Chúng ta đang trở thành khách trong chính ngôi nhà của mình

Thứ Sáu, 09/06/2017, 11:00
Sản phẩm trong nước vơi dần sau khi hệ thống siêu thị rơi vào tay DN ngoại; Thị trường bán lẻ đứng trước nguy cơ bị đại gia nước ngoài "thôn tính" và nguy cơ chúng ta "trở thành khách trong chính ngôi nhà của mình" đã được đại biểu (ĐB) Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhắc đến trong phiên thảo luận của Quốc hội sáng 9-6.

ĐB nêu dẫn chứng cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài: Năm 2017, Việt Nam tăng 5 bậc về bán lẻ toàn cầu. Tổng doanh thu của thị trường này năm 2016 là hơn 108 tỷ USD, tăng trưởng tốt dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn là một minh chứng thị trường đang hấp dẫn trở lại và là miếng mồi béo bở, khiến nhiều ông lớn nước ngoài để ý.

ĐB Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh: Năm 2014, khi Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết WTO, đã có 3 tập đoàn nước ngoài tham gia mạnh mẽ. Đó là AEON Nhật Bản với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, Lotte Hàn Quốc với số vốn 3,2 tỷ USD và TTC Holdings của Thái Lan đã chi 655 triệu Euro thâu tóm Metro

Năm 2015, 2016 đã chứng kiến nhiều vụ thâu tóm lớn, như Central Group (của Thái Lan) đã mua 49% cổ phần của chuỗi cửa hàng điện máy Nguyễn Kim.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân

Tháng 5-2016, cũng Central Group đã đưa ra một thông báo gây sốc khi "thôn tính" thành công Big C.

Các DN nước ngoài đang dần chiếm thế thượng phong trong thị phần bán lẻ ở Việt Nam, cả ở mạng lưới siêu thị và bán hàng trực tuyến. Thị phần đó cũng không ngừng tăng lên trở thành những con số “đáng để chúng ta suy nghĩ” – ĐB Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.

Đáng chú ý hơn, không chỉ dừng chân ở mảng bán lẻ, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang lấn sân vào sản xuất, nổi bật nhất là CP (Thái Lan) đã chiếm tới 50% thị phần trứng, 30% thị phần gà thịt, 7% thị phần thức ăn chăn nuôi của cả nước.

Các DN này không chỉ áp đảo về vốn, công nghệ, kinh nghiệm... mà còn được hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ của họ, trong khi đó, DN trong nước đang loay hoay tìm hướng đi cho mình.

Việc mất hệ thống bán lẻ vào tay DN nước ngoài là không quá khó để nhìn thấy. Hàng Việt Nam do đó cũng bị o ép và từng bước bị đẩy ra khỏi hệ thống... Các nhà cung cấp Việt Nam bị tăng chiết khấu, bị chiếm dụng vốn, ép thực hiện các chương trình khuyến mãi... quá sức chịu đựng. Việc 22 cửa hàng thế giới di động hất chân khỏi hệ thống Big C và một số hiện tượng khác, theo ĐB, mới chỉ là khởi đầu.

Một thị trường hơn 90 triệu dân, với phần lớn dân số trẻ, sức mua cao đang bị chi phối bởi DN ngoại, hàng ngoại. Người Việt mua hàng ngoại, DN ngoại mua DN Việt là thực trạng mà Việt Nam sẽ sớm phải đối mặt.

ĐB cảnh báo: Một khi tập đoàn bán lẻ nước ngoài thống trị thị trường Việt, chắc chắn sẽ có nhiều hệ lụy. Họ chắc chắn sẽ ưu tiên nguồn hàng của họ, tức là DN Việt Nam sẽ ngày càng không có đất sống.

“Quá khó để các DN Việt cứu mình trước những người khổng lồ. Một khi đã nắm được thị trường phân phối, sản xuất trong nước chắc chắn sẽ chịu sự chi phối, sẽ phải tham gia vào chuỗi của họ, sẽ phải liên doanh, liên kết nếu không muốn phá sản. Đây có lẽ là mục tiêu họ hướng đến để thâu tóm. Sự phụ thuộc ngày càng lớn  và thua thiệt nhiều hơn. Nền kinh tế sẽ đón nhận những hậu quả khó lường. Một khi 80% lợi nhuận sau thuế về tay DN ngoại, chắc chắn nó sẽ được chuyển ra nước ngoài, nội lực của nền kinh tế sẽ giảm đi. Đóng góp của ngành bán lẻ lên đến 40% GDP chắc chắn sẽ khó duy trì” – ĐB cho biết.

Vì vậy, ĐB cho rằng cần nhanh chóng có kế hoạch cụ thể hơn giám sát thực hiện các quy định của pháp luật trên thị trường bán lẻ, kịp thời ngăn chặn các hành vi thôn tính, phản cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần tạo thuận lợi cho DN Việt Nam.

Đối với các DN, ĐB nhắc lại “câu chuyện bó đũa còn nguyên giá trị”, cần liên doanh, liên kết để chống lại người khổng lồ. “Làm thế nào không biến chúng ta từ chủ nhà trở thành khách trong chính ngôi nhà của mình”. 


Vũ Hân
.
.
.