Xử lý dioxin tồn tại ở sân bay Đà Nẵng như thế nào?

Thứ Ba, 22/04/2014, 09:52
Dioxin trầm tích trong bùn, đất sẽ phân hủy thành chất vô hại. Đó là khẳng định của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sau khi xử lý hấp nhiệt bùn, đất bị nhiễm dioxin tại lễ khởi động hệ thống xử lý nhiệt Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng tổ chức vào ngày 19/4. Theo đó, khi nung ở nhiệt độ cao, liên kết phân tử của hợp chất dioxin bị phá hủy khiến hợp chất dioxin bị phân hủy thành các chất vô hại khác, chủ yếu là khí cacboníc, clorua và nước (CO2, H2O và Cl2).

Theo USAID, theo kết quả phân tích mẫu đất và bùn tại sân bay Đà Nẵng và các khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng do Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ và các nhà phân tích độc lập thực hiện, có 6 khu vực thuộc sân bay nằm trong căn cứ quân sự được xác định là có hàm lượng dioxin cao cần phải xử lý. Các khu vực khác ở sân bay mà hành khách có thể tiếp cận dễ dàng như: nhà ga, khu đỗ xe… thì không bị nhiễm dioxin. Các phân tích trước đây của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ và các nhà phân tích độc lập cũng chỉ ra rằng, không có khu vực nào bên ngoài sân bay Đà Nẵng bị ô nhiễm dioxin với hàm lượng cao cần xử lý. Dự kiến khoảng 73.000m3 bùn, đất bị ô nhiễm dioxin đến mức 150ppt tại 6 khu vực nằm trong sân bay như: hồ sen, đầm lầy phía Đông, mương thoát nước nối giữa hồ và đầm lầy… sẽ được xúc và xử lý sạch dioxin bằng phương pháp hấp nhiệt.

Nếu cứ áp dụng biện pháp chôn lấp, tẩy rửa truyền thống, xử lý bằng công nghệ sinh học thì không thể xử lý triệt để được dioxin trầm tích trong bùn, đất. Do đó, các chuyên gia kỹ thuật của USAID đã nghiên cứu và sử dụng phương pháp hấp nhiệt để xử lý hay còn gọi là khử hấp thu nhiệt. Vào năm 2010, USAID đã thực hiện và báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án xử lý ô nhiễm dioxin, trong đó có phân tích các điều kiện tại sân bay Đà Nẵng và đã đánh giá một số công nghệ xử lý dioxin. Công nghệ xử lý khử hấp thu nhiệt được xác định là phương pháp hiệu quả nhất và đã được minh chứng về mặt khoa học để phân hủy dioxin và có tác động thấp nhất đến sức khỏe con người cùng môi trường trong điều kiện đặc thù của khu vực dự án.

Công nghệ này là một công nghệ xử lý dioxin cải tiến, áp dụng quy trình dẫn nhiệt và hút chân không để xử lý đất và bùn nhiễm dioxin. Đất và bùn đào lên được đưa vào mố hoàn toàn kín nằm trên mặt đất. Các thanh nhiệt hoạt động ở nhiệt độ từ 750-800oC (1.400-1.500oF) làm tăng nhiệt độ của toàn bộ mố lên đến ít nhất là 335oC (635oF). Ở nhiệt độ này, liên kết phân tử của hợp chất dioxin bị phá hủy, làm cho hợp chất dioxin bị phân hủy thành các chất vô hại khác, chủ yếu là khí cacboníc, clorua và nước (CO2, H2O và Cl2).

Các thiết bị dẫn nhiệt và hấp thu, xử lý bùn và đất ô nhiễm dioxin tại bể chứa.

Đất và bùn ô nhiễm sẽ được đưa an toàn vào kết cấu mố theo 2 giai đoạn và đưa vào bể chứa rộng 70m, dài 100m, cao 8 mét được xây dựng tại sân bay. Đất và trầm tích sẽ được làm nóng tới ít nhất 335oC thông qua 1.254 giếng truyền nhiệt và nung trong vài tháng để làm phân hủy chất dioxin. Sau khi kết quả phân tích mẫu đất khẳng định đất đã sạch, đất và bùn đã được làm sạch trong giai đoạn 1 (khoảng 45.000m3 đất và bùn trong tổng số 73.000m3) sẽ được đưa ra khỏi kết cấu mố, đồng thời đất và bùn ô nhiễm thuộc giai đoạn 2 sẽ được đưa vào kết cấu mố để tiến hành quá trình nung nóng tương tự.

Theo dự kiến, trên 95% dioxin sẽ bị phân hủy trong quá trình xử lý nhiệt này. Phần dioxin bay hơi sẽ được chân không hóa ở ngoài và đưa vào hệ thống xử lý thứ cấp dành cho chất lỏng và hơi thoát ra từ mố. Hệ thống xử lý thứ cấp sẽ bảo đảm không để dioxin hoặc các ô nhiễm khác bay ra ngoài môi trường. Đất và trầm tích sau khi được xử lý sẽ được đưa ra khỏi kết cấu bể chứa và sẽ an toàn cho sử dụng trong công nghiệp và thương mại theo các tiêu chuẩn về dioxin.

Đại sứ Hoa Kỳ David B. Shear trong bài phát biểu tại lễ khởi động hệ thống xử lý nhiệt Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng tổ chức vào ngày 19/4, cho hay: “Kể từ khi USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam khởi công dự án này vào tháng 8/2012, chúng ta đã có được nhiều thành quả. Trước mắt, đã xây dựng được một bể chứa đầy 45.000m3 đất và bùn ô nhiễm dioxin, đã lắp đặt các hệ thống cấp điện và công nghệ xử lý có khả năng phân hủy dioxin và các chất gây ô nhiễm khác để bảo đảm sức khỏe, môi trường và người dân thành phố Đà Nẵng. Từ ngày hôm nay, đất nhiễm dioxin sẽ được xử lý. Sau khoảng 4 tháng, đất sẽ được phân tích để khẳng định các mục tiêu làm sạch của dự án đã đạt được. Và các khu vực có đất ô nhiễm dự kiến sẽ được làm sạch vào cuối năm 2016”.

Với dự án này của Hoa Kỳ đã góp phần giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm dioxin từ nguồn nước mặt, nước ngầm, đất và không khí cho người dân sinh sống xung quanh khu vực sân bay Đà Nẵng nói riêng và toàn TP Đà Nẵng nói chung. Thành công của dự án cũng sẽ giúp TP Đà Nẵng đẩy nhanh tiến trình hoàn thành đề án “Xây dựng Đà Nẵng- Thành phố môi trường” và tiền đề để 2 chính phủ tiếp tục xử lý tiếp nhiễm độc dioxin tại 6 sân bay khác trên cả nước. Được biết, Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã hợp tác về các vấn đề liên quan đến các chất da cam từ năm 2000 và Hoa Kỳ đã đầu tư cho dự án lên đến 84 triệu USD với 4 mục tiêu quan trọng mà phía Hoa Kỳ đưa ra là loại bỏ mối đe dọa từ dioxin cho người dân, khẳng định sự quan tâm của chính phủ Hoa Kỳ đến các vấn đề liên quan đến dioxin, khẳng định sự hợp tác giữa 2 nước trong việc giải quyết vấn đề đã cản trở mối quan hệ trong 3 thập kỷ qua và nhằm cải thiện các dịch vụ dành cho người khuyết tật, kể cả khuyết tật có thể do chất độc da cam gây ra.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, cho rằng: “Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt, bên cạnh nỗ lực của Việt Nam là sự giúp đỡ tận tình của Hoa Kỳ. Sự thành công của dự án không chỉ khắc phục hậu quả quá khứ mà còn là con đường mở ra sự hợp tác trong tương lại của Việt Nam và Hoa Kỳ”

Viết Nam
.
.
.