Hoàn thành giai đoạn 1 dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng
- Xử lý dioxin tồn tại ở sân bay Đà Nẵng như thế nào?
- Công ty TerraTherm xử lý dioxin tại Đà Nẵng
- Khởi động dự án xử lý dioxin tại các vùng nóng ở Việt Nam
Chiều 3/5, tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cùng đại diện một số cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan và TP. Đà Nẵng dự lễ công bố hoàn thành giai đoạn 1 dự án xử lý dioxin ở sân bay Đà Nẵng.
Khởi động từ năm 2014, đến nay dự án nói trên đã hoàn thành xử lý 45.000 m³ đất nhiễm dioxin theo công nghệ khử hấp thu nhiệt trong mố, đạt các tiêu chuẩn về an toàn; làm sạch 15/19 ha đất bị nhiễm dioxin.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là chất độc hoá học là nội dung rất quan trọng trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ. Ảnh: VGP/Đình Nam. |
Bằng nhiều nỗ lực không mệt mỏi, các cơ quan của Việt Nam và Hoa Kỳ đã trao đổi những vấn đề khoa học, công nghệ còn khác nhau, phối hợp đánh giá tồn lưu dioxin, môi trường sân bay Đà Nẵng; thực hiện một số hoạt động nghiên cứu, khắc phục hậu quả của chất da cam dioxin đối với môi trường; chia sẻ thông tin về tác hại đối với con người, đồng thời triển khai dự án hỗ trợ người khuyết tật mà không phân biệt do nguyên nhân gì.
Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu bởi dự án còn rất nhiều khó khăn, thách thức khi kéo dài thêm 3 năm (đến năm 2018); khối lượng đất và trầm tích cần xử lý tăng gấp đôi (từ 72.900 m³ lên khoảng 148.000 m³). Cùng với đó là phải khắc phục một số sự cố về môi trường như vượt ngưỡng khí thải, nước thải hệ thống xử lý, vượt ngưỡng dioxin trong không khí mặt mố xử lý nhiệt.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là chất độc hoá học là nội dung rất quan trọng trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ.
Vì vậy, dù không lớn về quy mô tài chính nhưng dự án có ý nghĩa như một dấu mốc quan trọng, thể hiện nhận thức và hành động của Chính phủ hai nước trong việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, vì hoà bình, phát triển, hợp tác giữa hai nước, trong khu vực và trên thế giới.
Ảnh: VGP/Đình Nam. |
"Sân bay Đà Nẵng từng bị ô nhiễm chất độc dioxin đã được làm sạch, được giao lại để làm cảng hàng không, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội", Phó Thủ tướng phát biểu.
Đánh giá cao thành công bước đầu của dự án, Phó Thủ tướng lưu ý không chỉ sân bay Đà Nẵng mà còn nhiều địa điểm ở Việt Nam bị ô nhiễm dioxin, rất nhiều người bị tàn tật do nhiễm chất độc da cam/dioxin, thậm chí tương lai con cháu họ cũng có thể bị ảnh hưởng. Cùng với đó là hàng triệu tấn bom mìn chưa được rà phá triệt để, đe dọa cuộc sống hàng ngày của người dân.
Phó Thủ tướng đề nghị phía Hoa Kỳ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án khắc phục hậu quả chiến tranh, tiếp tục tài trợ cho các dự án xử lý những điểm nóng về ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hoà (Đồng Nai) và sân bay Phù Cát (Bình Định), góp phần cụ thể hoá mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước đang phát triển ngày càng sâu rộng và có nhiều điều kiện để nâng lên, mở rộng.