Giá dầu lao dốc, đã có nguồn cung thay thế "vàng đen" của Nga?

Thứ Năm, 10/03/2022, 09:17

Giá dầu thô thế giới rạng sáng ngày 10/3 đột ngột giảm mạnh về mốc giá cách đây một tuần, sau khi có thông tin Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sẵn sàng tăng sản lượng khai thác.

Trước lo ngại nguồn cung dầu mỏ toàn cầu sụt giảm do các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây nhằm vào ngành năng lượng Nga, giá dầu thô Brent hợp đồng giao tháng 4/2022 có lúc đạt ngưỡng 140USD/ thùng, còn dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) có lúc vọt lên 130,5 USD/thùng hôm 7/3, sau đó giảm nhẹ.

Giá dầu lao dốc, đã có nguồn cung thay thế dầu của Nga? -0
Giá dầu thô được dự báo có thể trở lại đà tăng nếu nguồn cung không sớm được đảm bảo. Ảnh minh họa: Times of Israel

Đến sáng 10/3 (giờ Hà Nội), giá dầu WTI đã giảm xuống 108,7 USD/thùng. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ cuối tháng 11/2021. Tương tự, dầu Brent giảm xuống còn khoảng 111 USD/thùng, mức giảm sâu nhất kể từ tháng 4/2020.

Sự biến động về giá dầu xuất hiện sau khi Đại sứ UAE tại Washington, Yousef Al Otaiba, ngày 9/3 thông tin với CNN rằng, nước này muốn tăng sản lượng dầu khai thác và sẽ vận động các nước Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Arab Saudi dẫn đầu tăng cường nguồn cung.

Nếu UAE thuyết phục các đối tác của mình hành động tương tự, nguồn cung dầu có thể sẽ được đảm bảo tốt hơn, dẫn đến giá giảm. Theo Reuters, Iraq mới đây cũng xác nhận họ có thể tăng sản lượng nếu Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (nhóm OPEC+) yêu cầu.

Tại cuộc họp tuần trước của OPEC+, các quốc gia thành viên đã tiếp tục duy trì quan điểm họ sẽ chỉ bổ sung dầu vào thị trường theo lộ trình chậm rãi. Nga là một thành viên của liên minh và không dễ để thuyết phục các nước OPEC+ khác hành động theo chiều hướng gây khó cho Nga.

Truyền thông Mỹ ngày 9/3 tiết lộ, lãnh đạo Arab Saudi thậm chí đã từ chối tiến hành các cuộc đàm phán qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Joe Biden qua điện thoại, khi ông chủ Nhà Trắng muốn thảo luận về giá dầu toàn cầu.

Arab Saudi là đồng minh của Mỹ, nhưng việc chính quyền ông Joe Biden lên án chiến dịch của nước này ở Yemen, cũng như việc Washington muốn trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran khiến quan hệ giữa hai bên phần nào nguội lạnh.

Được biết, trong nỗ lực đảm bảo nguồn cung dầu mỏ toàn cầu sau lệnh cấm nhằm vào Nga, Mỹ dường như tìm kiếm cách tiếp cận mới với Iran và Venezuela. Trước khi Mỹ áp lệnh cấm vận với Tehran, nước này cung cấp khoảng 4 triệu thùng dầu/ ngày ra thị trường, tương đương một nửa sản lượng của Nga.

Iran và Venezuela hiện chưa có dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng thỏa hiệp, trong bối cảnh các cuộc đàm phán cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng, còn chính quyền Mỹ quyết tâm không đảo ngược chính sách cứng rắn nhằm vào Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Giới quan sát cảnh báo, dù đã giảm, song giá dầu hiện vẫn cao hơn khoảng 23% so với hồi tháng 2. Nếu không có thỏa thuận chính xác nào được kí kết, giá dầu được dự báo sẽ sớm trở lại đà tăng nóng. 

Cách đây vài hôm, Reuters đưa tin, JP Morgan dự đoán giá dầu thế giới có thể đạt kỷ lục 185 USD/thùng vào cuối năm 2022 nếu sự gián đoạn đối với nguồn dầu mỏ của Nga tiếp tục kéo dài. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo kịch bản giá dầu có thể tăng lên mức 300 USD/thùng nếu phương Tây tiếp tục áp đặt các biện pháp cấm vận chống lại Nga.

Thiện Nhân
.
.
.