92% tài sản tham nhũng bị tẩu tán
- Đoàn công tác số 8 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng làm việc tại Tuyên Quang
- Không có “vùng cấm” trong chống tham nhũng, tiêu cực
- "Thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng"
- Cử tri lo lắng về nợ công, lãng phí, tham nhũng
Chưa thu hồi được tài sản thì chống tham nhũng chưa triệt để
Trong phiên thảo luận buổi chiều 6-11 về công tác của Chính phủ và các cơ quan tư pháp, nhiều ĐB bày tỏ mối quan tâm lớn về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là việc thu hồi tài sản cho nhà nước. ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu quan điểm: Xã hội không chỉ quan tâm đến hình phạt đối với người phạm tội mà còn quan tâm đến việc thu hồi tài sản tham nhũng. Tòa án có tuyên những bản án nghiêm khắc đến đâu mà không thu hồi được tài sản coi như xử lý chưa triệt để.
Tuy vậy, trong báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc thu hồi tài sản tham nhũng “đã có kết quả tích cực hơn, nhưng tỷ lệ thu hồi còn thấp” trong khi tội phạm tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, số lượng tài sản do tham nhũng chắc chắn là không hề nhỏ.
ĐB Nguyễn Văn Hiển |
Đại biểu lấy dẫn chứng, báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ cho thấy chỉ thu hồi được 7,82% số tiền và 54,75% về đất.
Tự phân tích nguyên nhân, ĐB cho rằng: Đa số tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn, có chuyên môn, có chức vụ, nên có chuẩn bị kỹ càng, che giấu kỹ lưỡng tài sản, biết cách ngụy trang, chuyển hóa, tẩu tán tiền hay thậm chí sử dụng phần lớn tiêu xài hoang phí, nên khi bị phát hiện không thể khắc phục được hậu quả.
Đồng tình với ĐB Phương Hoa, ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) nhấn mạnh: Thu hồi tài sản đang là vấn đề trọng tâm và là một trong những mục tiêu chính trong đấu tranh chống tham nhũng, nhưng hầu như chính sách này chưa được phản ánh trong báo cáo. Cả báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đều gần như không có nội dung này, chỉ có một vài dòng nhạt nhòa và không đưa ra giải pháp nào cụ thể, trực tiếp.
ĐB dẫn báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ cho thấy, các vụ án tham nhũng gây thiệt hại 1.521 tỷ đồng và 77.057 m2 đất, nhưng mới thu hồi được 329 tỷ, 314.000 USD và 3700 m2 đất (thu hồi tiền đạt 22%, đất đạt 4,8%).
Tổng cục thi hành án thụ lý 415 vụ việc thuộc nhóm tội phạm tham nhũng, tương ứng với số tiền phải thu là 6.051 tỷ, trong đó mới mới giải quyết xong 1.124 tỷ, đạt 19%.
Tổng số tiền phải thi hành án của những người đang chấp hành hình phạt tù là 32.000 tỷ, mới thi hành được 2.795 tỷ, đạt 8,75%.
“Theo dõi việc thu hồi tài sản của một số vụ án tham nhũng lớn thì số tiền thu về cho ngân khố quốc gia còn thất vọng hơn nhiều. Chẳng hạn vụ cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Vinashin, theo quyết định thi hành án thì Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải bồi thường thiệt hại cho Vinashin hơn 989,2 tỷ đồng và lãi chậm trả, nhưng đến tháng 7/2017 chưa thi hành được khoản nào. Dương Chí Dũng phải bồi thường cho Vinalines 110.000 tỷ và lãi trả chậm, nhưng đến nay mới thi hành được trên 21 tỷ đồng. Báo cáo 10 năm thi hành luật Phòng chống tham nhũng cũng cho biết: Hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát, thu hồi được” – ĐB Hiển nêu một số ví dụ trực quan.
Mở rộng đối tượng phải kê khai và tăng cường công khai tài sản
Thống nhất nhận định việc thu hồi tài sản là quá thấp so với thiệt hại rất lớn mà nạn tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia, các ĐB đều cho rằng: Cần coi thu hồi tài sản là một trong những chính sách quan trọng phải ưu tiên hàng đầu.
ĐB Mai Thị Phương Hoa |
Nhận định việc kê khai mới dựa vào tự giác, chưa có quy định cơ quan có thẩm quyền xác minh chủ động các bản kê khai, chưa có quy định công khai các bản kê khai này để người dân giám sát. Thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến, làm công tác nhận diện tài sản tham nhũng khó khăn... ĐB Phương Hoa kiến nghị cần hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng mở rộng đối tượng kê khai, thực hiện công khai thực chất hơn tài sản của cán bộ, công chức. Kiến nghị này được nhiều ĐB nhất trí cao.
ĐB cũng đề nghị trong quá trình xử lý các vụ việc tham nhũng, cơ quan tố tụng cần cưỡng chế theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn ban đầu để tránh bị tẩu tán. Dẫn con số cho thấy, tỷ lệ thu hồi tài sản sau thanh tra đạt hơn 50%, nhưng qua xét xử chỉ đạt 25,8% và đến công tác thi hành án chỉ có 19,1%, ĐB cho rằng đến giai đoạn thi hành án, bản án đã có hiệu lực thì đa số cố tình chây ì, tìm cách tẩu tán vì “ván đã đóng thuyền”, thay vì thành thật giao nộp mong được khoan hồng ở giai đoạn sau thanh tra. Do đó, ĐB khuyến nghị nên tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đối tượng giao nộp tài sản tham nhũng để nâng cao tỷ lệ này.
“Thu hồi tài sản là thước đo hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng nên cần quyết tâm hơn nữa trong công tác này, trả lại nguồn lực cho đất nước, triệt tiêu mục đích kinh tế của tội phạm tham nhũng” – ĐB nêu quan điểm.