Doanh nghiệp bán lẻ đối mặt với nhiều thách thức

Thứ Sáu, 17/10/2014, 08:18
Kể từ ngày 11/1/2015, Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài theo các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và cùng năm, khu vực kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực sẽ cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn, nhân lực… di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối, đặc biệt 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan.

Chiều 15/10, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) và Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh (YBA) tổ chức hội thảo “Những vấn đề cấp bách của thị trường bán lẻ và kiến nghị chính sách của doanh nghiệp”.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia trên cả nước lo lắng về tương lai ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh ngành này đang diễn ra nhiều biến động, mà Việt Nam lại hầu như không có chiến lược và chính sách cụ thể. Trong khi đó, các nhà phân phối nước ngoài đã nghiên cứu rất kỹ thị trường Việt Nam và tiến hành các hoạt động đúng với các quy định quốc tế và tận dụng những điểm chưa rõ hay buông lỏng trong quản lý của Việt Nam.

Người tiêu dùng mua hàng tại hệ thống bán lẻ siêu thị.

Theo đánh giá của các chuyên gia, 2015 là một năm đầy cơ hội và thách thức đối với ngành bán lẻ Việt Nam. Bởi vì, kể từ ngày 11/1/2015, Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài theo các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và cùng năm, khu vực kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực sẽ cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn, nhân lực… di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối, đặc biệt 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan.

Nhiều ý kiến cho rằng, không phải đến bây giờ mà cuộc “đổ bộ” của các nhà bán lẻ nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng đã được “báo trước" khi mà trước đây, thời điểm Việt Nam gia nhập WTO được hơn một năm, nhiều DN Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan đã quá lạc quan khi cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn nằm trong sự kiểm soát của các DN nước nhà do các nguyên nhân: Các nhà bán lẻ quốc tế khi tới Việt Nam thường gặp khó khăn với việc tìm địa điểm đạt chuẩn yêu cầu của họ với mức giá chấp nhận được. Theo đó, các đại gia bán lẻ quốc tế thường thâm nhập vào phân khúc các đại siêu thị với diện tích phải trên 10.000m2 có thể chứa tới trên 25.000 sản phẩm, trong khi những địa điểm như thế ở Việt Nam thì khó kiếm và giá cho thuê quá đắt so với mặt bằng chung của khu vực. Hơn thế, những quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) đã phần nào “kìm chân” các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, những nhận định ấy đã nhanh chóng không hợp lý khi các đại gia bán lẻ quốc tế  bằng nhiều con đường đã xuất hiện ở Việt Nam một cách rầm rộ. Đến năm 2012, các hãng ngoại đã lấn lướt DN bán lẻ trong nước khi chiếm tỷ lệ tới 40% (so với 25% của các DN trong nước).

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC nhấn mạnh: “Nhà nước cần quan tâm đúng mức hơn đến thị trường này với những quyết sách và hành động kiên quyết từ quan điểm coi trọng vai trò của tiêu thụ trên chuỗi giá trị. Từ điều chỉnh sâu sắc quan điểm này mà đưa ra những chính sách quản lý nghiêm ngặt nhà phân phối nước ngoài. Đồng thời, đầu tư nghiêm túc, đúng mức cho lực lượng phân phối trong nước. Cũng cần nhanh chóng chấn chỉnh những hội chứng có nguy cơ tác hại phân phối như phong trào phá chợ xây trung tâm thương mại hoặc xây chợ theo chỉ tiêu, bất chấp các điều kiện phù hợp”

Thúy Hà
.
.
.