Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan "tiết lộ" về các cuộc tiếp xúc đặc biệt với báo chí nước ngoài

Thứ Ba, 19/06/2018, 06:41
Một trong những kênh quan trọng hàng đầu của hoạt động đối ngoại là tuyên truyền đối ngoại. Phương cách tốt nhất để chuyển tải tới công chúng bên ngoài những thông tin mình mong muốn là thông qua các cuộc tiếp xúc với các phóng viên nước ngoài vì họ có bạn đọc, người nghe, người xem rộng rãi và được “tin cậy”. 


Chẳng thế mà người ta coi các phương tiện thông tin đại chúng là nhánh quyền lực thứ tư sau lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Tuy nhiên, đây lại là “con dao hai lưỡi” vì có phải ai cũng chia sẻ quan điểm và ý muốn của mình đâu, thậm chí có những người theo những quan điểm ngược hẳn với mình, đôi khi cố tình khiêu khích, bịa đặt, xuyên tạc đầy ác ý ấy chứ. 

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Vì lẽ đó nhiều người trong chúng ta, kể cả những người hoạt động đối ngoại, rất ngại tiếp xúc với phóng viên nước ngoài vì rất dễ “tai bay vạ gió”.

Thế nhưng, vì lợi ích làm cho dư luận nước ngoài hiểu biết nhiều hơn về đất nước, con người, về đường lối, chính sách của nước mình thì rất cần mạnh dạn tiếp xúc, tận dụng những thế mạnh của họ; nếu những nội dung họ công bố đáp ứng được mấy chục phần trăm yêu cầu đã là quý lắm rồi. 

Chẳng thế mà Bác Hồ đã dành rất nhiều thời gian và công sức tiếp xúc với phóng viên nước ngoài; kể từ khi nước nhà độc lập năm 1945 tới khi Người về nơi vĩnh hằng năm 1969, Bác đã trả lời phỏng vấn các phóng viên nước ngoài trên 130 lần! Năm 2015, tôi đã phối hợp với Vụ Thông tin – Báo chí Bộ Ngoại giao sưu tầm các bài trả lời phỏng vấn của Bác và xuất bản thành cuốn “Hồ Chí Minh – Trả lời các nhà báo”. 

Thiết nghĩ, trong thời đại thông tin ngày nay, mỗi cán bộ nên nghiên cứu các bài trả lời phỏng vấn của Bác để rút ra những bài học cực kỳ bổ ích cho riêng mình.

Thú thật bản thân tôi cũng ngại tiếp xúc với báo chí nước ngoài lắm nhưng một phần do công việc và hoàn cảnh bắt buộc, một phần khác tự nhận thấy sự cần thiết nên cũng cố không né tránh họ. Đã vậy thì khó nhất là ứng phó với những câu hỏi móc máy. 

Kinh nghiệm cho thấy anh mà nổi đóa lên thì thua là cái chắc; sa vào tranh luận thì sẽ sa lầy và chẳng đi tới đâu vì họ đâu có muốn nghe lập luận của anh? Do vậy, cách ứng phó tốt nhất là lấy “công làm thủ”, “gậy ông đập lưng ông”.

Tôi xin chia sẻ đôi ba vụ việc để làm bằng. Khoảng cuối những năm 80 thế kỷ trước, (tôi không còn nhớ ngày tháng cụ thể) tôi được cử làm Trưởng đoàn Việt Nam dự Hội nghị quốc tế ở Kuala Lampur (Malaysia) về vấn đề người di tản. Lúc ấy nước ta còn bị bao vây, cô lập; các nước không thiện chí với Việt Nam cứ khăng khăng đòi “cưỡng bức hồi hương” những người Việt Nam vượt biên ra đi bằng thuyền, còn ta chỉ chấp nhận hồi hương tự nguyện. 

Khi tôi tới sân bay thì hàng mấy chục phóng viên quây lại đòi tôi nói rõ vì sao Việt Nam không chấp nhận “cưỡng bức hồi hương”? Để đánh trống lảng, tôi bèn quay sang một nữ phóng viên hỏi lại: “Chẳng nhẽ các chị thích cưỡng bức lắm sao?”; cả đám đông cười ồ và tôi tranh thủ rời khỏi nơi mà mình không muốn ở lại thêm với các nhà báo trong hoàn cảnh đó dù chỉ là một phút...

Khi tháp tùng đồng chí Chủ tịch nước Trần Đức Lương sang thăm Vương quốc Anh, tôi được phân công trả lời phỏng vấn. Tại cuộc họp báo với sự tham gia của một số khá đông phóng viên các nước, một phóng viên người Anh hỏi móc: “Các ông có muốn đổi quốc hiệu Cộng hòa Xã hội chủ  nghĩa Việt Nam không?”. Tôi bèn hỏi lại: “Tên ông là gì?”.

Ông ta trả lời: “Tên tôi là Jhon”, tôi bèn đáp lại: “Thế ông có muốn đổi tên do cha mẹ đặt cho không? Ông có muốn đổi tên “Vương quốc Anh” (United Kingdom) thành nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Anh không?”. Ông ta đỏ mặt đáp lại: “Dĩ nhiên là không?”. Tôi bèn bình luận: “Vậy chẳng nên ép người khác làm theo ý mình” và cả hội trường cười ồ, thậm chí có người còn vỗ tay.

Một lần khác tại Hà Nội, tôi còn nhớ tại hội trường lớn của Khách sạn Melia, diễn ra cuộc tiếp xúc giữa ta với đông đảo khách nước ngoài và tôi được cử làm diễn giả. Trong phần “hỏi và đáp” một phóng viên nước ngoài, tôi nhớ là người Mỹ, đã đưa ra một câu hỏi mang tính chọc ngoáy về vấn đề “nhân quyền, dân chủ”. 

Tôi không sử dụng “văn bia” về vấn đề này mà trả lời bằng cách nói: “Trên thế giới này dân tộc nào cũng uống rượu nhưng mỗi dân tộc lại uống các loại nước có cồn khác nhau: các ông, người Mỹ hay uống rượu “Din”, người Anh uống Uyt-xki, người Nhật uống Xa-kê, người Nga uống vốt-ka, người Trung Quốc uống Mao-đài… còn chúng tôi uống Lúa mới (tôi không biết “quốc lủi” nói tiếng Anh thế nào). 

Như vậy loài người đều chia sẻ những giá trị chung nhưng với hình thức riêng. Vậy ta hãy tôn trọng những bản sắc riêng đó!”.

Một sự kiện nhớ đời khác là cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN khi đồng chí Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Mỹ năm 2005. Khi anh Vụ trưởng Vụ Thông tin – Báo chí Bộ Ngoại giao Lê Dũng báo cáo về việc CNN muốn phỏng vấn, tôi ngại lắm vì lẽ qua phiên dịch thì giảm tác dụng, nói thẳng tiếng Anh của mình trước hàng triệu khán giả thì không dễ chút nào, nhỡ họ chọc ngoáy mà mình không đối đáp được thì ê mặt không chỉ riêng mình mà ảnh hưởng tới danh dự cả nước! Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, liều vẫn hơn vì CNN là kênh truyền hình lớn nhất thế giới.

Khi tôi tới phòng ghi hình của CNN ở thành phố Seatle là nơi tôi đang chuẩn bị cho chuyến thăm mang tính lịch sử này mới biết phóng viên phỏng vấn tôi  ngồi ở… Hồng Kông và sẽ phỏng vấn qua mạng! Như vậy càng khó vì không thể trao đi đổi lại được.

Nhưng một khi đã lên “lưng hổ” thì đâm lao phải theo lao thôi. May mà cuộc trả lời trôi chảy, thật toát mồ hôi hột! Có thể có người trách tôi “điếc không sợ súng” nhưng thực ra tôi không điếc mà quyết định chấp nhận thách thức vì lợi ích của cuộc trả lời đó đem lại và đã suy ngẫm rất kỹ mọi tình huống, chuẩn bị sẵn các câu trả lời cần thiết.

Nhân ngày nhà báo, xin chia sẻ đôi ba chuyện như vậy về một khía cạnh đầy thách thức khi tiếp xúc với giới báo chí nước ngoài.

Thú thật bản thân tôi cũng ngại tiếp xúc với báo chí nước ngoài lắm nhưng một phần do công việc và hoàn cảnh bắt buộc, một phần khác tự nhận thấy sự cần thiết nên cũng cố không né tránh họ. Đã vậy thì khó nhất là ứng phó với những câu hỏi móc máy. Kinh nghiệm cho thấy anh mà nổi đóa lên thì thua là cái chắc; sa vào tranh luận thì sẽ sa lầy và chẳng đi tới đâu vì họ đâu có muốn nghe lập luận của anh? Do vậy, cách ứng phó tốt nhất là lấy “công làm thủ”, “gậy ông đập lưng ông”. 
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
.
.
.