Vấn đề khai thác thương mại tại các sự kiện thể thao

Thứ Năm, 12/01/2023, 07:49

Thông tin bản quyền truyền hình SEA Games 32 vào tháng 5 tới tại Campuchia đang được xem xét khai thác thương mại đã thực sự gây chú ý. Từ sân chơi SEA Games, lại nghĩ về sân chơi Đại hội Thể thao toàn quốc, vốn chỉ được biết đến như là nơi tiêu tiền, chỉ sử dụng ngân sách mà chưa đem về nguồn thu cho Ban tổ chức.

Không ngoài xu hướng chung

Từ lâu, việc khai thác thương mại từ SEA Games vẫn được thực hiện nhưng bản quyền truyền hình lại là vấn đề khó, nhạy cảm do có nhiều luồng ý kiến từ các thành viên của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á. Thực tế, Ban tổ chức nhiều sự kiện thể thao lớn trên thế giới, châu lục như Olympic, ASIAD, đặc biệt là World Cup đã coi bản quyền truyền hình là nguồn thu quan trọng. Cũng vì vậy, nhiều nước chủ nhà SEA Games trước đây cũng từng tính đến giải pháp khai thác thương mại bản quyền truyền hình.

Vấn đề khai thác thương mại tại các sự kiện thể thao -0
Môn xe đạp tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX là một trong số ít môn xuất hiện thương hiệu doanh nghiệp tại địa điểm tổ chức giải. Ảnh: Minh Quang.

Năm 2007, khi SEA Games 25 được tổ chức tại Thái Lan, nước chủ nhà đã đặt ra vấn đề khai thác thương mại với bản quyền truyền hình của sự kiện. Đó cũng là lần đầu tiên vấn đề này được đặt lên bàn hội nghị của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á. Ngay khi ấy, vấn đề này cũng đã vấp phải quan điểm trái chiều rằng SEA Games là sự kiện chung của thể thao Đông Nam Á và cần được lan tỏa tối đa. Nếu đặt việc thu phí bản quyền thì người dân nhiều nước trong khu vực không có cơ hội hưởng thụ sự kiện. Sau đó, là những lần hoàn toàn miễn phí bản quyền truyền hình hoặc thu tượng trưng tùy quan điểm của nước chủ nhà SEA Games.

Cho đến nay, vấn đề này vẫn trong vòng thảo luận, chưa đi đến thống nhất về khai thác thương mại ở mức nào. Tuy vậy, quan điểm cho rằng việc khai thác thương mại bản quyền truyền hình vẫn là tất yếu, không thể đứng ngoài xu hướng chung, cũng xuất hiện nhiều hơn. Và đến trước SEA Games 32, việc khai thác thương mại bản quyền truyền hình của sự kiện lại gây chú ý.

Như chia sẻ của ông Venu Ganesh Ramadas – đại diện Ban bản quyền và sản xuất thuộc ban tổ chức SEA Games 32 thì: "Việc thu phí bản quyền truyền hình giúp giảm gánh nặng chi phí tổ chức sự kiện cho các quốc gia đăng cai, đồng thời tăng doanh thu và phát triển về mặt thương mại".

Ngay tại Việt Nam, ít ngày trước đã diễn ra lễ công bố VTVcab là đơn vị truyền hình đầu tiên sở hữu bản quyền phát sóng SEA Games 32. Trước đó, Ban tổ chức SEA Games 32 chỉ định một công ty tại Singapore và đối tác tại Việt Nam là On Media được ủy quyền phân phối bản quyền truyền hình trên lãnh thổ Việt Nam.

Tất nhiên, đây sẽ là câu chuyện dài khi gần đây, thông tin từ Ủy ban Olympic Việt Nam cho hay, tại cuộc họp mới nhất của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, chủ nhà Campuchia thông báo đang nghiên cứu và tiến hành trao đổi với các hãng truyền hình về khả năng bán bản quyền truyền hình SEA Games 32, nhất là mức thu phí bản quyền truyền hình.

Nước chủ nhà hy vọng tương lai vấn đề bản quyền sẽ được khai thác tại SEA Games giống như tại các Đại hội thể thao châu lục, Olympic. Hiện nay, Ban tổ chức SEA Games 32 đang xin ý kiến các đài truyền hình khu vực Đông Nam Á về nhiều mức giá bản quyền truyền hình khác nhau và sẽ báo cáo với Chính phủ Campuchia xem xét về việc thu phí bản quyền hay phí tham dự của các đài truyền hình tác nghiệp tại đại hội.

Rõ ràng, những vấn đề về bản quyền truyền hình SEA Games 32 vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều, nên sẽ tiếp tục được trao đổi tại một phiên họp gần nhất vào cuối tháng 1 này. Dù vậy, tất cả đang cho thấy guồng quay mạnh mẽ của thể thao khu vực để việc tổ chức các sự kiện thể thao cũng mang lại nguồn thu tối đa.

Nghĩ về Đại hội Thể thao toàn quốc

Từ câu chuyện khai thác tối đa lợi thế của SEA Games để mang lại nguồn thu lại thấy rằng Đại hội Thể thao toàn quốc – sự kiện thể thao quan trọng ở Việt Nam có thể tính đến những hướng đi xa hơn hiện nay. Cho đến Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX vừa qua, ngay người trong ngành Thể dục – Thể thao cũng chỉ mới tổ chức Đại hội theo lối cũ là dùng ngân sách nhà nước.

Việc tìm thêm nguồn thu để tổ chức đại hội được coi là bất khả thi khi đại hội bị đánh giá là không có sức hấp dẫn, luôn cập rập về thời gian, địa điểm tổ chức. Trong đó, thời gian tổ chức có khi chỉ được công bố cụ thể trước hơn 1 năm hoặc thậm chí là vài tháng trước sự kiện. Đó là cái khó để có thể thu hút tài trợ cũng như khai thác thương mại ở các khía cạnh khác.

Cũng vì kinh phí tổ chức hạn chế mà khâu truyền thông cho đại hội cũng ảnh hưởng, dẫn đến những điều hay, đẹp, có ích cho thể thao nước nhà của đại hội không được lan tỏa đầy đủ. Thay vào đó, nhiều người chỉ biết đến đại hội với những màn tranh cãi về kết quả thi đấu một số môn võ, vấn đề nhân sự ở nhiều môn…

Và nếu có thêm nguồn thu, thay vì chỉ trông vào 45 tỷ đồng từ ngân sách cho tổ chức các khâu của đại hội, biết đâu cuộc thi đấu nội dung marathon ở môn điền kinh tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX vừa qua lại được chăm chút nhiều hơn về khâu tổ chức. Nhờ đó, sẽ có nhiều xe y tế, nhân viên y tế  hơn để theo VĐV, đón VĐV ở đích thay vì giao hẹn với các đoàn tự đón VĐV ở vạch đích, chăm sóc y tế.   

Cân nhắc mức phí

Tại cuộc họp của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á mới đây, Việt Nam cũng đề nghị Ban tổ chức SEA Games 32 làm rõ thêm về việc tiếp tục miễn phí bản quyền truyền hình đối với hãng truyền hình quảng bá do nhà nước sở hữu và có xác nhận của Ủy ban Olympic các quốc gia tham dự SEA Games 32 nhưng phải nộp phí tham dự theo thông lệ giống như các kỳ SEA Games trước đây. Theo đó có 3 mức (bắt đầu từ năm 2017), gồm: 5000 USD/một Đài truyền hình đối với các nước: Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore, Thái Lan, Việt Nam; 3000 USD/một Đài truyền hình đối với các nước: Campuchia, Myanma, Lào, Brunei; 1000 USD/một Đài truyền hình đối với Timor Letste.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.