Thành Long - Không chỉ là sân bóng

Thứ Hai, 22/02/2021, 07:59
Sân Thành Long đã chính thức được bàn giao cho CLB Sài Gòn và chuẩn bị thay da đổi thịt, hiện đại hơn, nhưng tinh thần nuôi dưỡng cầu thủ bằng tình yêu các dấu ấn của bầu Hưng sẽ còn mãi.


Nơi tình yêu bao bọc

Nói đến bóng đá Việt Nam và các đội tuyển quốc gia trước đây, không ai không biết đến trung tâm thể thao Thành Long, hay thường được gọi tắt là sân Thành Long. Đây là cụm sân hiện đại bậc nhất đất nước ở giai đoạn đầu thế kỷ XXI và là nơi nuôi dưỡng tình yêu, đam mê của hàng nghìn cầu thủ, từ nghiệp dư cho đến chuyên nghiệp.

Nhắc đến Thành Long là phải nhắc đến “sự tích” ra đời của sân đấu này. Năm 2001, ông Quách Thành Lai (bầu Hưng) quyết định bỏ ra 150 tỷ - con số khổng lồ ở thời ấy để xây trung tâm bóng đá để thỏa mãn đam mê. Trước đó, ông từng thành lập CLB Thành Long, nhưng đội bóng thi đấu lẹt đẹt mãi không lên hạng.

Khi khánh thành, sân Thành Long trở nên cụm sân hiện đại nhất Việt Nam và nằm trong top đầu khu vực Đông Nam Á với bốn sân bóng đá đạt tiêu chuẩn thi đấu. Trong đó có một sân có khán đài mái che đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, trung tâm còn có đầy đủ cơ sở vật chất cho các cầu thủ ăn ở, trị liệu và rèn luyện thể lực.

CLB Sài Gòn chính thức chuyển về sân Thành Long từ năm mới Tân Sửu 2021.

Tính năng vượt trội cùng với giá thuê “rẻ như cho” biến sân Thành Long trở thành nơi quy tụ của hàng trăm đội bóng, từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp, từ trong nước đến nước ngoài. Thậm chí, Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á và châu Á cũng thường xuyên chọn Thành Long làm nơi tổ chức các giải trẻ, giải tập huấn trong khu vực. Trong một thời gian dài, sân Thành Long được VFF tín nhiệm chọn làm nơi tập trung các đội tuyển quốc gia Việt Nam.

Có rất nhiều thế hệ cầu thủ Việt Nam có kỷ niệm sâu sắc với sân Thành Long, đặc biệt vì sự yêu thương vô điều kiện của bầu Hưng - người đã qua đời vào năm 2018 vì bệnh tim. Không quá lời nếu nói sân Thành Long là nơi tình yêu bao bọc bóng đá.

Trong suốt 10 năm bầu Hưng quản lý, sân Thành Long lúc nào cũng đông “khách”, người ra kẻ vào nườm nượp. Tuy nhiên, ông không kiếm được đồng tiền lời nào từ trung tâm này mà ngược lại, liên tục phải bù lỗ. Lý do rất đơn giản, vì bầu Hưng lúc nào cũng lo các cầu thủ, các đội bóng bị thiệt, thiếu thốn.

Riêng với đội tuyển Việt Nam, ông còn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt hơn. Mỗi khi tuyển Việt Nam tập trung ở Thành Long, người ta lại thấy bầu Hưng xuất hiện nhiều hơn bất chấp sức khỏe của ông không được tốt. Câu cửa miệng của bầu Hưng là “Ăn no mới có sức thắng Thái Lan”. Trong những năm tháng đó, Thái Lan vẫn là “ngáo ộp” với tuyển Việt Nam, và bầu Hưng lúc nào cũng muốn các tuyển thủ có bữa ăn đầy đủ nhất để đảm bảo thể lực thi đấu.

Từ PVF đến “chợ cầu thủ” và CLB Sài Gòn

Ít ai biết rằng sân Thành Long còn là cái nôi của bóng đá trẻ. Năm 2009, Quỹ Đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) khai giảng khóa đầu tiên tại đây. Sân Thành Long trở thành nơi đóng quân của hơn 100 HLV, nhân viên, y bác sĩ VFF trong gần một thập kỷ, chứng kiến thăng trầm của hàng nghìn lứa cầu thủ đủ các độ tuổi khác nhau.

Năm 2011 rộ lên tin đồn bầu Hưng bán lại sân Thành Long cho một đại gia ngân hàng giấu tên, nhưng cuối cùng không có thương vụ nào được công bố. Vì lý do sức khỏe, bầu Hưng cũng nhiều lần đề xuất chuyển giao sân Thành Long cho Sở VH-TT& DL TP Hồ Chí Minh, nhưng đơn vị này từ chối vì muốn khuyến khích tư nhân xây dựng mô hình xã hội hóa thể thao.

Chính vì thế, PVF vẫn âm thầm tuyển sinh, đào tạo tài năng trẻ gần 10 năm ở sân Thành Long cho đến khi chuyển ra trung tâm mới ở Hưng Yên.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của PVF chỉ là một phần trong quá khứ huy hoàng của sân Thành Long. Chưa cần đến khi có một trung tâm đào tạo trẻ chuyên nghiệp, hàng loạt HLV, những người môi giới bóng đá đã tìm đến Thành Long để xem giò các cầu thủ. Ngược lại, các cầu thủ cũng tìm đến đây như một nơi phô diễn tài năng và chờ đợi cơ hội đổi đời. Lâu dần, sân Thành Long giống như một “chợ cầu thủ” đúng nghĩa.

Chợ cầu thủ này chỉ tan rã cách đây khoảng chục năm, khi bóng đá Việt Nam rơi vào khủng hoảng tài chính, các CLB không còn đủ tiềm lực chiêu mộ tân binh như trước. Bẵng đi vài năm, sân Thành Long dần vắng vẻ, xuống cấp, trong khi bầu Hưng không thể quản lý vì sức khỏe ngày càng yếu đi. Năm 2018, bầu Hưng qua đời ở tuổi 68 khi vẫn còn nhiều tâm tư với bóng đá TP Hồ Chí Minh nói riêng và nước nhà nói riêng.

Hai năm sau, ước nguyện khi còn sống của bầu Hưng được biến thành sự thật khi CLB Sài Gòn của bầu Trí, bầu Bình, bầu Minh đã mua lại sân Thành Long. Sau gần một năm cải tạo, CLB Sài Gòn chính thức sử dụng sân Thành Long làm đại bản doanh từ ngày 19/2.

Đáng chú ý, CLB Sài Gòn vốn có tiền thân là CLB… Hà Nội và mới có lịch sử ra đời 5 năm. Tuy nhiên, với tham vọng và quan điểm xây dựng một đội bóng của người Sài Gòn đúng nghĩa, lãnh đạo CLB đã thanh lý toàn bộ 21 cầu thủ và chiêu mộ đội hình mới trước thềm V-League 2021. Cộng thêm việc chọn sân Thành Long, biểu tượng của ông bầu hết mình vì bóng đá TP trước đây, CLB Sài Gòn chứng minh họ không hề nói suông.

Ông bầu của các ông bầu

Bầu Hưng là ông bầu đặc biệt của bóng đá Việt Nam, khi ông luôn phân định rạch ròi bóng đá là bóng đá, kinh doanh là kinh doanh. Năm 2001, ông quyết định dốc hết vốn liếng tích cóp trong hàng chục năm để xây dựng trung tâm thể thao Thành Long.

Khi ấy, bầu Hưng đau đáu với những câu hỏi: Tại sao bóng đá Việt Nam không phát triển? Tại sao bóng đá Việt Nam mãi thua bóng đá Thái Lan? Tại sao TP Hồ Chí Minh với 8 triệu dân lại không có một trung tâm bóng đá?

Từ khi có sân Thành Long, danh tiếng của bầu Hưng cũng tăng mạnh. Giới cầu thủ, HLV thường gọi ông là “Ông bầu của các ông bầu”, bởi lẽ ông quả thực chỉ nghĩ sao cho cầu thủ khỏe hơn, xuất sắc hơn, các đội bóng của Việt Nam mạnh hơn. Với ông, làm thể thao thì không đặt vấn đề lợi nhuận.

Ở giai đoạn bầu Hưng dốc tiền xây sân Thành Long, bầu Đức và bầu Thắng gặt hái thành công lớn cùng HAGL và Đồng Tâm Long An, nhưng ông không quan tâm. Cũng chính vì suy nghĩ có phần mơ mộng đó nên bầu Hưng thất bại với CLB Thành Long hay CLB TP Hồ Chí Minh trước đây. Bù lại, ông luôn có thể nở nụ cười tự hào về sân Thành Long, cái nôi được tình yêu bóng đá nuôi dưỡng.

An Khánh
.
.
.