Nga nỗ lực thiết lập cơ chế an ninh mới ở châu Âu

Thứ Ba, 28/12/2021, 07:33

Nga quyết tâm tìm kiếm một cơ chế an ninh mới, ổn định và toàn diện hơn với phương Tây thông qua con đường ngoại giao, nơi các mối lo chính đáng của hai bên cùng được tôn trọng và đảm bảo bằng điều khoản thoả thuận cụ thể, thay vì những lời hứa “suông”.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh Rossiya 1 của Nga ngày 26/12 (giờ địa phương), Tổng thống Vladimir Putin một lần nữa hối thúc phương Tây cân nhắc những đề xuất của Nga trong hai bản dự thảo thoả thuận an ninh mới mà Moscow đã gửi đến Mỹ cùng NATO cách đây 10 ngày. Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh, việc Nga nêu đề xuất trước “không phải là cách phổ biến để tiến hành đàm phán”, song nước này buộc phải hành động do lo ngại khối quân sự do Mỹ dẫn đầu có thể tăng cường trợ giúp quân sự Ukraine và trì hoãn đối thoại.

Theo nhà lãnh đạo Nga, nếu các hệ thống tên lửa tiên tiến NATO được đưa đến Ukraine, chúng chỉ mất chưa đầy 5 phút để bay tới thủ đô Moscow. Khi được hỏi Nga sẽ làm gì nếu phương Tây khước từ các đề xuất an ninh mới, ông Putin tiết lộ, Moscow có đầy đủ mọi phương án. “Điều đó sẽ phụ thuộc và đề xuất từ các chuyên gia quân sự của chúng tôi”, ông nói, song khẳng định Nga muốn tránh leo thang căng thẳng để mở đường cho các giải pháp ngoại giao với phương Tây.

Nga nỗ lực thiết lập cơ chế an ninh mới ở châu Âu -0
Nga muốn tìm kiếm một cơ chế an ninh mới, toàn diện hơn với phương Tây. Ảnh: Sputnik

TASS cho biết, dự thảo thoả thuận được Moscow gửi tới Mỹ và đồng minh gồm các nội dung cụ thể, có tính ràng buộc pháp lý để đảm bảo an ninh chung ở châu Âu, trong đó Nga và NATO sẽ cùng nhau rút tên lửa tầm ngắn, tầm trung khỏi biên giới của bên kia; NATO cam kết không mở rộng về phía Đông, không kết nạp Ukraine và các nước láng giềng của Nga. Moscow cũng đề nghị NATO không tập trận ở Ukraine, Đông Âu hoặc Trung Á nếu không có sự đồng ý của Nga.

“Tôi muốn mọi người ở Nga hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới hiểu rằng, vấn đề không phải “lằn ranh đỏ” mà chúng tôi không muốn người khác vượt qua. Vấn đề là chúng tôi không còn đường lùi. Họ (NATO) đã dồn chúng tôi đến giới hạn đó, hay nói cách khác, chúng tôi không còn đường lùi”, ông Putin giải thích.

Loạt thông điệp trên được ông Putin đưa ra trong bối cảnh Ukraine trở thành “điểm nóng nhất” trong quan hệ giữa Moscow và NATO. Giới chức phương Tây cáo buộc Nga gần đây triển khai từ 70.000-100.000 quân tới biên giới Ukraine. NATO và Ukraine mô tả hoạt động chuyển quân này là nhằm chuẩn bị một cuộc chiến mới và đe doạ sẽ ban bố những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất chống lại Nga. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã nhanh chóng bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định Nga chưa từng lên kế hoạch tấn công Ukraine và mọi hoạt động di chuyển binh sĩ, khí tàn quân sự trong lãnh thổ Nga đều diễn ra bình thường.

Không lâu sau phát biểu của Tổng thống Putin, TASS ngày 26/12 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov khẳng định, Nga coi khả năng các nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây gia nhập NATO là vấn đề “sống còn”. Nhắc đến việc NATO hơn 20 năm qua đã liên tiếp kết nạp 3 nước vùng Baltic và 4 nước thuộc Nam Tư cũ, ông Peskov chỉ trích phương Tây đã không giữ lời hứa với Nga sau khi Liên Xô tan rã.

Kết quả của sự lừa dối đó là an ninh của chúng tôi bị đe dọa”, ông Peskov nói. Đáng chú ý, quan chức Điện Kremlin đã nhắc đến vụ thử tên lửa siêu vượt âm Zircon mới được quân đội Nga tiến hành thành công trên biển, gọi đây là một thông điệp gửi phương Tây. “Hy vọng rằng theo cách này, các công hàm ngoại giao sẽ trở nên thuyết phục hơn”, ông Peskov phát biểu.

Giới quan sát đánh giá, việc Nga một mặt hối thúc đàm phán, mặt khác vạch rõ những “lằn ranh đỏ” cho thấy mong muốn của nước này trong việc thiết lập một cơ chế an ninh mới ở châu Âu, nơi các mối lo chính đáng của Moscow và của cả NATO được tôn trọng và đảm bảo bằng những điều khoản cụ thể, thay cho những lời hứa “suông”. Hiện vẫn chưa rõ Nga sẽ nhượng bộ đến đâu trong các cuộc đàm phán. Mỹ chưa đưa ra điều khoản nào bổ sung vào thoả thuận an ninh do Nga đề xuất và chưa có tiền lệ về nghĩa vụ pháp lý của NATO để từ bỏ việc mở rộng về phía Đông.

Chuyên gia Steven Pifer trên trang Brookings nhận định, bất cứ thoả thuận an ninh nào giữa Nga và phương Tây chỉ có thể đạt được sau các cuộc đàm phán kéo dài, phức tạp và gian khổ. Ông cho rằng Moscow lúc này cũng cần thể hiện thái độ thiện chí, nhất là liên quan đến tình hình ở Ukraine.

Từ Brussels, dù mô tả một số điều kiện của Nga là bất hợp lý, song NATO tuần trước khẳng định NATO sẵn sàng tham gia “các cuộc đối thoại có ý nghĩa với Mocsow”. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng cam kết: “Chúng tôi đã đối thoại với Nga về các vấn đề an ninh châu Âu trong 20 năm qua. Điều đó đôi khi có tiến bộ, đôi khi gây bế tắc. Nhưng cơ bản chúng tôi sẵn sàng đối thoại”.

Trong diễn biến liên quan trực tiếp, hôm 27/12, Bộ Ngoại giao Nga xác nhận họ đã nhận được đề nghị của NATO nhằm tổ chức một cuộc họp của Hội đồng NATO- Nga vào tháng 1/2022. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nhấn mạnh nước này rất coi trọng các cuộc đối thoại trên cùng NATO, bởi đó “là về các vấn đề an ninh quân sự”. “Thời gian, thể thức, hình thức và thành phần phái đoàn đang được (Nga) cân nhắc”, quan chức Nga nhấn mạnh.

Mỹ muốn gia tăng sức ép bằng lệnh trừng phạt?

Một mặt thể hiện thái độ sẵn sàng đối thoại cùng Nga, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 26/12 vẫn khẳng định Washington đang làm việc cùng các đồng minh để chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp trừng phạt “chưa từng có” nhằm vào Nga liên quan đến vấn đề Ukraine, CBSNews đưa tin. Khi được hỏi liệu Mỹ có trừng phạt “trực tiếp” Tổng thống Putin không, bà Harris cho biết: “Tôi sẽ không nói về các biện pháp trừng phạt cụ thể, nhưng chúng tôi đã nói rõ điều đó với Tổng thống Putin, chúng tôi đã trao đổi trực tiếp với ông ấy… Đó sẽ là các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi chưa thực hiện trước đây”.

Thiện Nhân
.
.
.