Chế độ cho VĐV: Đãi ngộ tốt mới yên tâm cống hiến

Thứ Tư, 15/02/2017, 10:41
Cuộc họp gần đây giữa lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch với Tổng cục TDTT, các đơn vị trực thuộc để bàn về dự thảo sửa đổi Quyết định 32 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu, thêm một lần khẳng định sự quan tâm đến những người đang cống hiến cho thể thao Việt Nam.


“Chế độ đãi ngộ cũng phải theo thực tế”

Tiền công tập luyện, thi đấu và tiền ăn luôn là khoản chi thiết yếu cho HLV, VĐV hằng tháng. Mức độ của những khoản này cũng tác động đáng kể đến tâm tư, động lực và thành tích của HLV, VĐV. Còn tiền thưởng cũng được coi là nguồn thu nhập quan trọng với HLV, VĐV nhưng đấy là thu nhập phát sinh. Chỉ những VĐV xuất sắc mới có thể trông vào khoản thưởng để coi đó như vốn dắt lưng sau khi chia tay sự nghiệp VĐV đỉnh cao. 

Không ngẫu nhiên khi trong hai cuộc gặp gần đây của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện với các HLV, VĐV, đề xuất được tăng chế độ tiền ăn, tiền công đều được đưa ra.

Đô vật Nguyễn Thị Lụa từng đề xuất nâng chế độ đãi ngộ cho VĐV.

Vài năm trước, các HLV, VĐV không quá lo nghĩ về mức đãi ngộ cho mình khi Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu mới áp dụng. So với trước khi Quyết định 32 năm 2011 ra đời, đó là sự thay đổi mạnh mẽ, tích cực. Nhưng đến lúc này, mức lương cơ bản của Nhà nước đã nhiều lần thay đổi, giá cả đã tăng mạnh thì chế độ tiền ăn, tiền công lại “khiêm tốn” so với nhu cầu. 

Mức tiền ăn 200 nghìn đồng/ngày cho VĐV đội tuyển quốc gia; 150 nghìn đồng/ngày cho VĐV đội tuyển trẻ quốc gia, đội tuyển tỉnh, thành, ngành; 120 nghìn đồng/ngày cho VĐV đội tuyển trẻ tỉnh, thành, ngành có thể lớn so với người lao động bình thường nhưng lại không đủ với những VĐV vốn luôn có khối lượng và cường độ vận động lớn gấp nhiều lần người thường. Thế nên, nhiều CLB thể thao mới phải tự thuê người nấu ăn để bảo đảm dinh dưỡng tối đa cho VĐV.

Trong khi đó, tiền công tập luyện của HLV, VĐV theo Quyết định 32 cũng đã thay đổi đáng kể so với trước đó. Tuy vậy, mức này chỉ tạm phù hợp so với vài năm trước. 

Hiện tại, mức tiền công của HLV trưởng đội tuyển quốc gia ở mức 300 nghìn đồng/ngày, HLV đội tuyển quốc gia, HLV trưởng đội tuyển trẻ quốc gia ở mức 200 nghìn đồng/ngày; HLV đội tuyển trẻ quốc gia ở mức 150 nghìn đồng/ngày; HLV ở cấp tỉnh, thành, ngành trực thuộc Trung ương là 120 nghìn đồng/ngày; HLV đội tuyển trẻ của tỉnh, thành, ngành trực thuộc Trung ương là 90 nghìn đồng/ngày. Còn mức tiền công của VĐV đội tuyển quốc gia là 150 nghìn đồng/ngày, đội tuyển trẻ quốc gia là 120 nghìn đồng/ngày, đội tuyển tỉnh, thành, ngành là 80 nghìn đồng/ ngày… 

Như thế, trừ những ngày nghỉ tập luyện, HLV trưởng đội tuyển quốc gia ở mức cao nhất cũng chỉ có tiền công khoảng 8 triệu đồng/tháng, HLV đội tuyển quốc gia là trên dưới 5 triệu đồng/tháng, HLV đội tuyển trẻ quốc gia khoảng trên dưới 4 triệu đồng/tháng, HLV cấp tỉnh, thành, ngành trực thuộc Trung ương là trên dưới 3 triệu đồng/tháng… 

Mức thu nhập đó thậm chí chỉ tạm đủ cho chính HLV trưởng ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Trong khi ấy, HLV ở các cấp độ khác, nhất là những người đã lập gia đình, sẽ phải chật vật để duy trì nhu cầu chi tiêu tối thiểu trong gia đình cũng như bản thân. Nếu thu nhập không bảo đảm cho gia đình họ ở mức khiêm tốn nhất thì thật khó đòi hỏi họ yên tâm cống hiến và chấp nhận rời gia đình để lên tập trung cùng đội tuyển quốc gia...

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Không phải đợi đến khi các HLV, VĐV đề xuất nâng mức tiền ăn tiền công trong những cuộc gặp gần đây với lãnh đạo ngành VH,TT&DL, mà từ cách đây khá lâu, Tổng cục TDTT đã có những động thái để xin điều chỉnh chế độ cho HLV, VĐV. Không ngẫu nhiên mà Tổng cục TDTT đã lên danh sách HLV, VĐV đầu tư trọng điểm từ một số năm gần đây với mức tiền ăn, tiền công cao gấp đôi các VĐV đội tuyển quốc gia khác. 

Gần đây nhất, danh sách 14 HLV, 55 VĐV trọng điểm quốc gia có thể giành HCV SEA Games 29, huy chương ASIAD 2018, vé tham dự và huy chương Olympic 2020 đã được Bộ VH,TT&DL thông qua sau đề xuất của Tổng cục TDTT. Theo đó, HLV hưởng mức tiền ăn 400 nghìn đồng/ngày, tiền công 500 nghìn đồng/ngày; VĐV hưởng mức tiền ăn và tiền công cùng là 400 nghìn đồng/ngày. Đấy cũng là điều đáng ghi nhận về sự quan tâm của Nhà nước với các HLV, VĐV thể thao đỉnh cao.

Trong đề xuất điều chỉnh chế độ đãi ngộ HLV, VĐV theo Quyết định 32, mức tiền công cho các đối tượng HLV, VĐV sẽ tăng. Điều này phù hợp với thực tế bởi như có lần Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn chia sẻ thì sẽ là tốt nếu mức tiền công cho HLV đội tuyển quốc gia vào khoảng 20 triệu đồng/tháng, cho VĐV đội tuyển quốc gia vào khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Chỉ với mức thu nhập này thì HLV, VĐV mới yên tâm cống hiến, phấn đấu, không phải lo chuyện "cơm áo gạo tiền". 

Tất nhiên, trong giai đoạn này, khó có sự thay đổi đột phá về chế độ đãi ngộ nên sẽ không dễ để HLV và VĐV có mức tiền công mong ước như trên. Ở đây cũng cần đến sự chia sẻ với khó khăn của ngân sách, sự vượt khó của HLV, VĐV, nhằm đạt được cái đích cho thể thao Việt Nam.

Ở một khía cạnh khác, khâu xã hội hóa của từng tỉnh, thành, ngành, của từng Hiệp hội, Liên đoàn thể thao cũng phải được phát huy để HLV, VĐV không chỉ hướng về Nhà nước mỗi khi gặp khó khăn về chế độ đãi ngộ. 

Cuối năm ngoái, CLB vật Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội) đã tìm được doanh nghiệp hỗ trợ khoảng 7-8 triệu đồng/tháng/người cho 10 VĐV trọng điểm của CLB từ đầu năm 2017. Đấy là điều chưa từng có trong lịch sử vật Việt Nam, được coi là ví dụ sinh động nhất về sự chung tay góp sức san sẻ gánh nặng kinh phí dành cho thể thao với nhà nước.

Thế nên, sự điều chỉnh từ một quyết định chỉ đáp ứng những yêu cầu cơ bản của nền thể thao thành tích cao. Sẽ cần đến nỗ lực từ nhiều phía để HLV, VĐV thực sự yên tâm cống hiến.

Minh Nhật
.
.
.