Thế nào là một nền thể thao mạnh mẽ?

Thứ Hai, 16/12/2013, 15:30

Bắt thăm World Cup 2014 xong xuôi đâu đó, người Pháp vẫn không tránh khỏi những chỉ trích mang tính ngờ vực (mà chủ yếu phát xuất từ các diễn đàn của giới ủng hộ viên thiếu khách quan) rằng họ đã nhờ một tay những người Pháp có “ghế” là Chủ tịch UEFA Platini và Tổng Thư ký FIFA Valcke dàn xếp để Pháp rơi vào bảng nhẹ ký nhằm nuôi tham vọng tiến sâu hơn ở đấu trường đỉnh cao. Những chỉ trích ấy khá nực cười, và có thể nói, có phần khá nông cạn. Đặc biệt, nếu ta đối chiếu với những gì thực tế đã và đang diễn ra tại Pháp suốt thời gian qua.

Trước khi Pháp gặp Ukraine ở lượt tranh vé vớt, Chủ tịch UEFA Platini đã phát biểu: "Pháp không vào vòng chung kết cũng chả có gì là tận thế cả". Ông cho rằng, ở cương vị mình, ông quan tâm tới phát triển bóng đá ở mọi quốc gia châu Âu chứ không chỉ ở quê hương mình. Vả lại, Platini cũng chỉ mang nửa dòng máu Pháp mà thôi.

Nhiều người biết, ông mang nửa dòng máu Ý và thậm chí quan tâm đến tuyển Ý còn nhiều hơn cả tuyển Pháp. Trong khi đó, chính LĐBĐ Pháp FFF đã khẳng định, hợp đồng của HLV trưởng Deschamps vẫn cứ tiếp tục tới hết Hè 2016 bất chấp Pháp có vé World Cup hay không. Và trong một cuộc trưng cầu dân ý ở Pháp, trên 50% người Pháp cho rằng đội tuyển của họ có đi World Cup hay không cũng chẳng quan trọng. Người Pháp bây giờ quan tâm tới nhiều điều khác hơn, như: dân sinh, bảo hiểm y tế, xã hội, thuế… hơn là một đám hai mấy ông quần đùi áo số vốn dĩ toàn ở tầm lắm tiền nhiều của hơn mặt bằng chung rất nhiều.

Thế mới hiểu, cách chúng ta chỉ trích người Pháp đang hoàn toàn dựa trên cái chủ quan của chính chúng ta, những người đã bị bệnh thành tích ăn sâu vào tiềm thức.

Ở lượt trận thứ hai vòng bảng Sea Games 27 tại Myanmar, tuyển U23 Việt Nam đá trận thứ hai và thất thủ 0-1 trước Singapore. Người hâm mộ Việt Nam đa phần chẳng còn quan tâm tới đấu trường khu vực nhỏ xíu ấy nữa nên cũng không có phản ứáng thất vọng não nề. Nhưng vẫn có một bộ phận nhỏ cảm thấy buồn. Đơn giản, họ mong rằng Việt Nam đoạt HCV bóng đá Sea Games lần này hơn ai hết. Không phải họ hám thành tích mà họ mong vô địch một lần đi cho rồi, để VFF biết nhìn cao hơn, xa hơn là quanh quẩn với cái ao làng.

VĐV Wushu Dương Thúy Vi, người giành HCV đầu tiên cho đoàn Việt Nam ở Sea Games 27 (ảnh Đức Đồng).

Nhìn lại Sea Games đợt này, ai cũng cười vỡ ruột với tấm HCV đầu tiên của chủ nhà ở môn Chinlone, một môn mà nói tên ra không ai biết. Đại để, đó là tâng cầu mây nghệ thuật, loại hình thể thao mà có lẽ, cả Đông Nam Á này, lượng người chơi chưa quá 1 triệu người (cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp) cũng nên. Và cũng nhiều người sực nhớ ra hồi Sea Games 23 ở Việt Nam, ta cũng khác gì bạn đâu, tống bằng được môn Cầu chinh và Lặn vào nội dung thi đấu để gom vàng. Nghĩ tới cái đám vàng manh mún đó, chao ôi là buồn.

Ở nhiều nước, cụ thể như trong khối Liên hiệp Anh hay Bắc Mỹ, họ cũng có những giải thể thao khu vực với tầm vóc còn hoành tráng hơn Sea Games nhiều lần, như Commonwealth Games; Pan-America Games… Nhưng những vận động viên tham dự các đấu trường đó đa phần là bán chuyên nghiệp. Còn lực lượng chuyên nghiệp thì khác, đích của họ là sân khấu lớn, là Olympic, là World Cup, là các giải VĐTG của chính các liên đoàn bộ môn tổ chức.

Ví dụ ấy khiến chúng ta đặt ra câu hỏi: “Tại sao nền thể thao Việt Nam không dũng cảm hướng đến các đấu trường lớn dù biết trước sẽ thất bại mà cứ chăm chăm vào săn vàng ở chỗ không ai biết có tên Sea Games?”. Và lập tức, sẽ có câu trả lời: “Có giải cho các em VĐV còn có tiền thưởng. Cả năm quần quật, VĐV trông vào đó cả. Hơn nữa, những thành tích ấy có khi lại được cộng điểm xếp hạng để có lợi thế ra các giải lớn cũng nên”. Nghe có vẻ hợp lý, nhưng hóa ra, nó lại vô cùng phi lý khi thể hiện rõ chúng ta đang làm thể thao đằng ngọn.

Muốn các VĐV có nhiều thu nhập, thay vì thưởng ở Sea Games, chúng ta tổ chức giải trong nước cho tốt, thưởng cho lớn, tạo điều kiện thêm ra cọ sát các đấu trường lớn cho trình độ thêm phát triển. Điều đó không phải là lý thuyết mà là thực tế rõ ràng. Các giải bóng bàn, bơi lội, bóng chuyền… ở Việt Nam hôm nay đã mất khán giả hơn xưa rất nhiều. Dễ hiểu, tổ chức èo uột, giải thưởng thấp thì ai mà muốn đầu tư mạnh để tham gia giật giải giúp giải thêm hấp dẫn đây.

Suy cho cùng, đã đến lúc phải quên bệnh ham thành tích đi bởi tới lúc này bệnh ấy đã thành trầm trọng và đã quá muộn để sửa rồi. Một nền thể thao mạnh không phải là nền thể thao “xưng hùng” hống hách ở khu vực nhỏ, mà phải là một nền thể thao khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia hưởng ứng, chơi phong trào đến mức đam mê. Cộng đồng có đam mê như thế mới trở thành con nước lớn để thể thao đỉnh cao được đẩy lên cao hơn nữa như con thuyền trên dòng nước ấy. Chứ cứ làm thể thao theo kiểu hò nhau vác thuyền lên bất chấp dòng nước ở dưới cạn trơ đáy thế này, có lẽ suốt đời chúng ta, con chúng ta, cháu chúng ta… vẫn chỉ mơ về vàng Sea Games không hơn…

Hà Quang Minh
.
.
.