Đề nghị giữ ưu đãi phụ cấp cho lực lượng cảnh vệ

Thứ Hai, 21/11/2016, 18:42
Ngày 21-11, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giải trình trước Quốc hội về dự án Luật Cảnh vệ.


Đa số đại biểu nhất trí với việc cần thiết phải ban hành dự án Luật Cảnh vệ và đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Công an – cơ quan chủ trì soạn thảo, nhưng tại buổi thảo luận 21-11 về dự án này, một số đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về thẩm quyền nổ súng, thẩm quyền huy động người, trưng dụng tài sản... của lực lượng cảnh vệ khi thực thi nhiệm vụ. 

Giải trình về các đóng góp này, Thượng tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã tiếp thu các ý kiến xác đáng của đại biểu và sẽ chỉnh sửa trước khi đưa ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tới.

Quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền nổ súng

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Dương Văn Thông đánh giá việc ban hành luật này là rất cần thiết với những lý do đã được nêu rất đầy đủ trong Tờ trình của Chính phủ, như: nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân; hạn chế những bất cập của Pháp lệnh Cảnh vệ 2005... 

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng này cần được quy định chặt chẽ, cụ thể, để vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, vừa không vi phạm quyền con người. 

Đại biểu cho rằng Điều 23 về “Sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ”, điểm c quy định: “Để tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ” còn chung chung, chưa quy định cụ thể là hành vi nào, nên đem áp dụng vào thực tế có thể có những hậu quả đáng tiếc. Đại biểu cho rằng nên quy định cụ thể hơn như tấn công trực tiếp bằng những loại vũ khí nào; đồng thời phân biệt theo đối tượng cảnh vệ.

Đại biểu Nguyễn Đình Tiến phát biểu trước Quốc hội

Đánh giá cao việc thiết kế dự thảo luật kế thừa được Pháp lệnh Cảnh vệ 2005 và những đóng góp của lực lượng cảnh vệ trong 10 năm qua, nhưng đại biểu Nguyễn Đình Tiến cũng cho rằng Quyền nổ súng phải quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết hơn để lực lượng cảnh vệ có hành lang pháp lý đúng khi hoạt động. 

Đại biểu Nguyễn Trọng Bình cho rằng vấn đề sử dụng vũ khí là “nấc thang cao nhất nhưng cũng nhạy cảm nhất trong các biện pháp nghiệp vụ, nên quy định việc sử dụng vũ khí của lực lượng này thậm chí cần phải linh hoạt hơn so với các đối tượng khác được sử dụng vũ khí quân dụng, nhưng vẫn phải quy định chi tiết hơn trong dự thảo. 

“Nổ súng nhằm vô hiệu hóa đối tượng, chứ không phải tiêu diệt. Tất nhiên, nổ súng ở cự li gần thì khó lường và có thể dẫn đến đối tượng tử vong, thực tiễn là như vậy, nhưng pháp luật hiện hành đã có miễn trừ trách nhiệm, nên quy định tiêu diệt đối tượng có thể không. Mặt khác, khái niệm “hành vi tấn công trực tiếp” có nội hàm rất rộng, nên áp dụng ngay biện pháp cao nhất thì chưa hợp lý, cần cụ thể hóa cao hơn”- đại biểu đề nghị.

Một vấn đề khác nhiều đại biểu kiến nghị là thẩm quyền huy động người, trưng dụng tài sản... quy định tại Điều 24. “Nếu không cho phép trưng dụng thì có thể là một nguyên nhân khiến lực lượng này không hoàn thành nhiệm vụ. Ví dụ xe anh hỏng ngang đường, xe đối tượng cảnh vệ vẫn đi, nếu không sử dụng xe khác để đi theo thì không đảm bảo an toàn. Nhưng điều này bị Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản “khóa” mất rồi: Chỉ cho phép Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh được phép trưng dụng tài sản, không thể cho 1 chiến sỹ cảnh vệ có quyền ngang Chủ tịch tỉnh được, nên phải cân nhắc kỹ. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là bảo vệ an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ. Nếu cho trưng dụng tài sản, thì phải quy định rất rõ trách nhiệm của người bị trưng dụng, tránh trường hợp người đó không đồng ý, yêu cầu phải đưa quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh” – đại biểu nêu ý kiến.

Đề nghị không bổ sung đối tượng cảnh vệ

Giải trình về các quan điểm này, Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp thu và chỉnh lý theo một số nội dung cụ thể như:

Về ý kiến một số ĐB đề nghị bổ sung, thay đổi 1 số đối tượng cảnh vệ, Ban soạn thảo thấy rằng trong điều kiện ổn định về chính trị hiện nay của đất nước, trước mắt chưa nên bổ sung. Đề xuất này cũng đã được tổng kết thực tiễn trước khi xây dựng dự thảo. Trong trường hợp nếu cần bổ sung, thay đổi đối tượng cảnh vệ sẽ thực hiện theo khoản 5 Điều 10 dự thảo luật. 

Về đề nghị bổ sung 1 số mục tiêu cơ quan cấp tỉnh... nằm trong phạm vi của đối tượng cảnh vệ, Thượng tướng Tô Lâm cho biết việc bảo vệ trụ sở các cơ quan này đã được lực lượng cảnh sát bảo vệ hoặc các lực lượng chuyên trách khác đảm nhiệm; đây cũng là mục tiêu quan trọng nhưng không phải đối tượng cảnh vệ, không phải mục tiêu cảnh vệ. 

Bộ trưởng Tô Lâm giải trình trước Quốc hội

Về đề nghị cân nhắc mục tiêu cảnh vệ ở 1 số khu vực trọng yếu như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình... Thượng tướng Tô Lâm cho biết: Đây là nơi người dân có thể đến tham quan, là những khu vực có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng; trong đó trung tâm chính trị - văn hóa Ba Đình là mục tiêu đối tượng xấu thường tìm cách xâm phạm, nhằm gây bất ổn về an ninh Quốc gia, nên trên thực tế các địa điểm này đã được triển khai thực hiện công tác cảnh vệ theo Pháp lệnh 2015. Vì vậy, các vị trí trên sẽ là đối tượng cảnh vệ.

Về 1 số ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể nội dung biện pháp cảnh vệ, Thượng tướng Tô Lâm cho biết đây là những biện pháp mang tính nghiệp vụ và đáp ứng yêu cầu thự tiễn, nên để Bộ trưởng Bộ Công an quy định thì phù hợp hơn.

Về một trong những vấn đề cốt yếu nhất được quy định tại Điều 23 về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong khi thi hành nhiệm vụ, Thượng tướng Tô Lâm cho biết: Cơ quan soạn thảo nhận thấy ý kiến của ĐB đề nghị quy định cụ thể hơn việc nổ súng, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ; nguyên tắc của phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết... là hợp lý, nên cơ quan soạn thảo dự kiến sẽ chỉnh lý điểm c Khoản 2 Điều 23 theo hướng quy định cụ thể hơn, đảm bảo quyền công dân và tạo điều kiện để lực lượng cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ. Về thẩm quyền huy động người, trưng dụng tài sản, phương tiện ở Điều 24, cơ quan soạn thảo cũng sẽ tiếp thu theo hướng tuân thủ theo các quy định của Luật trưng mua, trưng dụng tài sản.

Bên cạnh đó, ban soạn thảo cũng tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng khác của đại biểu như bổ sung quy định về hợp tác quốc tế trong công tác cảnh vệ vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; bổ sung 1 số quyền cho Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội để chức danh này thực hiện nhiệm vụ được giao; bổ sung quy định về việc phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang trong việc thực hiện công tác cảnh vệ, thay vì Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh vệ được quyền “yêu cầu lực lượng vũ trang nhân dân cung cấp những thông tin tài liệu liên quan đến công tác cảnh vệ”...

Tuy nhiên, về ý kiến đại biểu cho rằng cần bổ sung quy định tiêu chuẩn tuyển chọn công dân nữ để đảm bảo tỷ lệ nam - nữ hợp lý, Thượng tướng Tô Lâm cho biết: Ban soạn thảo nhận thấy cảnh vệ là nhiệm vụ đặc biệt. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, người được tuyển chọn vào lực lượng không phân biệt nam nữ phải đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn chung về phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch, kỹ năng chuyên môn... như đã quy định ở dự thảo luật, nên đề nghị giữ nguyên. Về phụ cấp đặc thù, một số ý kiến đề nghị không bổ sung phụ cấp ưu đãi trách nhiệm đặc thù, mà tuân thủ Luật Công an nhân dân và Luật Quân đội nhân dân... 

Tuy nhiên, Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh: “Thực tiễn công tác cảnh vệ mang tính đặc thù chuyên biệt, luôn phải chủ động thực hiện nhiệm vụ độc lập, thường xuyên phải làm việc ngoài giờ, không kể ngày đêm, với nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe, thậm chí hi sinh cả tính mạng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, nên để động viên cán bộ, chiến sỹ cảnh vệ, kế thừa quy định hiện hành, đề nghị tiếp tục quy định về phụ cấp đặc thù như dự thảo”. 

Trả lời cho lo lắng của một số đại biểu về nguy cơ “phình” biên chế, Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh, lực lượng cảnh vệ sẽ chỉ được tổ chức ở cấp Trung ương, không có chuyên trách cấp địa phương mà chỉ phối hợp.

Vũ Hân
.
.
.