Cử tri đề nghị xử nghiêm những đối tượng có hành vi kích động, xúi giục

Thứ Bảy, 23/06/2018, 12:04

Sáng 22-6, tại địa bàn quận Thủ Đức và quận Tân Bình, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. HCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách ĐBQH TP.HCM; Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án TAND TP. HCM; ĐBQH-luật sư Nguyễn Đức Sáu-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TP.HCM cùng các ĐB HĐND TP đã có buổi tiếp xúc cử tri. 


Tại buổi tiếp xúc, các cử tri tiếp tục đề cập đến vấn đề Luật đơn vị Hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu). Đồng thời trình bày quan điểm xoay quanh vấn đề tụ tập đông người, gây rối, đập phá tài sản, gây ra thiệt hại cho xã hội mà nguyên do có sự kích động, xúi giục người dân xuống đường tuần hành gây mất ANTT.        

ĐBQH- luật sư Nguyễn Đức Sáu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TP. HCM trao đổi cùng cử tri quận Tân Bình
Liên quan đến Luật An ninh mạng, đa số cử tri bày tỏ sự đồng tình với việc Quốc hội cho thông qua luật này. Cử tri Nguyễn Đức (phường Bình Thọ) đánh giá, việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng là rất cần thiết. Thế nhưng, một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để kích động, xúi giục người dân xuống đường tuần hành gây mất an ninh trật tự thì phải xử lý thật nghiêm.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi với cử tri quận Thủ Đức

 Cử tri Đỗ Hồng Thái (phường Linh Đông) cũng phát biểu: “Nhiều người dân chỉ hiểu nôm na vấn đề dự án Luật đặc khu rằng: “cho thuê 99 năm” coi như là “bán đứt”!. Vì thế, nhiều người phản ứng, từ đó có những hành vi vi phạm pháp luật, gây ra nhiều thiệt hại cho xã hội, trong đó nhiều công nhân cũng mất công ăn việc làm. Đây là điều rất đau xót".

 Cử tri Nguyễn Văn Thưởng đưa ra nhận xét:  dự án Luật Đặc khu hiện nay vẫn khiến nhiều người dân băn khoăn. Chẳng hạn, trong luật quá cởi mở về giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh (Điều 7 dự thảo luật), về quản lý lao động người nước ngoài (Điều 46), điều kiện nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn (Điều 54 dự thảo luật)… nhưng lại không có những điều khoản chế tài đủ mạnh để ngăn chặn việc làm sai trái nên kẻ xấu có thể lợi dụng, gây phương hại đến lợi ích quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.  Vì vậy, xin  đề nghị sắp tới cơ quan chức năng cần đưa dự thảo Luật Đặc khu ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi trình Quốc hội.

 Thay mặt tổ ĐBQH và HĐND TP, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, tiếp thu các ý kiến của cử tri nêu ra. Đồng thời cũng chia sẻ, Quốc hội đã dừng lại, chưa thông qua dự án Luật Đặc khu do còn một số nội dung ý kiến đại biểu còn khác nhau, trong đó có cả các ĐBQH. Vì vậy, việc tạm dừng là để có thêm thời gian để lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia, nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm giúp các ĐBQH có chính kiến trong việc ấn nút thông qua luật này. Song, về Luật An ninh mạng, các ĐB nhận thấy rằng phải có luật này để bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng.

Bên lề buổi  tiếp xúc cử tri quận Tân Bình, TP.HCM, ĐBQH- luật sư Nguyễn Đức Sáu- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TP.HCM cũng trao đổi về tình trạng xuất hiện những kẻ quá khích xúi giục người dân tụ tập đông người, xuống đường gây mất an ninh trật tự đang lan truyền rộng trên mạng. 

Nhìn nhận về vấn đề trên, ĐBQH Nguyễn Đức Sáu cho rằng, người dân hãy hết sức bình tĩnh. Những chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ thông qua các Nghị quyết, các Chỉ thị đều mong muốn đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội luôn mong muốn có những chủ trương mở ra các hoạt động kinh tế có lợi nhằm nâng cao đời sống người dân tốt hơn. Trong quá trình làm, có thể có dự án được chuẩn bị tốt, nhưng cũng có dự án công tác chuẩn bị chưa tốt. Vì vậy Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội luôn cầu thị lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và người dân nhằm tiếp tục điều chỉnh.

Luật sư Nguyễn Đức Sáu cũng phân tích: Trong  vấn đề dự thảo Luật Đặc khu do có sự chuẩn bị chưa tốt, từ lấy ý kiến người dân đến công tác truyền thông nên các thế lực xấu đã lợi dụng để kích động người dân. Có nhiều luồng thông tin không chính thống nên làm người dân hiểu sai. Điều này thì không thể đổ lỗi cho người dân là do  không hiểu biết mà cái chính là lòng yêu nước của người dân bị lợi dụng. Hạn chế này đã được khắc phục ngay qua việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thống nhất dừng thông qua dự thảo này trong kỳ họp thứ 5. 

Tuy nhiên, cũng theo ĐBQH Nguyễn Đức Sáu, rất tiếc một số cô bác cử tri, một bộ phận người trẻ vẫn nghe theo lời kích động, xuống đường phản đối. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà nước, của các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam. Trong khi những nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Thái Lan... có tâm huyết đầu tư vào nền kinh tế, hạ tầng giao thông của cả nước với hàng trăm dự án có vốn hàng chục tỷ đô la Mỹ, nhờ đó cũng sẽ tạo ra hàng trăm, hàng nghìn việc làm cho lao động trong nước. Vì vậy, những người cầm đầu, tham gia gây rối sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 Việc tụ tập đông người, gây ra cản trở giao thông, mất an ninh trật tự... hành vi manh động, đập phá tài sản công đã làm tình trạng an ninh trật tự của xã hội xấu đi. Khi bị kích động, không chỉ gây tổn hại sức khỏe, hủy hoại tài sản cho người khác có thể dẫn đến 1 trong 2 khả năng: xâm hại đến tính mạng, sức khỏe người khác nếu trên 10% hoặc dưới 12% mà có hành vi kích động sẽ bị khép vào tội "cố ý gây thương tích" hoặc tội "xâm hại sức khỏe người khác". Trường hợp thứ 2 là đập phá tài sản của nhà nước và của tư nhân có thể bị khép vào tội "hủy hoại tài sản". Đây đều là những tội có mức thụ án tù cao.

"Riêng những đối tượng cầm đầu, đứng ra tổ chức, vận động, kích động... mời, gọi những người khác tham gia được xác định là những kẻ có động cơ phá hoại an ninh trật tự, ảnh hưởng đến tài sản của nhà nước và sự bình yên của người dân. Hành vi này sẽ xử lý theo Bộ Luật Hình sự và xử thật nghiêm!". ĐBQH Nguyễn Đức Sáu nhấn mạnh.

H.Nga-Q.Huy
.
.
.