Thông tin tiếp về “Tín hiệu vui từ những làng chài ven biển miền Trung”:

Giám sát chặt chẽ môi trường, đồng hành cùng với ngư dân

Thứ Sáu, 05/05/2017, 09:35
Sau khi loạt bài phóng sự điều tra “Tín hiệu vui từ những làng chài ven biển miền Trung” đăng tải, nhiều ngư dân và bạn đọc cả nước đã gửi thư, điện thoại đến Báo CAND cùng bày tỏ niềm vui, sự phấn khởi khi biển miền Trung đã có những tín hiệu hồi sinh tích cực, ngư dân tiếp tục bám biển ra khơi sản xuất, ổn định cuộc sống.

Để niềm vui nhân lên từng ngày, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương ven biển miền Trung đã và đang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm giám sát chặt chẽ môi trường biển…

“Không chấp nhận đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”

Sự cố môi trường biển miền Trung sẽ luôn là bài học không bao giờ xưa cũ trong việc giám sát chặt chẽ về môi trường, để phát triển kinh tế bền vững. Để những tín hiệu vui từ các làng chài lớn dần lên từng ngày theo sự hồi sinh của biển, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh miền Trung cần tiếp tục quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Không được phép để Formosa gây ra sự cố và không chấp nhận đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”.

Du khách khắp nơi đổ về các bãi biển miền Trung dịp nghỉ lễ.

Cuối tháng 4-2017, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà đã dẫn đầu đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra các nội dung liên quan đến cam kết khắc phục sự cố môi trường của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Muốn đi vào vận hành, Formosa phải hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, giải quyết những vấn đề cấp bách về môi trường theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã yêu cầu các đơn vị liên quan “Đánh giá công nghệ xử lý và kiểm soát ô nhiễm cần thực hiện một cách nghiêm túc bằng quy định và đạo đức nghề nghiệp để các trung tâm xử lý hoạt động 24/24 giờ, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường. Đặc biệt, phải xem xét thật kỹ các quy trình và kế hoạch ứng phó sự cố để đảm bảo không bao giờ để xảy ra các sự cố môi trường.

Công ty Formosa phải thực hiện nghiêm túc và đầy đủ việc cung cấp thông tin cho cộng đồng; đảm bảo ổn định, chính xác; sớm hình thành một đơn vị chuyên nghiệp thường xuyên làm việc với cộng đồng để cung cấp thông tin và hướng dẫn người dân đến tham quan, tìm hiểu về công ty. Đây chính là việc để nhân dân thường xuyên giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của Formosa Hà Tĩnh”.

Ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) kiêm Tổ trưởng Tổ công tác giám sát khắc phục sự cố môi trường khẳng định, nước biển miền Trung đã an toàn tuyệt đối, đáp ứng được các tiêu chuẩn về tắm biển, thể thao dưới nước, nuôi trồng thuỷ hải sản. Chất lượng nước biển cả 3 tầng (tầng mặt, tầng giữa, tầng đáy) đều đảm bảo.

Trầm tích đáy biển cũng đã có sự hồi phục trở lại. Liên quan đến việc giám sát các hoạt động xả thải của Formosa, ông Thức cho biết, đến nay, Formosa Hà Tĩnh đã hoàn thành việc khắc phục 52/53 lỗi vi phạm về bảo vệ môi trường.

Nhiều hạng mục đã được xây dựng bổ sung như hệ thống xử lý nước thải khu vực dập cốc ướt; hệ thống xử lý nước mưa chảy tràn tại bãi chứa phế liệu, bãi chứa quặng, than; hệ thống xử lý nước thải sinh hóa, sinh hoạt và công nghiệp; hệ thống quan trắc tự động nước thải tại xưởng xử lý nước thải sinh hóa, xưởng xử lý nước thải sinh hoạt; hệ thống quan trắc tự động tại các ống khói...

Ngoài ra, Formosa cũng đã xây dựng 3 hồ chỉ thị sinh học với tổng diện tích lên tới 10 ha, trong đó 2 hồ đã xây dựng xong, hồ còn lại sẽ hoàn thành trước ngày 30-6-2017. Bộ TN-MT và các cơ quan chức năng vẫn đang giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải của Formosa Hà Tĩnh.

Nước thải được quan trắc 3 lần/ngày trước khi đổ ra biển. Hiện tại, nước thải của Formosa đạt quy chuẩn cho phép với 17 thông số. Trong khi đó, qua kiểm soát, khí thải của lò luyện cốc, lò thiêu kết hay các ống khói của nhà máy nhiệt điện Formosa cũng đều nằm trong giới hạn cho phép.

Chất lượng nước biển ổn định, các bãi tắm đều an toàn

Bên cạnh giám sát chặt chẽ về môi trường ở Công ty Formosa Hà Tĩnh, hiện các sở, ban, ngành các địa phương miền Trung đang thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Bộ TN-MT về việc đánh giá chất lượng nước biển ven bờ tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Theo kết quả quan trắc mới nhất do Bộ Tài nguyên – Môi trường công bố, các bãi tắm ở miền Trung đều an toàn. Tại Hà Tĩnh, Sở TN-MT đã quan trắc chất lượng nước biển tại 7 bãi tắm, gồm: Bãi tắm Xuân Hải, Xuân Thành, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Mũi Đao, Kỳ Xuân.

Qua phân tích 18 thông số, hầu hết các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về chất lượng nước biển, ngoại trừ thông số chất rắn lơ lửng ở bãi tắm Xuân Thành vượt ngưỡng cho phép 1,18 lần và thông số sắt ở 4 bãi tắm (Xuân Thành, Xuân Hải, Thiên Cầm, Kỳ Ninh) vượt giới hạn cho phép từ 1,18 đến 4 lần.

Cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường, tỉnh Thừa Thiên - Huế quan trắc chất lượng nước biển định kỳ hàng tháng.

Tại Quảng Trị, Sở TN-MT cũng tiến hành quan trắc nước biển ven bờ với tần suất 2 lần/tuần tại 3 vị trí, gồm: Mũi Si, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh; bãi tắm Gio Hải, huyện Gio Linh; bãi tắm Mỹ Thuỷ, xã Hải An, huyện Hải Lăng. Kết quả cho thấy, tất cả các chỉ tiêu quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo cho mục đích tắm biển, vui chơi thể thao dưới nước.

Tại Quảng Bình, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Sở TN-MT địa phương này cho biết, đã bố trí nhân lực, phương tiện và thiết bị để triển khai công tác quan trắc thường xuyên (tuần 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều) chất lượng nước biển ven bờ trên địa bàn ở 5 bãi biển của tỉnh.

Đáng mừng, các kết quả phân tích so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường biển và các mục đích khác cho thấy, tất cả các chỉ tiêu phân tích từ 28-4-2016 đến nay đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn và phù hợp với kết quả quan trắc, phân tích do Trung tâm Quan trắc môi trường - Tổng cục Môi trường thực hiện công bố tại website: vea.gov.vn.

Còn theo ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện đơn vị vẫn đang duy trì quan trắc chất lượng nước biển 2 lần/tháng theo quy định của Bộ TN-MT tại các bãi tắm du lịch của địa phương, như Lăng Cô, Thuận An, Cảnh Dương, Quảng Công và một số điểm lấy nước biển để phục vụ nuôi trồng thủy sản công nghiệp. Kết quả những đợt quan trắc cho thấy các thông số về chất lượng nước biển đều đạt tiêu chuẩn quy định.

Cùng với việc quan trắc chất lượng nước biển, Sở Y tế các địa phương cũng thường xuyên tiến hành lấy các mẫu thủy hải sản để tiến hành kiểm nghiệm. Theo đó, ngoài việc lấy 1.000 thủy hải sản ở 4 tỉnh miền Trung để kiểm nghiệm vào tháng 9-2016, hiện Sở Y tế các tỉnh đang thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế tổ chức lấy mẫu để kiểm nghiệm và giám sát đến tháng 7-2017.

Hàng tháng, Sở Y tế các tỉnh lấy mẫu  theo 3 nhóm gồm: cá, động vật thân mềm và nhóm giáp xác (mỗi lần lấy 50 mẫu) để gửi Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) tiến hành kiểm nghiệm và thông báo thường xuyên kết quả đến với người dân.

Biển hồi sinh, người dân tiêu thụ hải sản gần bờ trở lại. Cùng với công tác kiểm tra, quan trắc chất lượng nước biển thường xuyên tại các bãi tắm đã giúp các ngành nghề, dịch vụ biển dần phục hồi, đặc biệt là dịch vụ du lịch biển.

Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, chúng tôi tiếp tục về các làng biển miền Trung và ghi nhận hệ thống khách sạn, nhà hàng ven biển của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã có rất đông du khách trở lại. Trên những bến cảng, tàu thuyền, ngư dân tấp nập rẽ sóng ra khơi và trở về mang theo tôm cá đầy khoang.

Riêng Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế thống kê cho biết, trong các ngày lễ 30-4 và 1-5, lượng khách đến Huế đạt khoảng 170.000 người, lượng khách lưu trú đạt 70.000 người, trong đó khách đổ về các bãi biển như Thuận An, Lăng Cô, Vinh Thanh đạt mốc 1 vạn người/ngày.

Ông Nguyễn Văn Thạnh, Trưởng Ban quản lý bãi tắm Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) phấn khởi cho hay: Hơn một tháng nay, lượng khách về tắm biển và thưởng thức ẩm thực tại các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thị trấn Cửa Việt tăng mạnh.

Đặc biệt, qua 4 ngày nghỉ lễ có khoảng 16.000 lượt khách đã về Cửa Việt để tắm biển và ăn hải sản. Đây là tín hiệu tích cực cho du lịch biển tại Quảng Trị cũng như các tỉnh miền Trung nói chung, sau hơn một năm xảy ra sự cố môi trường biển...

Bộ TN-MT tiếp tục đề nghị UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế duy trì việc quan trắc chất lượng nước biển để phát hiện kịp thời các yếu tố bất thường. Kết quả quan trắc phải được công khai trên Cổng thông tin điện tử của địa phương và gửi về Tổng cục Môi trường để công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ cũng như các phương tiện thông tin đại chúng.
Sông Lam – Thanh Bình - Anh Khoa – Hà Ly
.
.
.