Cử tạ Việt Nam: Có tre, đã có măng
- Vận động viên cử tạ Trịnh Văn Vinh: Khổ tận cam lai1
- Cử tạ mang về thêm một huy chương bạc cho Thể thao Việt Nam
Câu chuyện dài của cử tạ Việt Nam
Hơn 10 năm trước, cử tạ Việt Nam đã có danh phận ở các đấu trường thế giới, châu lục và Đông Nam Á. Nếu muốn nói về dấu ấn đáng nhớ nhất của cử tạ Việt Nam trong giai đoạn đầu tiên hội nhập với thể thao quốc tế thì đó chính là tấm Huy chương vàng (HCV) của lực sỹ Hà Nội Nguyễn Quốc Thanh tại SEA Games năm 1997 ở Indonesia. Đó cũng là tấm HCV đầu tiên của cử tạ Việt Nam tại SEA Games.
Tuy nhiên, khi ấy, lực sỹ Nguyễn Quốc Thanh tranh tài ở hạng 76kg, một hạng cân khó cho các lực sỹ Việt Nam tại đấu trường châu lục và thế giới. Ngay ở các SEA Games sau đó, đô cử Nguyễn Quốc Thanh cũng không thể tái lập thành tích của mình.
Phải đến khi đô cử Hoàng Anh Tuấn nổi lên ở hạng 56kg cách đây hơn chục năm thì lúc đó cử tạ Việt Nam mới quyết tâm chăm chút cho hạng cân này, xem đây là thế mạnh và mũi nhọn tại các đấu trường quốc tế.
Hoàng Anh Tuấn được xem là trường hợp đặc biệt của cử tạ Việt Nam nhờ hội tụ đầy đủ tố chất để thi đấu ở hạng 56kg, hạng nhẹ nhất trong môn cử tạ. Ngoài ra, bản lĩnh và sự lỳ lợm của đô cử này đã tạo nên sự khác biệt với nhiều đô cử giàu tiềm năng khác của Việt Nam. Vì vậy, khi Hoàng Anh Tuấn giành HCB tại Olympic 2018, cử tạ Việt Nam đã đặt được dấu mốc mới ở sân chơi này. Nhờ đó, cái tên Việt Nam được nể trọng hơn trong làng cử tạ thế giới.
Tuy nhiên, sự cố dương tính với chất kích thích của đô cử Hoàng Anh Tuấn đã khiến cử tạ Việt Nam hụt hẫng. Ngay sau khi Hoàng Anh Tuấn không thể thi đấu quốc tế, đô cử người Đà Nẵng Trần Lê Quốc Toàn đã trở thành lựa chọn số 1 hạng 56kg nam.
Đô cử người Đà Nẵng này phần nào đáp ứng hy vọng khi giành HCV tại SEA Games năm 2011. Tuy nhiên, ở hai sân chơi quan trọng mà cử tạ Việt Nam cần khẳng định vị thế là ASIAD 2010 và Olympic 2012 thì anh lại chưa thể tái lập thành tích như Hoàng Anh Tuấn. Đặc biệt, tại Olympic 2012, Trần Lê Quốc Toàn đã có cơ hội giành HCĐ. Tuy nhiên, anh không thể bước lên bục nhận huy chương.
Sau Trần Lê Quốc Toàn, cử tạ Việt Nam lại đặt niềm tin vào Thạch Kim Tuấn – đô cử gây chú ý tại Olympic trẻ 2010 khi lên ngôi vô địch hạng 56kg. Thể hình của đô cử này bị đánh giá là không phù hợp với hạng 56kg trong khi bản lĩnh thi đấu lại không vững vàng. Trong một thời gian dài, điều này đã khiến Thạch Kim Tuấn không thể khẳng định bản thân. Nhưng rồi đô cử này cũng mang đến hy vọng cho cử tạ Việt Nam với bước tiến vững vàng trong giai đoạn 2014-2015. Anh giành HCB tại ASIAD 2014 trước khi giành các chức vô địch ở giải thế giới. Đáng kể nhất là thành tích của anh đã tạo nên hy vọng có thể tranh chấp huy chương tại Olympic 2016. Thế nhưng, Thạch Kim Tuấn cũng không thể tái lập được thành tích như đàn anh Hoàng Anh Tuấn khi không thể chen chân vào nhóm giành huy chương dù đã quyết tâm và được tạo điều kiện tối đa.
Vấn đề đặt ra sau khi Thạch Kim Tuấn có dấu hiệu qua thời kỳ đỉnh cao chính là tìm được những nhân tố thay thế xứng đáng. Lực sỹ trẻ Nguyễn Trần Anh Tuấn – đoạt HCB tại Olympic trẻ 2014, từng được coi là truyền nhân của Thạch Kim Tuấn nhưng đến lúc này vẫn đang trong chế độ chờ tỏa sáng tại các sân chơi đánh giá đúng đẳng cấp là ASIAD và Olympic.
Thêm nhân tố, thêm hy vọng
Cũng vì xác định 56kg nam là hạng cân thế mạnh nên khâu tuyển chọn của cử tạ Việt Nam đều chú trọng tìm người phù hợp với hạng cân này. Theo các chuyên gia cử tạ cũng như cựu á quân Olympic 2008 Hoàng Anh Tuấn, Việt Nam có nguồn tài năng dồi dào để các nhà tuyển trạch “đãi cát tìm ngọc” cho hạng cân này.
Đô cử Ngô Sơn Đỉnh (giữa) mang HCV thứ hai về cho cử tạ Việt Nam ở sân chơi Olympic trẻ. Ảnh: TTXVN |
Trong hai năm qua, thành tích của Ngô Sơn Đỉnh tại các giải trẻ Châu Á và thế giới cũng khá ấn tượng. Năm 2017, đô cử quê Tiền Giang giành 1 HCV, 2 HCĐ tại giải cử tạ thanh thiếu niên và trẻ vô địch Châu Á.
Ngay trong năm 2018 này, Sơn Đỉnh đã đoạt 3 HCV tại giải cử tạ thanh thiếu niên và trẻ Châu Á, 2 HCĐ giải cử tạ vô địch trẻ thế giới. Ngay trước Olympic trẻ 2018, từ thông số của các lực sỹ đăng ký tham dự, Ban huấn luyện đội tuyển cử tạ quốc gia đã nhìn thấy cơ hội giành HCV của Ngô Sơn Đỉnh. Chính vì vậy, cùng với Nguyễn Huy Hoàng, Ngô Sơn Đỉnh là hai niềm “hy vọng vàng” lớn nhất của thể thao Việt Nam tại Olympic trẻ 2018.
Thực tế đã như dự báo khi Ngô Sơn Đỉnh không mắc sai sót trong các lần nâng tạ để lên ngôi vô địch với mức tạ 262kg (trong khi đó, Thạch Kim Tuấn lên ngôi vô địch ở Olympic trẻ năm 2010 chỉ với mức 256kg). Nhờ vậy, cử tạ Việt Nam đã có tấm HCV thứ hai trong 3 lần tham dự Olympic trẻ và quan trọng là khẳng định được tiềm năng ở hạng cân thế mạnh của mình.
Dù vậy, vấn đề của Ngô Sơn Đỉnh cũng như nhiều tài năng khác của thể thao Việt Nam vẫn là phải được đầu tư với một chế độ đặc biệt. Hiện nay và 2-3 năm tới là giai đoạn phát triển cực kỳ quan trọng của các đô cử, qua đó có thể đoán định được tương lai của họ tại các sân chơi lớn hơn. Còn lúc này, chỉ biết cử tạ Việt Nam đã có người để đầu tư cho hạng cân thế mạnh, để hy vọng tranh chấp ngôi cao tại ASIAD cũng như Olympic. Mà đối với hạng 56kg nam của cử tạ Việt Nam, hoặc là giành HCB - HCV tại ASIAD, hoặc là giành huy chương ở Olympic mới đáng kể.
Tuy nhiên, ai cũng hiểu, giành ngôi cao tại Olympic trẻ nhưng để có thể cạnh tranh được vị trí trong nhóm đầu ở ASIAD cũng như Olympic lại là chuyện khác, nếu không nói là rất khó nếu nhìn vào những trường hợp của đô cử Thạch Kim Tuấn hay Nguyễn Trần Anh Tuấn.
Thêm hy vọng cho cử tạ nữ Cũng tại Olympic trẻ 2018, đô cử Nguyễn Thị Thu Trang (15 tuổi) đang đầu quân cho cử tạ Hà Nội đã giành HCB hạng 44kg. Đó là tấm huy chương đầu tiên của cử tạ nữ Việt Nam tại sân chơi này. Nguyễn Thị Thu Trang từng là vận động viên của Bắc Ninh trước khi chuyển cho Hà Nội vào năm 2015. Các huấn luyện viên tại Hà Nội cho rằng, đô cử nữ này có tiềm năng nhưng cần phải mài giũa nhiều hơn để có thể thực sự đáp ứng các nhiệm vụ quốc tế. Minh Hà |