Nga triển khai tên lửa hành trình siêu việt, Mỹ sốt vó

Thứ Năm, 09/03/2017, 10:40
Giới chức Mỹ mới đây lên tiếng cáo buộc việc Nga triển khai tên lửa hành trình trên đất liền SSC-8 đã vi phạm “tinh thần và mục đích” của hiệp ước kiểm soát vũ khí đã kí kết, đồng thời tạo mối đe dọa với NATO.

Reuters hôm 9-3 dẫn lời Phó Chủ tịch Thường trực Bộ Tư pháp Hoa Kỳ Paul Selva cho biết: "Hệ thống tên lửa hành trình của Nga có thể gây nguy cơ mất an toàn cho hầu hết các cơ sở của chúng tôi ở Châu Âu và chúng tôi tin rằng người Nga đã cố ý triển khai nó nhằm gây ra mối đe dọa cho NATO và các cơ sở trong khu vực có trách nhiệm của NATO".

Được biết, đây là lời cáo buộc công khai đầu tiên của quân đội Mỹ sau một báo cáo hồi tháng 2-2017 tiết lộ Nga đã bí mật triển khai tên lửa hành trình phóng từ đất liền mang tên SSC-8, vốn được Moscow nghiên cứu và thử nghiệm trong nhiều năm.

Phó Chủ tịch Thường trực Bộ Tư pháp Hoa Kỳ Paul Selva. Ảnh: Reuters

Theo quan điểm từ phía Mỹ, Nga đã vi phạm một số phần của Hiệp ước về triển khai lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) theo đó cấm các bên tham gia xử lý, sản xuất hoặc tiến hành phóng thử các loại tên lửa hạt nhân có tầm bắn từ 500-5.500km.

Ông Selva cũng tuyên bố Mỹ đã gửi lời phản đối đến Nga và khẳng định Washington sẽ xem xét về các hành động để đáp trả.

Liên quan đến vụ việc, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ đề cập đến các hiệp ước về hạt nhân với Tổng thống Putin trong cuộc gặp sớm nhất trong tương lai.

Trước đó, hồi tháng 7-2014, Mỹ từng công bố báo cáo về vấn đề kiểm soát vũ khí, trong đó kết luận Nga đã vi phạm Hiệp định các lực lượng hạt nhân tầm trung bằng việc thử nghiệm tên lửa hành trình SSC-8. Tuy nhiên, Nga đã lập tức bác bỏ cáo buộc này.

Nga đang triển khai một số hệ thống tên lửa Iskander đến vùng lãnh thổ Kalilingrad, ngay sát châu Âu. Ảnh: RT

Tháng 12-2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại Nga, bà Maria Zakharova cũng chỉ trích Mỹ có hành động vi phạm nghiêm trọng hiệp ước về vũ khí hạt nhân tầm trung khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, cấu trúc nổi bật trong hệ thống phòng thủ của Mỹ là hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng MK41, có khả năng phóng các tên lửa đánh chặn, tên lửa hành trình, tên lửa tầm trung Tomahawk, vốn được bố trí trên các chiến hạm của Hải quân Mỹ.

Giới chức Mỹ khi đó lập luận rằng hệ thống tên lửa tại Romania được thiết lập nhằm ngăn chặn các vụ tấn công từ bên ngoài châu Âu, đồng thời một lần nữa nhắc lại hệ thống này không nhằm vào Nga và không tạo ra mối đe dọa đối với Nga.

SSC-8 là phiên bản thay thế của tên lửa 9M728 được Nga phát triển để khai hỏa từ các hệ thống phóng mặt đất. Theo chuyên gia NATO, SSC-8 có tầm bắn chính xác trong khoảng 550 đến 5000 km với quỹ đạo bay phức tạp và dẫn đường bởi vệ tinh GLONASS hay GPS. Đặc biệt, ở giai đoạn cuối, SSC-8 được cho là có khả năng sử dụng radar chủ động để nâng cao độ chính xác.

Tuy nhiên, điều khiến NATO lo lắng nhất là SSC-8 có thể sẽ được phóng đi từ hệ thống phóng tên lửa tầm ngắn Iskander vốn hoàn toàn tương thích với hiệp ước INF. Khi đó, khối quân sự gần như sẽ bất lực do không thể giám sát và phân biệt sự khác biệt giữa hai loại tên lửa.

Hiện Nga đang triển khai hàng loạt hệ thống Iskander đến vùng lãnh thổ Kalilingrad ngay sát biên giới Ba Lan và Lithuana tại châu Âu.

Phùng Nguyễn
.
.
.