Khai mạc phiên họp lần thứ 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ Năm, 26/02/2015, 09:06
Sáng 25/2, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 35, thảo luận dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
>> Không phân biệt tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội với Hội đồng nhân dân

Dự thảo quy định nguyên tắc vận động bầu cử tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Về những hành vi bị cấm khi vận động bầu cử, dự thảo luật quy định không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; không được sử dụng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

Về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu, hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với dự thảo luật, theo đó chỉ dẫn chiếu các quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định cụ thể về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu ở trong dự thảo luật nhằm nâng cao chất lượng đại biểu. UBTV Quốc hội cho rằng, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đã được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 cùng với dự án Luật Bầu cử). Việc quy định quá cụ thể, chi tiết các tiêu chuẩn ứng cử sẽ cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử đã được Hiến pháp quy định.

Do đó, để bảo đảm chất lượng, từng bước nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ của đại biểu, thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quyền giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm, chủ động sàng lọc, giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm đại biểu cho mình. Các cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn lựa chọn đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử HĐND từng cấp cũng như tiêu chuẩn riêng đối với người ứng cử để làm đại biểu hoạt động chuyên trách để các cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào đó phát hiện, giới thiệu được những ứng cử viên có chất lượng. Các nội dung này hoàn toàn không trái với quy định về quyền ứng cử trong Hiến pháp, không cần quy định trong Luật Bầu cử.

Một số ý kiến đề nghị cần phân biệt rõ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND với tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội. Về vấn đề này, UBTV Quốc hội cho rằng, đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đều là những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước. Việc phân biệt rõ tiêu chuẩn ứng cử của hai đối tượng này là không có cơ sở và không cần thiết.

Về dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND (Điều 7 và Điều 8), qua thảo luận, nhiều ý kiến kiến nghị quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử, người trẻ ngay trong luật chứ không nên quy định có “số lượng thích đáng” như hiện nay. UBTV Quốc hội nhận thấy, việc xác định cơ cấu, thành phần đại biểu là yêu cầu khách quan, cần thiết nhằm bảo đảm chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, quy định cụ thể cơ cấu, thành phần, phân bố đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ngay trong luật lại là điều khó khả thi. Bởi lẽ, việc dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tùy theo yêu cầu của từng giai đoạn, từng địa phương nhất định và đặc biệt là phải đáp ứng được yêu cầu của công tác cán bộ.

Chiều qua, UBTV Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Trưng cầu ý dân (do Hội Luật gia chủ trì soạn thảo). Có 7 vấn đề lớn được đưa ra xin ý kiến gồm: Về trưng cầu ý dân; phạm vi trưng cầu ý dân; giám sát trưng cầu ý dân; chủ thể có quyền trưng cầu ý dân; Ủy ban trưng cầu ý dân Trung ương; thiết kế các quy định, danh sách cử tri, bỏ phiếu; kết quả trưng cầu ý dân.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, phạm vi trưng cầu ý dân như quy định của dự thảo còn chung chung, cần quy định cụ thể hơn. Ông cũng lo ngại kinh phí tổ chức rất lớn, do đó đề nghị Ban soạn thảo cần tính toán cụ thể hơn.

Về phạm vi trưng cầu ý dân, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị trưng cầu trên toàn quốc. “Ví dụ như khi xây dựng nhà máy thủy điện ở một vùng, cần phải trưng cầu ý dân” – ông Dũng nói. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa, đây là dự án luật quan trọng nhưng cũng hết sức nhạy cảm, do đó những vấn đề được trưng cầu ý dân cần phải nghiên cứu kỹ.

Đ.Minh
.
.
.