Gỡ vướng cho công trình trạm biến áp và tuyến dây 500kV đầu tiên do tư nhân làm
- Chính phủ khuyến khích phát triển điện mặt trời để kinh doanh
- Thủ tướng đồng ý bổ sung dự án điện mặt trời 450 MW vào quy hoạch
- 24,2 triệu USD xây dựng nhà máy điện mặt trời Sê San 4
- Bộ trưởng Công thương lý giải nguyên nhân "vỡ quy hoạch" điện mặt trời
- "Phất” nhờ điện gió, điện mặt trời
Chỉ đạo ngay tại công trường dự án, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của nhà đầu tư và chính quyền tỉnh Ninh Thuận và các bộ ngành liên quan trong việc tạo thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ dự án. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đây là dự án hạ tầng truyền tải đầu tiên được giao cho tư nhân thực hiện, nếu để ngành điện đầu tư, thời gian sẽ kéo dài bởi phải chờ thu xếp vốn. Do đó, các bộ ngành và tỉnh Ninh Thuận cần quan tâm, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc để dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Phó Chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển chỉ đạo tại hiện trường dự án. |
Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch TrungNam Group - DN đầu tư dự án cho biết, hiện số vật tư thiết bị trị giá hàng ngàn tỷ đồng đã được nhà đầu tư nhập về dự án. Nếu được tỉnh Bình Thuận ủng hộ phần thi công tuyến dây 500 kV qua địa bàn tỉnh này, tháng 9 tới dự án sẽ được đưa vào vận hành. Ông Vũ Đình Tân, Giám đốc dự án cho biết thêm, sau gần 2 tháng thi công, hiện tiến độ dự án đã đạt 76%, trong đó riêng công trình Trạm biến áp 500 kV đã đạt 80% khối lượng. Tuyến dây 220 kV cũng đã được hoản thành toàn bộ phần móng trụ và đang được lắp dựng cột điện. Riêng tuyến dây 500kV đấu nối từ dự án về Trạm 500kV Vĩnh Tân với chiều dài hơn 15 km hiện cũng đã được hoàn thành 73% số trụ móng và lắp dựng được gần 65% số cột điện. Ông Tân cho hay, với tốc độ triển khai thi công hiện nay, khả năng dự án sẽ rút ngắn khoảng 1/10 thời gian so với dự kiến ban đầu.
Cam kết với lãnh đạo Quốc hội sẽ hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách của địa phương trong năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho biết, Tập đoàn điện lực Việt Nam và nhà đầu tư đều nỗ lực gỡ vướng để đẩy nhanh tiến độ dự án. Khi dự án này được đưa vào hoạt động cuối năm nay, toàn bộ công suất của các nhà máy điện gió, điện mặt trời tại Ninh Thuận sẽ được giải tỏa. Cùng lúc, GDP năm nay của Ninh Thuận sẽ tăng thêm 4,5%. Theo ông Vĩnh, công suất phát của cả tỉnh Ninh Thuận hiện mới đạt khoảng 2.200MW trong khi công suất của trạm lên đến 6.000MW nên còn dư tải rất lớn để địa phương phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Nói về công nghệ của các dự án điện mặt trời tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng đầu nhà đầu tư và tỉnh Ninh Thuận đã thành công trong việc triển khai dự án để góp phần khắc phục tình trạng mất cân đối giữa nguồn phát và hạ tầng truyền tải. Tuy nhiên ông cũng lưu ý với nhà đầu tư và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận rằng điện mặt trời chỉ lả dự án công nghệ quang điện nên nhà đầu tư và UBND tỉnh cần sớm tiếp cận với công nghệ mới như công nghệ dùng nhiệt năng đốt nóng hơi nước để phát điện của nước ngoài.
Liên quan đến phần diện tích 3,8 ha rừng bị ảnh hưởng do thi công trụ điện và hành lang tuyến đường dây 500KV, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh khẳng định đây là diện tích hành lang cần có để phục vụ thi công và vận hành tuyến dây 500kV chứ không gây ảnh hưởng nhiều đến rừng. Mặt khác rừng ở khu vực này chủ yếu là rừng nghèo và cây bụi. Ông Vũ Đình Tân cho biết thêm, diện tích đất rừng thực tế sử dụng cho việc trồng trụ điện chỉ chiếm khoảng 0,5 ha. Phần tuyến dây chạy trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 14 trụ nhưng hiện chỉ còn vướng 5 trụ do dính đất rừng. Để gỡ vướng cho dự án, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan để trình Thủ tướng quyết định.