Cuộc đua "tam mã" trên chính trường Thái Lan

Thứ Bảy, 13/05/2023, 07:40

Khoảng 50 triệu cử tri trên khắp Vương quốc Thái Lan ngày 14/5 sẽ đi bỏ phiếu bầu Hạ viện khóa mới gồm 500 ghế. Mặc dù có tới gần 70 đảng tham gia tranh cử song cuộc bầu cử dự kiến sẽ là cuộc đua "tam mã" giữa đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN) của Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha, đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) và đảng Tiến bước với tư tưởng cấp tiến.

Đảm bảo tính minh bạch

Tổng Thư ký Ủy ban bầu cử (EC) Thái Lan Sawaeng Boonmee cho biết, trong nỗ lực đảm bảo an ninh và tính minh bạch trong cuộc bầu cử, EC đã phối hợp với Cơ quan An ninh mạng quốc gia, Văn phòng Ủy ban bảo vệ dữ liệu cá nhân, Cục Điều tra tội phạm mạng, Cục Quản lý đăng ký và Công ty TNHH Viễn thông quốc gia thành lập Trung tâm điều hành phản ứng và giám sát mối đe dọa an ninh mạng. Nhiệm vụ chính của trung tâm là kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hoạt động sử dụng công nghệ cao để gian lận bầu cử, đồng thời phát hiện sớm những sai sót có thể xảy ra trong quá trình bỏ phiếu và kiểm phiếu. EC cam kết sẽ giữ tất cả các lá phiếu an toàn, ngăn chặn các hành vi gian lận phiếu bầu và giám sát bầu cử, cũng như tuân thủ Đạo luật Tổ chức về bầu cử Hạ viện.

Về vấn đề quan sát viên bầu cử, Tổng Thư ký EC khẳng định cơ quan này khuyến khích tất cả các ngành hợp tác với EC trong việc quan sát bầu cử. Tuy nhiên, nếu các bên muốn cử quan sát viên riêng, họ phải thông báo trước cho EC trong vòng 15 ngày tính từ ngày bỏ phiếu theo Điều 55 của Đạo luật Tổ chức về bầu cử Hạ viện và họ cũng phải tự chịu chi phí cho hoạt động này. Ghế cho quan sát viên được bố trí riêng tại các điểm bỏ phiếu. Nếu không thông báo trước cho EC, các đảng có thể cử quan sát viên riêng nhưng những người này sẽ chỉ có thể quan sát từ bên ngoài các điểm bỏ phiếu.

Cuộc đua
Hơn 2 triệu cử tri Thái Lan đã tiến hành bỏ phiếu sớm hôm 7/5.

EC đã yêu cầu các quan chức phụ trách công tác bầu cử ở mỗi tỉnh ghi lại các sự kiện xảy ra tại các điểm bỏ phiếu từ thời điểm bắt đầu bỏ phiếu (lúc 8h ngày 14/5) cho đến khi kết quả sơ bộ được công bố, dự kiến vào khoảng 23h cùng ngày.

Cùng với đó, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan hiện đang đẩy mạnh nỗ lực trấn áp hoạt động phạm tội, trong đó tập trung vào các hình thức mua phiếu bầu và gian lận trong bầu cử, nhất là ở khu vực miền Nam nước này. Theo đó, Cảnh sát Hoàng gia đã thành lập một trung tâm an toàn để giám sát cuộc bầu cử nhằm đảm bảo mọi người sẽ tuân thủ luật pháp.

Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan cũng kêu gọi người dân thông báo cho cảnh sát về bất cứ hành động bất hợp pháp nào thông qua các đường dây nóng của EC cũng như cảnh sát địa phương. Trong khi đó, Cục Điều tra trung ương Thái Lan đã yêu cầu các cơ quan trực thuộc kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao để ngăn chặn các hành vi gian lận và bạo lực trước ngày bầu cử.

Ngoài ra, cơ quan này đã phát động các chiến dịch truy quét để bắt giữ những đối tượng có thể gây ảnh hưởng xấu đến cuộc bầu cử. Lực lượng cảnh sát cũng đã được triển khai ở từng khu vực bầu cử để ứng phó với những lời cảnh báo về các hoạt động bất hợp pháp.

Cuộc đua gay cấn

Tuy mới thành lập nhưng thành viên của UTN không phải là những gương mặt mới, trong đó có Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, các cựu phó thủ tướng cùng các thành viên chính phủ kỳ cựu. Gần đây, UTN đã tập hợp một nhóm kinh tế, bao gồm những trụ cột vững chắc nhất của Thái Lan là năng lượng, bất động sản và sản xuất để hỗ trợ ông Prayut Chan-o-cha tiếp tục những sáng kiến mà chính phủ 4 năm qua đã triển khai như tiếp tục đầu tư vào Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) - nơi tập trung nhiều ngành công nghiệp mới như chuỗi cung ứng xe điện, sản xuất pin và thiết bị điện tử, năng lượng tái tạo - và mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG)…

Trong khi đó, đảng Pheu Thai đang hứa hẹn một sự trỗi dậy sau thời kỳ mà họ gọi là “một thập niên bị mất” dưới chế độ liên kết với quân đội của Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha. Với việc bà Paetongtarn Shinawatra, con gái của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, lãnh đạo chiến dịch bầu cử của Pheu Thai, các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy đảng này đang dẫn đầu và có nhiều khả năng giành được nhiều ghế nhất. Tuy nhiên, đảng Tiến bước với tư tưởng cấp tiến cũng là một ẩn số thú vị, cho thấy cuộc bầu cử sẽ là một cuộc đua tam mã.

Theo quy định bầu cử Thái Lan, một đảng hoặc một nhóm đảng cần phải giành được ít nhất 251 trong số 500 ghế hạ viện để thành lập chính phủ. Trước bầu cử, mỗi đảng có thể đề cử tối đa 3 ứng cử viên cho ghế thủ tướng và phải giành được ít nhất 25 ghế nghị sĩ để có thể bảo đảm danh sách ứng cử viên của mình được bỏ phiếu tại quốc hội.

Về các ứng cử viên thủ tướng, gương mặt quen thuộc nhất chính là Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha. Là người chèo lái chính phủ vượt qua đại dịch COVID-19 kéo dài trong phần lớn nhiệm kỳ vừa qua, vị tướng quân đội 69 tuổi hy vọng sẽ trở lại vị trí thủ tướng với cương lĩnh tranh cử tập trung vào phát triển hạ tầng, đảm bảo tính liên tục trong các chính sách phát triển mà đất nước đang thực hiện, bảo đảm sự ổn định cũng như bảo vệ Hoàng gia.

Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan, 78 tuổi, cũng nhắm đến ghế thủ tướng với tư cách là ứng cử viên của đảng Quyền lực Nhà nước nhân dân (PPRP) đứng đầu trong liên minh cầm quyền 4 năm qua. Ông được coi là “anh cả” của các nhà lãnh đạo quân đội từng tiến hành cuộc đảo chính năm 2014. Ở cuộc bầu cử lần này, cương lĩnh tranh cử của ông chú trọng vào phúc lợi nhà nước, cung cấp miễn phí cho người nghèo và hoà giải chính trị. Lợi thế của 2 ứng cử viên đều xuất thân quân đội này là họ có kinh nghiệm lãnh đạo trong nhiệm kỳ vừa qua và được sự hậu thuẫn của Thượng viện 250 ghế do quân đội bổ nhiệm. Mặc dù vậy, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cả 2 lãnh đạo kỳ cựu này đều tụt lại phía sau 2 ứng cử viên trẻ tuổi của đảng Pheu Thai và đảng Tiến bước.

Ở tuổi 37, bà Paetongtarn Shinawatra đang nổi lên như ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc ghế thủ tướng Thái Lan sắp tới. Từng chứng kiến cả bố đẻ Thaksin Shinawatra và cô ruột Yingluck Shinawatra bị quân đội lật đổ khi đang ở ngôi vị thủ tướng, bà có mục tiêu rất quyết liệt tại cuộc bầu cử lần này là một chiến thắng “long trời lở đất” cho đảng Pheu Thai. Cương lĩnh tranh cử của bà là tăng lương tối thiểu và phục hồi kinh tế.

Tuy vậy, cũng như Pheu Thai đang đối mặt với một đối thủ “cùng hội cùng thuyền” đáng gờm là đảng Tiến bước, bà cũng sẽ thấy mình phải chạy đua với thủ lĩnh 43 tuổi của Tiến bước là ông Pita Limjaroenrat. Càng sát ngày bầu cử, ông đang được ví như một “cơn sốt” với những lời lẽ vận động lôi cuốn tập trung vào cải thiện cuộc sống người dân, phi tập trung hóa, cải cách hành chính quan liêu và chấm dứt sự can thiệp của quân đội vào chính trị. Nhìn từ kết quả các cuộc thăm dò dư luận, có thể thấy cuộc bầu cử năm nay tại Thái Lan là cuộc đua tranh của các mặt đối lập. Giữa các đảng đứng đầu, đó là sự đối lập giữa phe thân quân đội với phe phản đối đảo chính. Giữa các ứng cử viên thủ tướng hàng đầu, đó là sự đối lập về tuổi tác và kinh nghiệm chính trường.

Theo khảo sát của Viện Quản lý phát triển quốc gia (NIDA), trong số 52.322.824 cử tri đủ điều kiện bầu cử, nhóm tuổi dưới 42 chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 40%. Nhóm Thế hệ X (từ 43 đến 58 tuổi) chiếm khoảng 30% số cử tri. Thế hệ Bùng nổ dân số (từ 59 đến 77 tuổi) chiếm khoảng 22% trong khi nhóm cử tri lớn tuổi nhất, còn được gọi là “thế hệ im lặng” (78 đến 98 tuổi), chiếm khoảng 4%.

Giới quan sát nhận định rằng việc nắm bắt sự ủng hộ của lớp cử tri trẻ tuổi và những cử tri còn lưỡng lự, vốn chiếm tỷ lệ khá cao trong các cuộc thăm dò trước bầu cử, sẽ góp phần quyết định cơ hội chiến thắng của mỗi đảng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo bất cứ ai về đích, việc không mang lại lợi ích kinh tế rộng lớn có thể dẫn đến sự bất ổn của Thái Lan.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.