Đưa vào luật hình sự không có nghĩa là bỏ tù, là trừng phạt

Thứ Bảy, 27/05/2017, 15:22
Sáng 27-5, buổi làm việc “phá lệ” vào ngày nghỉ của Quốc hội nhằm thảo luận về Bộ Luật hình sự đã diễn ra dưới sự chủ trì của đích thân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tuy nhiên buổi thảo luận đã sa quá nhiều vào tranh luận phạm vi miễn trừ trách nhiệm của luật sư khi không tố giác tội phạm trong quan hệ với thân chủ - điều đã không phát sinh hệ quả pháp lý suốt 30 năm nay (như đại biểu Nguyễn Chiến – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam thừa nhận), chứ không về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người vị thành niên - vấn đề mà Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đưa ra một cách tiếp cận rất mới, cần cân nhắc để thiết kế lại điều luật.

Xử lý những tội trẻ em ít mắc, bỏ ra khỏi luật những tội hay mắc là quy định ngược?

Dù thống nhất với nhau về việc phải xử lý nhân đạo hơn với trẻ em, không thiên về hình phạt mà thiên về giáo dục, răn đe; nhưng các đại biểu (ĐB) lại có quan điểm rất khác nhau về thế nào là nhân đạo, thế nào là “tốt nhất cho trẻ em”.

Bày tỏ thống nhất cao với những gì ĐB Lưu Bình Nhưỡng đã phát biểu trên hội trường, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng luật ra đời là công cụ pháp lý để đấu tranh phòng và chống tội phạm chứ phải chỉ là chống, không phải nói đến hình sự là phải đi tù. 

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng “luật là để phòng tránh, ngăn ngừa tội phạm, để làm xã hội lành mạnh hơn và khi vi phạm xảy ra có cơ sở để xử lý. Tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên có chiều hướng gia tăng ngày càng phức tạp hơn, Quốc hội khóa 13 cũng có đánh giá của mình bằng thực tiễn để đưa ra lý lẽ điều chỉnh việc này. Nay ĐB phát biểu lại nói rằng tội phạm lứa tuổi này không tăng. Vậy thì sửa điều này cần làm rõ, trên cơ sở thực tiễn” – ĐB Quyết Tâm bày tỏ. 

Nhiều ĐB đã bỏ ngày nghỉ để đến nghe góp ý về Bộ Luật Hình sự trong phiên làm việc đặc biệt của Quốc hội

“Nhiều ĐB nói đến tâm lý lứa tuổi, môi trường xã hội... nhưng tôi nhìn ở góc độ khác là hậu quả xã hội, hậu quả để lại cho người bị hại, sự cảnh báo xã hội và tính công bằng trước pháp luật cũng cần được cân nhắc”. 

Tuy nhiên, ĐB Quyết Tâm lại thống nhất với đề xuất của Chính phủ tại phương án 2, tức là trẻ lứa tuổi này không phải chịu trách nhiệm về các tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng – khác với quan điểm Quốc hội 13 đã thông qua trong Bộ luật hình sự 2015.

Vì lẽ đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng tiếp tục tranh luận do “nhiều ĐB nói tán thành với tôi, nhưng lại kết luận ngược tôi”. “Nói về tính nhân đạo, tôi rất đồng tình với ý kiến ĐB Quyết Tâm, khía cạnh nhân đạo trong mối quan hệ giữa kẻ phạm tội với nạn nhân và nhân đạo với chính kẻ phạm tội, ta xem xét khía cạnh nào trước? Như ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã nói, bảo đảm quyền lợi số đông chính là nhân đạo. Nếu đặt con em mình vào vị trí nạn nhân thì chúng ta bảo vệ ai? Chúng ta có bình tĩnh ngồi đây nói rằng thôi đừng xử lý nữa không? Các vị vẫn dùng lý lẽ nhận thức các em thấp nên miễn trách nhiệm hình sự, nhưng thực tiễn trẻ em chủ yếu phạm các tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng - vắn tắt gọi là tội vặt, chủ yếu là đánh nhau, gây thương tích... giết người bắt cóc ít khi xảy ra. Chúng ta lại chỉ xem xét xử lý tội mà trẻ em ít mắc vào, còn không xử lý ở những tội mà hiện họ đang làm, vậy là ngược rồi. Nguyên lý pháp quyền là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, có quyền được bảo vệ, có tội phải xử lý. Tôi tán thành việc không áp dụng hình phạt nặng, nhấn mạnh xử lý qua hòa giải, giáo dục, hạn chế bỏ tù... nhẹ hơn người thành niên. Nhưng với việc trẻ hóa tội phạm - cả xã hội lên án mà luật pháp chúng ta lại bỏ ra thì không phúc đáp được yêu cầu xã hội”. 

Số liệu tội phạm trẻ em tăng - giảm đều không có căn cứ

ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh: “Về nguyên tắc xử lý với trẻ vị thành niên, Điều 91 và 94 đã có nói rằng “việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất... chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội... phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm” chứng minh chúng ta đang làm đúng hướng, đã xem xét đặc trưng lứa tuổi và khía cạnh nhân đạo, nhưng không loại trừ việc không xử lý trong Bộ luật hình sự. Bỏ ra ngoài luật là có tội với nhân dân, xử lý các em với tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là đi ngược với tâm lý của trẻ em” – ĐB Nhưỡng phát biểu.

Đến phiên làm việc này, các ý kiến tranh luận vẫn rất gay gắt

Tranh luận lại với ĐB Nhưỡng, là người ủng hộ việc thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự với trẻ em, ĐB Nguyễn Thái Học cho rằng “với tư cách người làm luật, không nên chỉ đặt mình vào vị trí thân nhân người bị hại, mà phải xem xét toàn diện. Việc mở rộng hay thu hẹp phạm vi là chúng ta phải xem xét thực tiễn là tình hình phạm tội của lứa tuổi này như thế nào. Đa số ĐBQH ủng hộ phương án 1 với lý do tội phạm này diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, nhưng ĐB khác có số liệu cho thấy tội phạm lứa tuổi này giảm, không tăng”. 

Phản biện gay gắt, ĐB Nhưỡng cho rằng thực tế xã hội đang phát sinh tội phạm trẻ tuổi gây bức xúc, con số thống kê không thể bao quát hết. Bình tĩnh hơn, một số ĐB dưới hội trường nêu thực tế là từ trước đến nay trẻ em đủ 14 đến dưới 16 tuổi chưa bị xử lý hình sự với tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, nên đương nhiên không thể có con số thống kê. Đơn giản là chưa hề có 1 vụ nào cả. Do đó, các ĐB tranh luận tăng hay giảm là hoàn toàn không có căn cứ.

Trên hội trường ngày 24-5, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đưa một cách tiếp cận mới rất đáng chú ý, cho rằng không nên tập trung vào phân chia lứa tuổi một cách cơ học là 14 – 16, 16- 18, mà nên căn cứ vào nhận thức về hành vi để xử lý: 15 tuổi phạm tội có tổ chức, cố ý phạm tội đến cùng thì phải xử lý nặng hơn 17 tuổi phạm tội lần đầu, trong trạng thái bị kích động. 

Với lý lẽ này, ĐB Nguyễn Hòa Bình cho rằng chỉ nên loại trừ trách nhiệm hình sự với tội vô ý, còn tội cố ý phải chịu trách nhiệm, nhưng khung hình phạt nhẹ hơn so với người thành niên, thiên về giáo dục, răn đe hơn. Do đó, điểm cần tập trung thảo luận là Điều 91 về nguyên tắc xử lý với người phạm tội dưới 18 tuổi, chứ không phải Điều 12, vì thiết kế theo cách liệt kê tội như Điều này thì có liệt kê bao nhiêu cũng thiếu, cũng bỏ lọt tội phạm và cũng không đảm bảo công bằng trong chính sách hình sự (vì khó lý giải vì sao chọn tội này chứ không chọn tội khác).

Tuy nhiên, rất tiếc, trong phiên tranh luận cuối cùng trước khi Bộ luật được thông qua, các ĐB vẫn không mấy quan tâm đến quan điểm này. Được biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phát phiếu lấy ý kiến các ĐB lần 2 về Điều 12 này, vẫn theo cách tiếp cận cũ, và sẽ quyết theo đa số. 


Vũ Hân
.
.
.