Hội nhập quốc tế mà làm nửa vời là thất bại

Thứ Tư, 20/12/2017, 14:20
Sáng 20-12, Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế đã tổ chức diễn đàn Hội nhập Kinh tế Quốc tế Việt Nam 2017: Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới, với sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo một số bộ, ngành và nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Việt Nam đã nhận được gì từ hội nhập?

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế từ sau khi gia nhập WTO, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Hội nhập đã có tác động tích cực đến nhiều mặt như thể chế kinh tế; tăng trưởng thương mại, dịch vụ; thu hút FDI. Về mặt thể chế, từ việc cải thiện một cách thụ động để đáp ứng yêu cầu hội nhập vào những năm 2007, đến nay, Việt Nam đã đi trước một bước nhằm thúc đẩy cải cách thể chế, chuẩn bị cho cộng đồng DN. Nhờ đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 14 bậc trong năm 2017, lên thứ 68/190 nền kinh tế được xếp hạng.

Về thương mại, dịch vụ, giai đoạn 2007 – 2017, tăng trưởng xuất khẩu bình quân 16,6%/năm, tuy thấp hơn giai đoạn trước đó (19,4% của giai đoạn 2000 – 2006), nhưng vẫn được xem là tích cực trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2017 gấp 4 lần năm 2007. Giai đoạn này, Việt Nam cũng thu hút khoảng 18.000 dự án với số vốn đăng ký khoảng gần 300 tỷ USD, bằng 3,8 lần giai đoạn trước WTO. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cũng tăng nhẹ từ gần 35% năm 2007 lên 49% năm 2017...

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, quá trình hội nhập cũng còn một số tồn tại mà ban chỉ đạo đã điểm danh 3 vấn đề chính: Việc triển khai chiến lược hội nhập quốc tế chưa đồng bộ; Cải cách trong nước, nhất là thể chế chưa đáp ứng yêu cầu; Khả năng nhận định, đánh giá và dự báo xu thế chưa cao.

TS Vũ Thành Tự Anh – Trường Chính sách công Fulbright cảnh báo: Hội nhập là quan trọng nhưng phương thức hội nhập còn quan trọng hơn. Hội nhập mà ta thành trung gian để DN FDI đến xuất khẩu nhờ thì chưa tốt, mà phải đi đôi với tăng năng suất lao động, tăng cạnh tranh và nâng cao mức sống của người dân – đó là điều chúng ta đã làm tốt, nhưng có thể làm tốt hơn rất nhiều.

TS Vũ Thành Tự Anh cũng cảnh báo những tín hiệu mà một nền kinh tế phụ thuộc lớn vào đầu tư nước ngoài và vào thương mại như Việt Nam phải lưu ý, đó là xu hướng “bình thường mới”, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm đi và chủ nghĩa bảo hộ đang trở lại. Theo ông Tự Anh, các nhà kinh tế học hết sức bối rối vì lần đầu tiên chứng kiến tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu, trong khi trước đó thương mại thường tăng gấp đôi. Đây là một thông điệp quan trọng mà Việt Nam không thể bỏ qua, một cảnh báo mà một đất nước phụ thuộc lớn vào thương mại như Việt Nam phải nhìn thấy để vừa hội nhập vừa chăm lo cho thị trường trong nước. Phải bảo vệ thị trường trong nước, chứ không thể mở toang thế này được. Nếu vậy, ta vẫn hăm hở xuất khẩu và để thị trường trong nước cho DN FDI thao túng.

Ngoại lực chỉ giúp chúng ta đi được một quãng đường

Nhận định về những đóng góp của DN FDI, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Chúng ta đang đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan – “thiếu FDI thì rất tệ mà có thì không phải không có vấn đề”, khi khối FDI đóng góp đến 3/4 kim ngạch xuất khẩu và đóng góp lớn vào tăng trưởng, nhưng lại không tạo ra được sự lan tỏa về công nghệ và đang bỏ xa khối DN nội vẫn đang yếu ớt, manh mún.

Chung quan điểm này, ông Vũ Thành Tự Anh cho biết: Để trả lời câu hỏi chúng ta được lợi gì từ hội nhập, gần đây, chúng tôi có nghiên cứu về cụm ngành điện tử của Việt Nam và thấy rằng trong chuỗi giá trị của Intel và mạng lưới của Samsung thì DN Việt Nam về cơ bản không trở thành nhà cung ứng. 6 nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của Samsung là DN Hàn Quốc, thậm chí xử lý chất thải, bán suất ăn công nghiệp cho công nhân cũng là DN Hàn Quốc. Giá trị Việt Nam đóng góp vào chuỗi giá trị của Intel, Samsung chỉ một vài điểm %. “Đầu tư nước ngoài là quan trọng, nhưng đầu tư nước ngoài đóng góp cho Việt Nam như thế nào lại quan trọng hơn. Ngoại lực chỉ giúp chúng ta đi được một quãng đường, cuối cùng vẫn phải dựa vào nội lực mới có thể bền vững, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên” – ông nhấn mạnh.

“Việt Nam tự cường là mục tiêu của chúng tôi”

Bày tỏ đồng ý với ý kiến của ông Vũ Thành Tự Anh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị cần có cái nhìn toàn cục, không được phê phán một chiều, vì nếu không có đầu tư nước ngoài thì nền kinh tế chưa đạt được trình độ quản lý, công nghệ, sản phẩm... như hiện nay. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải nhìn nhận bất cập, tồn tại, thẳng thắn thấy rằng chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội mà nếu làm tốt hơn sẽ mang lại lợi ích cho quốc gia dân tộc nhiều hơn.

Thủ tướng khẳng định tinh thần tự cường của Việt Nam, nhưng trân trọng sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế

“Cạnh tranh của chúng ta chưa bắt kịp với hội nhập, cả ở cấp độ quốc gia và cấp độ sản phẩm. DN FDI thì phát triển tốt, đáng mừng, nhưng tư bản trong nước và tư bản nước ngoài chưa kết hợp với nhau để có 1 nền kinh tế thống nhất. Chúng ta có nhiều tiến bộ về môi trường kinh doanh, nhưng mới ở nhóm ASEAN 4 thôi, trong khi chúng ta muốn đứng đầu nhóm này và hướng tới OECD. Mặc dù đã cố gắng lắm, nhưng sự trì trệ còn níu kéo chúng ta” – Thủ tướng thẳng thắn.

Khẳng định Chính phủ Việt Nam kiên trì hội nhập, Thủ tướng yêu cầu phải cải cách mạnh mẽ bên trong để phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế, từ tổ chức lại sản xuất, an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu đến tái cơ cấu mạnh mẽ, thực chất nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy Chính phủ kiến tạo để tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn. Thủ tướng yêu cầu phải có nhận thức tốt hơn về vấn đề này, tránh tình trạng “bộ máy chạy không đều, kẻ đẩy người kéo, cua bò ngang chứ không bò thẳng”.  

“Tôi quán triệt các đồng chí, trước hết cần giải quyết một số việc chúng ta đã phát hiện ra: Quan hệ giữa DN FDI và DN trong nước, nhận thức về hội nhập, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị quốc gia và DN... Tất cả những điểm yếu cần phải tập trung khắc phục... Tiến trình hội nhập nói chung và việc hội nhập kinh tế cần có quyết tâm chính trị cao với sự sáng tạo, nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành. Không có quyết tâm cao, hành động cụ thể mà làm nửa vời thì chúng ta thất bại” Thủ tướng nêu rõ. Đồng thời, Thủ tướng cũng bày tỏ cảm ơn các đối tác nước ngoài, các chuyên gia đã đồng hành với Việt Nam trong tiến trình phát triển. “Tinh thần phát huy nội lực, Việt Nam tự cường là mục tiêu của chúng tôi, nhưng chúng tôi luôn hoan nghênh và trân trọng sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè quốc tế” – Thủ tướng bày tỏ.

Vũ Hân
.
.
.