn dành cho Việt Nam trong nhiều năm qua. Đức là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. 

Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp khoảng 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính. Hợp tác kỹ thuật được thực hiện dưới hình thức cung cấp viện trợ không hoàn lại (khoảng 40%) và tín dụng ưu đãi (khoảng 60%). Tín dụng của Đức có mức ưu đãi thấp 0,75%/năm, thời gian vay 40 năm, 10 năm ân hạn. 

Tại kỳ họp đàm phán về hợp tác phát triển giữa chính phủ Việt Nam và Đức tháng 5 năm 2015, Chính phủ Đức đã cam kết dành cho Việt Nam khoản ODA 220 triệu Euro để thực hiện các dự án trong 3 lĩnh vực hợp tác ưu tiên là năng lượng, môi trường và đào tạo nghề trong giai đoạn 2015-2017. Đức coi Việt Nam là thị trường tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á (Chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). 

Tính đến tháng 9 năm 2015, Đức có 261 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,413 tỷ USD, đứng thứ 22/105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam. Đức có dự án đầu tư tại 34 tỉnh, thành phố trong cả nước, hầu hết tập trung ở các thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối phát triển như TP Hồ Chí Minh (95 dự án với tổng vốn đầu tư 235 triệu USD); Ninh Thuận (2 dự án với tổng vốn đầu tư 157 triệu USD); Đồng Nai (7 dự án với tổng vốn đầu tư 146 triệu USD); Đà Nẵng, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Một số tập đoàn đa quốc gia của Đức đang đầu tư tại Việt Nam như: Siemens (thiết bị y tế), Mercedes-Benz (ôtô), bilfinger (tư vấn thiết kế). Bosch (chế tạo máy), deutsche bank (ngân hàng)…

Hàng năm Đức cung cấp cho Việt Nam nhiều học bổng đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ. Hiện có khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam nhận học bổng nghiên cứu tại Đức và khoảng 4.600 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Đức. Ngoài ra các cơ quan chức năng của hai nước đang tích cực triển khai chương trình đào tạo 85 nghiên cứu sinh/năm tại bang Hessen của Đức.

Trong buổi gặp gỡ những người bạn Đức, một người Đức phát biểu khiến cả hội trường bất ngờ khi ông nói về quá trình đổi mới giáo dục ở Việt Nam. Ông còn dẫn chứng rất rõ việc Việt Nam xem xét đưa môn Sử tích hợp để thay môn Sử độc lập theo truyền thống. Trong buổi nói chuyện thân mật hôm sau, Chủ tịch nước nói vui: “Các vị thấy không, ở đây (ở Đức) người ta nghiên cứu khá kỹ chuyện giáo dục của ta, kể cả chuyện ta đang bàn về dạy tích hợp môn Sử, họ cũng nghiên cứu…”.

3. Tối hôm trước khi từ Berlin về Frankfurt, tôi và anh bạn cùng phòng đón taxi đi một vòng thủ đô Berlin. Thời tiết lúc này khoảng 3-4 độ C. Rét cắt da, cây khô trụi lá. Chúng tôi co ro trong taxi ngắm đường phố rực rỡ đèn hoa chuẩn bị chào đón Noel. Tuy nhiên đường vắng người, tôi nghĩ có lẽ vì lạnh người ta ngại ra đường. Và vì lẽ khác người ta di chuyển hầu hết bằng phương tiện công cộng và đi tàu điện ngầm. Tôi và anh bạn vừa ngắm đường phố vừa bình luận tếu táo. 

Đang nói, bất ngờ nghe bác tài hỏi bằng tiếng Anh “Các bạn là người Việt Nam à?”. Sau khi trả lời, anh bạn tôi hỏi lại “Sao anh biết?”. Bác tài taxi trả lời “Tôi có mấy người bạn Việt Nam, thỉnh thoảng có gặp nhau, nghe các anh nói tôi biết!”. Tôi và anh bạn giật mình. Cũng may nãy giờ chúng tôi không có bình luận gì không hay về nước bạn…

Tác giả tại Thủ đô Berlin.

4. Cộng đồng người Việt ở Đức hiện có khoảng 125.000 người, trong đó 20% đã nhập quốc tịch Đức. Nhìn chung kiều bào ở Đức có cuộc sống tương đối ổn định, đa số theo diện làm công ăn lương hoặc buôn bán nhỏ. Tại Đức, các hình thức tập hợp hội đoàn của người Việt khá đa dạng như “Hội người Việt Nam, hội Đức-Việt, các hội đồng hương, câu lạc bộ thơ-văn, nhiếp ảnh, tổ chức xã hội, từ thiện…”. 

Đa số các tổ chức hội đoàn của người Việt có tinh thần yêu nước, là cầu nối quan trọng giữa các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Đức và cộng đồng, tích cực vận động bà con hướng về quê hương, tham gia các phong trào quyên góp ủng hộ nạn nhân bị nhiễm chất độc dioxin, ủng hộ các chiến sĩ ở hải đảo, tương trợ đồng bào bị lũ lụt… Năm 2011, Liên hiệp người Việt tại Đức được thành lập, thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Việt tại Đức.

Thế hệ người Việt thứ hai ở Đức hội nhập khá thành công, được chính quyền sở tại đánh giá cao so với các cộng đồng nhập cư ở Đức (hơn 50% học sinh đỗ trung học hạng ưu, nhiều em là thành viên các đội tuyển học sinh xuất sắc của Đức như toán, võ thuật, thơ, văn, nhạc…). Hiện nay, các trung tâm dạy tiếng Việt ở Leipzig, Magdeburg, Dresden, Chemnitz, Berlin… đã áp dụng giáo trình tiếng Việt mới của Bộ giáo dục đào tạo.

Ngay buổi chiều ngày 24-11-2015, khi vừa sang Đức được 4 tiếng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân đã gặp gỡ bà con Việt kiều. Trong không khí ấm cúng, bùi ngùi bắt tay bà con đồng bào xa xứ, Chủ tịch nước đã lắng nghe nhiều ý kiến phát biểu bày tỏ tâm tư, tình cảm của người Việt Nam luôn nhớ về quê hương, muốn đóng góp chút gì đó cho đất nước. Có người phát biểu xong hô vang “đoàn kết, đoàn kết, chỉ có đoàn kết chúng ta mới lớn mạnh…”.

Đặc biệt trong số những người phát biểu với Chủ tịch nước có em Thảo Chi, sinh viên năm thứ 2 đại học. Em nói rõ ràng, mạch lạc, đầy tâm huyết của tuổi trẻ: “Cháu rời Việt Nam năm 11 tuổi, hành trang của cháu lúc ấy là 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng. Hơn 10 năm qua, cháu đã đi nhiều nới, cháu đã gặp nhiều người ở nhiều quốc gia khác nhau. Cháu đã học được rất nhiều ở nước Đức. Cháu đã trở thành công dân Đức nhưng với cháu, Việt Nam lúc nào cũng là quê hương, là đất mẹ mà cháu luôn hướng về. Nước Đức nuôi cháu trưởng thành, cháu xem như mẹ, nhưng là mẹ nuôi thôi, còn Việt Nam mới chính là mẹ ruột…”.

Cả hội trường chìm lắng, rồi vỡ òa sau lời phát biểu của Thảo Chi, phu nhân Chủ tịch nước bước lên ôm cháu vào lòng, xem như con, như cháu… Đó là tình cảm thật. Tình cảm thiêng liêng của những người con đất nước Việt Nam. Nhiều người đã lấy khăn thấm dòng nước mắt. Tôi cũng vậy. Những giọt nước mắt xóa nhòa ranh giới kéo mọi người Việt Nam lại gần nhau hơn trong vòng tay.

Kim Thẩm
.
.
.