Dòng người đổ về viếng lễ tang cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Thứ Tư, 21/03/2018, 19:09
Dòng người từ khắp nơi đổ về Hội trường Thống Nhất, trong đó có rất nhiều người già, học sinh, sinh viên...để thắp nén nhang tiễn biệt cố Thủ tướng đáng kính Phan Văn Khải. Có người bận việc tranh thủ được thời gian nghĩ trưa tìm đến. Nắng gay gắt nhưng không ngăn được tình cảm của người dân đối với cố Thủ tướng Phan Văn Khải... 


Chiều 21-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa vào viếng "Anh Sáu Khải". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thắp nén hương, đi vòng quanh linh cữu cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông tự tay chỉnh lại lá quốc kỳ phủ trên linh cữu người anh đáng kính. 

Sau đó Thủ tướng đến bên gia quyến ông Phan Văn Khải chia sẻ nỗi buồn và động viên mọi người.

Theo kế hoạch tang lễ cố Thủ tướng Phan Văn Khải, lễ truy điệu sẽ được tổ chức trọng thể lúc 7h30 ngày 22-3 tại Hội trường Thống Nhất (quận 1, TPHCM) và lễ an táng lúc 11h cùng ngày tại quê nhà xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.

Cũng trong ngày 21-3, hàng chục đoàn học sinh, sinh viên đang học tập tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã về viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Nhiều gương mặt thất thần khi đứng trước linh cữu của cố Thủ tướng Phan Văn Khải lâm râm lời khấn nguyện. 

Trong những đoàn học sinh, sinh viên đến viếng bác “Sáu Khải” có những cặp mắt đỏ hoe, rơm rớm chực tuôn nước mắt. Em Hồ Thị Thảo-sinh viên học viện hành chính Quốc Gia đau đớn: “Hôm nay con được viếng tang bác! Cho con được gọi bác là bác “Sáu Khải”. Con được trưởng thành trong môi trường Học viện hành chính quốc gia. Con biết ơn người vì sự bình dị, dám đổi mới, dám tiên phong. Con mong bác và cha anh đi trước hãy phù hộ cho đất nước được bình yên, chủ quyền trọn vẹn, người dân có cuộc sống ấm no hành phúc. Biết ơn bác và luôn noi theo gương bác!”

Nhiều đoàn học sinh đến viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Đứng một hồi lâu trước Hội trường Thống Nhất, dằn được cảm xúc xuống hai chị Đoàn Lệ Hoa, Nguyễn Ngọc Giàu (ngụ quận 5) mới mạnh dạn bước vào viếng tang lễ. Chị Hoa cho hay, gia đình chị nhiều đời làm cách mạng nhưng thời điểm trước kia những chính sách hỗ trợ người có công còn chưa đầy đủ. Năm 2001, chính sách đền ơn đáp nghĩa của bác “Sáu Khải” được ban hành, gia đình chị được các cấp quan tâm, chăm lo tốt hơn. Hôm nay tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị Hoa cùng người em tìm đến lễ tang thắp nến nhang cho người mà chị ngưỡng mộ.

Những ánh mát tiếc thương của các em học sinh dành cho vị cố Thủ tướng đáng kính
Nhiều học sinh cảm nhận được sự mất mát to lớn của đất nước
Cụ Lê Hoằng, 92 tuổi đến viếng lễ tang cố Thủ tướng với tấm hình chụp chiếc bình thủy mà cố Thủ tướng tặng
Dù tuổi cao, đi phải có người dìu nhưng cụ rất minh mẫn khi kể về kỷ niệm với cố Thủ tướng Phan Văn Khải
Hai người phụ nữ tranh thủ giờ nghỉ trưa vào viếng
Những dòng chữ rõ ràng, đầy cảm xúc của cụ ông 92 tuổi

Dòng người mỗi lúc mỗi đông vào viếng tang lễ cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong dòng người ấy, ông cụ tóc bạc phơ, chân đi run rẫy phải có 2 người kèm 2 bên lặng lẽ đến bên linh cữu cố Thủ tướng thắp nén nhang rồi đưa tay quyệt dòn nước mắt. Cụ là Lê Hoằng (92 tuổi, ngụ Bình Thạnh). Tay run run lâu lâu cụ Hoằng phải gồng mình lấy hơi để viết ra dòng cảm xúc của mình trong sổ tang. Nhìn nét chữ rõ ràng, ngay hàng thẳng lối, câu văn mạch lạc, đầy cảm xúc nhiều người trong phòng tấm tắc khen, cụ Hoằng chỉ ôn tồn “Mấy bữa viết đẹp hơn, do hôm nay xúc động quá!”. 

Nhiều đoàn thanh niên, sinh viên đến viếng bác Sáu Khải
Nhiều người chờ đến lượt vào viếng
Trước Hội trường Thống Nhất  
Các tổ công tác thuộc lực lượng CAND làm nhiệm vụ hướng dẫn người vào viếng

Giở tấm giấy A4 ra bên trong là đoạn văn đã được đánh máy sẵn kèm theo tấm hình chụp chiếc bình nước nóng, cụ Lê Hoằng trao cho nhân viên trong phòng ghi sổ tang. Đây là chiếc bình thủy do chính tay cố Thủ tướng Phan Văn Khải tặng cho cụ khi cụ cùng đoàn lão thành cách mạng, quận ủy quận Bình Thạnh ra viếng lăng Bác nhân kỷ niệm 30 năm ngày Thống nhất đất nước. Đoàn vào thăm Phủ Chủ tịch và  được cố Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp đón. 

Hai du khách được tổ công tác giải thích việc ngưng tham quan vì đang diễn ra quốc tang
Trước Hội trường Thống Nhất, giao thông được đảm bảo không bị ùn ứ
Dưới cái nắng nóng, các tổ công tác hướng dẫn người vào viếng

“Thủ tướng nói chuyện chậm rãi, nói chuyện tình hình thế giới, trong nước và những khó khăn của đất nước rồi trao tặng cho mỗi người một chiếc bình thủy.” Nhận chiếc bình thủy về tôi vui lắm dặn con cháu cất giữ cẩn thận bởi tôi hiểu ngụ ý của Thủ tướng muốn nói : “Trong lòng phải nóng bỏng, đầy nhiệt huyết như nước trong bình thủy, bên ngoài phải bao dung, độ lượng, trong sáng, thủy chung như lẵng hoa in trên vỏ bình thủy”. Hôm nay tiễn cố Thủ tướng Phan Văn Khải, dù cao tuổi nhưng tôi vẫn dặn lòng mình sống như lời cố Thủ tướng truyền đạt", cụ Lê Hoằng kể.

Anh Thư (ảnh)
.
.
.